Chân dung 7 lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc trong nhiệm kỳ mới
Theo SCMP, trong Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, 4 nhà lãnh mới là các ông Lý Cường, Lý Hi, Đinh Tiết Tường, Thái Kỳ đã được bầu vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc.
Hai ông Vương Hỗ Ninh, Triệu Lạc Tế và Chủ tịch Tập Cận Bình là ba thành viên tái đắc cử trong Ban Thường vụ.
SCMP cho biết, sự kết hợp giữa những gương mặt kỳ cựu và mới nổi sẽ hỗ trợ Chủ tịch Trung Quốc và các chính sách của ông trong 5 năm tiếp theo, thời kỳ mà theo ông Tập là “vô cùng phức tạp”.
Theo Tân Hoa Xã, thứ hạng của các vị lãnh đạo trong Bộ Chính trị Trung Quốc lần lượt là: Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình (69 tuổi), Bí thư Thành ủy Thượng Hải Lý Cường (63 tuổi), Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Triệu Lạc Tế (65 tuổi), Bí thư thứ nhất ban Bí thư Vương Hỗ Ninh (67 tuổi), Bí thư Thành ủy Bắc Kinh Thái Kỳ (66 tuổi), Chủ nhiệm văn phòng Trung ương Đảng Đinh Tiết Tường (60 tuổi) và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông Lý Hi (66 tuổi).
Với vị trí thứ hai trong danh sách Ban Thường vụ, ông Lý Cường nhiều khả năng sẽ nắm giữa cương vị Thủ tướng Trung Quốc thay ông Lý Khắc Cường.
Vị trí Thủ tướng Trung Quốc thường chỉ giành cho những người đứng thứ hai hoặc ba trong Bộ Chính trị. Thông thường, Thủ tướng thường là những người đã có kinh nghiệm điều hành chính quyền địa phương.
Ngoài ra, Bộ Chính trị Trung Quốc khóa 20 được rút xuống chỉ còn 24 người, ít hơn một người so với khóa 19. Ban Chấp hành Trung ương đã tăng thêm một thành viên, từ 204 lên 205 người. Lần đầu tiên kể từ năm 2002, không có phụ nữ nào được bầu vào Bộ Chính trị Trung Quốc.
Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục nhiệm kỳ ba
Đại hội 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc đánh dấu nhiệm kỳ thứ ba của Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông Tập đã trở thành nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc kể từ năm 2012.
Trong bài phát biểu hôm 23/10, ông Tập tuyên bố sẽ “làm việc siêng năng” để “xứng đáng với sự tin tưởng của nhân dân” và đưa Trung Quốc thành cường quốc hàng đầu vào năm 2049.
“Hành trình phía trước còn dài và gian nan, nhưng với những bước đi quyết tâm, chúng ta sẽ tới đích”, ông nói. “Chúng tôi sẽ không bị nản lòng bởi gió lớn, nước siết hay những cơn bão nguy hiểm vì có được niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân”.
Ông cũng nhân cơ hội này gửi thông điệp với thế giới, cam kết rằng Trung Quốc ủng hộ các giá trị chung mà cộng đồng quốc tế chia sẻ và làm việc với các nước khác vì lợi ích chung.
Ông Lý Cường
Theo Nikkei, ông Lý Cường, 63 tuổi, đang giữ chức Bí thư Thành ủy Thượng Hải, vị trí mà gần như luôn đảm bảo ghế trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị.
Theo tiểu sử chính thức, ông Lý trở thành một công nhân kỹ thuật ở tuổi 17. Sau đó ông học tập ở nhiều trường khác nhau và giành được bằng EMBA từ Đại học Bách khoa Hong Kong vào năm 2005.
Ông Li đã từng làm việc cùng Chủ tịch Tập khi ông Tập ở tỉnh Chiết Giang. Vào năm 2016, ông Lý được lựa chọn làm người đứng đầu tỉnh Giang Tô. Đến năm 2017, ông được bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy Thượng Hải.
Vào đầu năm nay, ông Lý đã nhận nhiều lời chỉ trích vì phong tỏa COVID kéo dài hai tháng ở Thượng Hải. Khả năng ông được thăng chức lên làm người đứng đầu chính phủ sẽ phá vỡ thông lệ rằng Thủ tướng trước hết phải làm Phó Thủ tướng.
Theo SCMP, một luật mới được sửa đổi năm ngoái đã dọn đường cho việc Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc bầu ông Lý Cường làm Phó Thủ tướng trước tháng 3 năm sau để đáp ứng yêu cầu.
Ông Triệu Lạc Tế
Ông Triệu Lạc Tế, 65 tuổi, đã tái cử nhiệm kỳ hai trong Ban Thường vụ. Với vị trí thứ ba, nhiều khả năng ông sẽ đứng đầu Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc, cơ quan tương đương quốc hội ở các nước khác.
Ông Triệu đã trải qua những năm niên thiếu của mình ở tỉnh Thanh Hải, nhưng gia đình của ông lại đến tử tỉnh Thiểm Tây, quê hương của Chủ tịch Tập. Ông Triệu nói giọng Thiểm Tây và một số thông tin cho rằng cha ông Triệu là bạn của cha Chủ tịch Tập.
Ông Triệu theo học ngành triết học tại Đại học Bắc Kinh và sau đó quay lại Thanh Hải. Ở tuổi 42, ông trở thành tỉnh trưởng trẻ nhất Trung Quốc vào năm 2000. Ông Triệu đã giúp ông Tập xây dựng nền tảng trong nhiệm kỳ đầu tiên và hiện đang giữ chức Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương khóa 19.
Ông Vương Hỗ Ninh
Ông Vương Hỗ Ninh, 67 tuổi, là một trong những nhà tư tưởng hàng đầu của Trung Quốc về đối nội và đối ngoại. Ông đã tái cử nhiệm kỳ thứ hai trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị và dự kiến sẽ đứng đầu cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu của Trung Quốc.
Ông Vương có lẽ được biết đến nhiều nhất với việc soạn thảo lý thuyết chính trị "Ba đại diện" của Chủ tịch Giang Trạch Dân và "Triển vọng khoa học về phát triển" của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.
Ông cũng giúp xác định "Giấc mơ Trung Hoa" của Chủ tịch Tập Cận Bình. Ý tưởng của ông rằng quyền lực phải được tập trung ở cấp cao nhất để thúc đẩy cải cách là trọng tâm trong hệ tư tưởng chính trị của ông Tập.
Gia đình ông Vương đến từ tỉnh Sơn Đông. Tuy vậy, ông sinh ra ở Thượng Hải vào năm 1955. Ông bắt đầu ghi dấu ấn vào năm 1985 khi trở thành phó giáo sư tại Đại học Phúc Đán (Thượng Hải) ở tuổi 30. Ông Vương thông thạo tiếng Pháp và đã học tại Mỹ.
Ông được biết đến là người không ngần ngại lên tiếng trước cấp trên của mình. Nổi tiếng với tính cách nóng nảy, ông đã từ bỏ việc học tại Nhật Bản khi bị yêu cầu cung cấp danh sách chi tiết về quá trình đi học trước đây của mình.
Ông Thái Kỳ
Ông Thái Kỳ, 66 tuổi, đang nắm cương vị Bí thư Bắc Kinh. Ông đã từng làm việc dưới quyền của Chủ tịch Tập ở cả Phúc Kiến và Chiết Giang.
Ông đã làm việc ở các vùng nông thôn trong vài năm trong cuộc Cách mạng Văn hóa trước khi đến học và làm việc tại Đại học Sư phạm Phúc Kiến. Ông Thái có thể đã tạo dựng mối quan hệ với Chủ tịch Tập khi cả hai cùng làm việc trong tỉnh ủy Phúc Kiến vào những năm 1990.
Năm 2014, ông Thái chuyển đến Bắc Kinh để làm việc tại Ủy ban An ninh Quốc gia Đảng Cộng sản Trung Quốc mới thành lập, do ông Tập đứng đầu.
Ông trở thành lãnh đạo của thủ đô Trung Quốc vào năm 2017 và được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban tổ chức Thế vận hội mùa đông và Thế vận hội người khuyết tật mùa đông Bắc Kinh 2022.
Ông Đinh Tiết Tường
Ông Đinh Tiết Trường, 60 tuổi, là một trong những trợ lý chủ chốt của ông Tập. Ông Đinh là một kỹ sư và đã giành 17 năm sự nghiệp trong Viện Nghiên cứu Vật liệu Thượng Hải. Ông hiện là Chủ nhiệm văn phòng Trung ương Đảng.
Ông Đinh là người đã cùng ông Tập công du tới Hong Kong và Tân Cương trong năm nay. Ông đã từng làm việc dưới quyền của nhà lãnh đạo Trung Quốc vào năm 2007. Khi ông Tập trở thành Chủ tịch nước, ông Đinh được thăng chức làm Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước vào năm 2013.
Ông Lý Hi
Ông Lý Hi, 66 tuổi, đã được chọn làm Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương khóa 20 ngay trong ngày 23/10.
Ông Lý là người dân huyện Lưỡng Đương, tỉnh Cam Túc, nơi cha của Chủ tịch Tập từng lãnh đạo một cuộc nổi dậy vào năm 1932. Ông đã làm việc ở Cam Túc trong 25 năm, bao gồm cả thời gian làm thư ký cho ông Li Ziqi, người từng là cấp dưới của Chủ tịch Tập.
Theo tờ Ming Pao, ông Lý quen biết Chủ tịch Trung Quốc khi đi cùng ông Li Ziqi tới gặp ông Tập tại Bắc Kinh và Thâm Quyến. Ông Lý đã dành 7 năm ở tỉnh Thiểm Tây để làm việc cho ông Triệu Lạc Tế. Ông đã biến Liangjiahe, ngôi làng mà ông Tập đã trải qua thời niên thiếu, thành một “nơi linh thiêng”.
Ông Lý sau đó đã giữ các vị trí lãnh đạo ở Thượng Hải và Liêu Ninh trước khi thay thế ông Hồ Xuân Hoa làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông vào năm 2017.