|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Những điều cần biết về Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc: Lãnh đạo mới được bầu như thế nào và nội dung chính là gì?

15:42 | 18/10/2022
Chia sẻ
Ngày 16/10, khoảng 2.300 đại biểu trên khắp cả nước đã tập trung tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh để tham dự Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đại hội này là chọn ra các lãnh đạo cấp cao nhất của đất nước tỷ dân.

Lễ khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20. (Ảnh:Reuters)

Tại sự kiện kéo dài một tuần này, các đại biểu sẽ bầu ra những nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), sửa đổi điều lệ đảng và thông qua định hướng chính sách của đất nước trong 5 năm tới. Đại hội năm nay có ý nghĩa đặc biệt khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ nắm giữ vị trí Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ ba.

Tại sao đại hội lần thứ 20 lại quan trọng?

Thông thường, Tổng Bí thư của ĐCSTQ sẽ chuyển giao nhiệm vụ cho một người mới sau khi trải qua hai nhiệm kỳ 5 năm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhà lãnh đạo tối cao của đất nước là ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục giữ chức vụ hiện nay thêm một nhiệm kỳ nữa. Điều này sẽ phá vỡ quy tắc do hai người tiền nhiệm đặt ra. Trước đó, ông Hồ Cẩm Đào và ông Giang Trạch Dân đều rời vị trí Tổng Bí thư sau hai nhiệm kỳ.

Bên cạnh đó, ông Tập Cận Bình còn giữ hai chức vụ quan trọng khác là Chủ tịch Quân ủy Trung ương và là Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Dự kiến, ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục giữ vị trí nhà lãnh đạo cao nhất tại Đại hội Đảng và kéo dài chức Chủ tịch nhà nước tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc vào tháng 3/2023.

Ông Brian Hart, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói: “Tại Đại hội Đảng lần thứ 20, chúng ta có thể thấy ông Tập Cận Bình sẽ củng cố hơn nữa quyền lực của mình đối với đảng, nhà nước và quân đội”.

Công tác bầu cử

Theo Al Jazeera, khoảng 2.300 đại biểu đại diện cho đảng bộ các cấp tại 34 tỉnh, thành, khu vực sẽ bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoảng 400 thành viên), Bộ Chính trị (25 thành viên) và Ban Thường vụ Bộ Chính trị (7 người).

Trong một bài viết gần đây, ông Edward Knight và bà Ruby Osman, nhà nghiên cứu tại Viện Tony Blair về Thay đổi Toàn cầu, nhận định về lý thuyết, việc bầu chọn các nhà lãnh đạo cấp cao sẽ do các Ủy viên Trung ương Đảng quyết định. Song, trên thực tế, vào thời điểm đại hội chính thức bắt đầu, danh sách các lãnh đạo cao nhất có thể đã được dàn xếp xong xuôi.

Theo quy định, công tác bổ nhiệm lãnh đạo cấp cao sẽ dựa trên một bộ tiêu chuẩn, với quy ước “bảy lên, tám xuống” (quan chức nào từ 67 tuổi trở xuống tại thời điểm diễn ra đại hội  đều có thể thăng chức, trong khi nhưng người từ 68 tuổi trở lên sẽ nghỉ hưu).

Tại các kỳ đại hội gần đây nhất vào các năm 2007, 2012 và 2017, ĐCSTQ không bổ nhiệm ai từ 68 tuổi trở lên vào Bộ Chính trị.

Tuy nhiên, phát biểu tại một sự kiện gần đây do Viện Brookings ở Mỹ tổ chức, ông Cheng Li, một chuyên gia về Trung Quốc, cho rằng những giới hạn độ tuổi sẽ không áp dụng cho các thành viên của Bộ Chính trị tại Đại hội lần này. Theo ông Chen, ông Tập Cận Bình chắc chắn sẽ ở lại, song rất khó để dự đoán về 6 thành viên còn lại của Ban Thường vụ Bộ Chính trị.

 

Ai sẽ thay thế Thủ tướng Lý Khắc Cường?

Theo quy định, Thủ tướng chỉ được giữ chức hai nhiệm kỳ, do đó, ông Lý Khắc Cường sẽ thôi chức. Các ứng cử viên hàng đầu để thay thế là Phó Thủ tướng Hàn Chính, 68 tuổi và ông Hồ Xuân Hoa cũng là Phó Thủ tướng và là thành viên trẻ nhất của Bộ Chính trị khi chỉ 59 tuổi. Một ứng viên khác là Phó Thủ tướng Lưu Hạc, 70 tuổi.

Hai nhà nghiên cứu Knight và Osman nói: “Chúng ta sẽ không phải chờ lâu để tìm ra người kế nhiệm ông Lý Khắc Cường. Bất cứ ai bước ra sân khấu ngay sau ông Tập Cận Bình trong cuộc họp toàn thể đầu tiên, được tổ chức ngay sau khi Đại hội Đảng kết thúc vào ngày 23/10, gần như chắc chắn sẽ đảm nhận vai trò Thủ tướng ”

7 ủy viên Thường trực Bộ Chính trị được chọn ra từ 25 ủy viên Bộ Chính trị

Phụ nữ có được bầu vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị?

Chưa có phụ nữ nào từng được bầu vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Người phụ nữ duy nhất trong Bộ Chính trị gồm 25 thành viên hiện nay là bà Tôn Xuân Lan, người dự kiến sẽ nghỉ hưu ở tuổi 72.

Đại hội Đảng đóng vai trò như thế nào đối với chương trình nghị sự chính sách của Trung Quốc?

Với việc ông Tập Cận Bình dự kiến tiếp tục giữ vị trí Tổng Bí thư ĐCSTQ, các nhà phân tích cho rằng sẽ không có sự thay đổi về chính sách đối nội của Trung Quốc.

Bà Jennifer Hsu, một nhà nghiên cứu tại Viện Lowy có trụ sở tại Australia đánh giá trong bối cảnh Trung Quốc đang đối mặt với một loạt vấn đề từ dân số già hóa đến nợ nần chồng chất, Đại hội Đảng sẽ chỉ tập trung củng cố quyền lực của Đảng và vai trò lãnh đạo của ông Tập Cận Bình trong hệ thống chính trị. Theo đó, ít có khả năng cho việc thử nghiệm hoặc đổi mới chính sách đối nội.

Về phương diện quốc tế, các nhà phân tích dự đoán ông Tập Cận Bình sẽ ngày càng mạnh bạo hơn khi quan hệ Mỹ-Trung đã xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ do mối lo ngại của Washington về sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh.

Bà Bonnie Glaser, Giám đốc Chương trình châu Á tại Quỹ Marshall Đức, nói với Al Jazeera: “Tôi kỳ vọng ông Tập Cận Bình sẽ trở nên tham vọng và quyết đoán hơn trên trường quốc tế trong nhiệm kỳ thứ ba”.

Trà My

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.