|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chuyên gia bình luận về bài phát biểu 5 năm có một của Chủ tịch Tập Cận Bình

13:04 | 17/10/2022
Chia sẻ
Bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh mục tiêu tập trung vào phát triển và đổi mới, mục tiêu thiết lập trật tự thế giới mới và các vấn đề căng thẳng với Mỹ, đảo Đài Loan.

Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc được tổ chức định kỳ 5 năm một lần vào các năm 2012, 2017, 2022, ... Trong bài phát biểu Khai mạc Đại hội Đảng hôm 16/10, Chủ tịch Tập Cận Bình vừa vạch ra đường lối cho Trung Quốc trong 5 năm tới. Bài phát biểu của ông Tập hướng đến các vấn đề từ Zero COVID cho tới đảo Đài Loan và mục tiêu tự chủ công nghệ của Bắc Kinh. 

Sau đây là những ý kiến chuyên gia được Bloomberg tổng hợp về bài phát biểu này.

Ông Tập Cận Bình tại lễ khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 16/10. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images).

Ông Neil Thomas, nhà phân tích Trung Quốc tại Eurasia Group:

“Chủ tịch Tập đã thay đổi cấu trúc của bài phát biểu khá nhiều so với những năm trước. Những chủ đề như khoa học, giáo dục, an ninh quốc gia và hệ thống pháp luật đã có một phần riêng, đồng nghĩa với ưu tiên cao hơn”.

“Tập trung vào khoa học và giáo dục thể hiện rằng Trung Quốc đang đặt cược nhiều như thế nào vào sự đổi mối để giải quyết các vấn đề kinh tế và phụ thuộc vào công nghệ phương Tây”.

“Điều mới mẻ là [những mục tiêu này] sẽ được thực hiện hoặc hoàn thành bằng hiện đại hóa với phong cách Trung Quốc. Dấu hiệu này cho thấy Bắc Kinh đang tự tìm con đường riêng cho mình để hướng tới sự giàu có, sức mạnh mà không đi theo cách của phương Tây”.

“Thông điệp với Mỹ là Trung Quốc sẽ tự phát triển. Thông điệp hướng tới phần còn lại của thế giới là Trung Quốc vẫn sẽ mạnh mẽ và là một đối tác tiềm năng, nhất là với những quốc gia đang phát triển”.

Ông Scott Kennedy, cố vấn cao cấp về kinh tế và kinh doanh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS):

“Thông điệp của bài phát biểu này là nhằm cố gắng thiết lập một trật tự thế giới khác biệt so với các trật tự được thiết lập từ sau Thế chiến II, dẫn đầu bởi Mỹ và Liên Hợp Quốc”.

“Và bài phát biểu nhấn mạnh vào phong cách Trung Quốc trong mọi thứ: chính sách đối ngoại, chính sách đối nội, đồng thời chấp nhận rằng Washington và Bắc Kinh là đối thủ cạnh tranh chiến lược với kiểu trật tự thế giới mà hai nước đang cố tạo ra”.

(Đồ họa: Minh Quang).

Bà Peiqian Liu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Natwest Market:

“Có hai mục tiêu quan trọng trong trung hạn. Đầu tiên, phát triển và an ninh đều được đặt ngang hàng. Do đó, tốc độ tăng trưởng sẽ không phải là ưu tiên hàng đầu và duy nhất trong những năm tới. An ninh của việc phát triển cũng rất quan trọng”.

“Thứ hai, bài phát biểu nhấn mạnh nhiều vào công nghệ và đổi mới. Trọng tâm nhiều khả năng sẽ chuyển từ chỉ giảm rủi ro tài chính và tăng trưởng dựa vào nợ sang đổ thêm tài nguyên nhằm phát triển công nghệ cao và đổi mới”.

“Thịnh vượng chung vẫn được nhấn mạnh. Tái phân phối thu nhập và của cải vẫn sẽ là mục tiêu trung hạn”.

Trung Quốc ngày càng coi trọng đổi mới sáng tạo.

Ông Wu Xianfeng, quản lý quỹ tại Shenzhen Longteng Assets Management:

“Điểm nổi bật trong bài phát biểu là việc chủ tịch Tập nhấn mạnh rằng phát triển kinh tế vẫn sẽ là trọng tâm, trái ngược với những dự đoán sai lầm trước cuộc họp rằng thịnh vượng chung mới là mục tiêu lớn nhất”.

“Các nhà lãnh đạo đang trấn an rằng tăng trưởng vẫn sẽ là mục hàng đầu trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt khi Trung Quốc đối mặt với những khó khăn kinh tế từ Zero COVID và thách thức trong dài hạn từ Mỹ”.

Ông Ding Shuang, nhà kinh tế trưởng về Đại Trung Quốc và Bắc Á tại Standard Charted:

“Ông Tập tiếp tục khẳng định phát triển là mục tiêu hàng đầu và hiện đại hóa không thể thành công nếu không có nền tảng vật chất. Tuyên bố này đồng nghĩa với việc nền kinh tế Trung Quốc vẫn sẽ cần mở rộng và chất lượng cần cải thiện”.

“Bài phát biểu đa phần là sự mở rộng về những suy nghĩ của Chủ tịch Tập với nền kinh tế, không có quá nhiều ý tưởng mới. Điều này cũng dễ hiểu bởi ông Tập đã chèo lái nền kinh tế Trung Quốc suốt thập kỷ qua”.

“Bài phát biểu sẽ không có nhiều ảnh hưởng tới thị trường, bởi đa số các nội dung đã được nhắc đến trong quá khứ”.

Thu nhập bình quân đầu người (GNI) của Trung Quốc sắp đạt đến ngưỡng thu nhập cao theo định nghĩa của World Bank.

Ông Frank Tsai, giảng viên tại Emlyon Business School:

“Bài phát biểu của ông Tập gửi đi một tín hiệu rằng Trung Quốc nghiêm túc với bản chất Chủ nghĩa Xã hội của mình. Chủ tịch Tập khẳng định Trung Quốc đưa ra ‘một sự lựa chọn mới cho nhân loại’ và ‘chủ nghĩa xã hội khoa học của Trung Quốc’ cùng với ‘trí tuệ và năng lực của Trung Quốc’ sẽ khiến mô hình này hoạt động vì lợi ích của tất cả thế giới".

Ông Alfred Wu, Phó Giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore:

“Từ bài phát biểu, rõ ràng ông Tập muốn thay đổi trật tự thế giới. Vì vậy, mức độ đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ tăng lên. Tôi không thấy khả năng căng thẳng hạ nhiệt”.

“Trung Quốc luôn lập luận rằng Mỹ đã tạo ra trật tự thế giới hiện tại. Bắc Kinh khẳng định họ cũng có thể tạo ra một trật tự thế giới khác”.

Ông Chen Shi, quản lý quỹ tại Shanghai Jade Stone Investment Management:

“Báo cáo đã giải quyết sự lo lắng của tôi trong những tuần qua và sẽ xoa dịu lo ngại của nhà đầu tư vào Trung Quốc. Báo cáo lần này ngắn hơn, cho thấy Bắc Kinh đang tự tin và các chính sách vẫn nhất quán”.

Ông Drew Thompson, nhà nghiên cứu cao cấp tại Đại học Quốc gia Singapore:

“Ông Tập đang kêu gọi cả nước đấu tranh chống lại các lực lượng quốc tế đe dọa lợi ích của Trung Quốc. Phát biểu của ông Tập có khả năng báo trước về những căng thẳng tiếp theo giữa Trung Quốc và các nước phát biển”.

“Ông Tập nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa đất nước mạnh lên và đấu tranh chống lại những thách thức, mối đe dọa, đòi hỏi một quân đội hiện đại và bộ máy an ninh nội địa hiện diện ở khắp nơi”.

Ông Baohui Zhang, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Lĩnh Nam:

“Bài phát biểu của ông Tập đã nhấn mạnh lại cam kết của Trung Quốc đối với 'sự mở cửa', đã được nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đặt nền móng. Nhiều người đã tự hỏi liệu sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ có thể đẩy hai nước xa nhau hay không. Thông điệp của ông Tập khẳng định với thế giới rằng Trung Quốc vẫn cam kết hội nhập kinh tế”.

“Tuy nhiên, các cam kết ‘mở cửa’ của Trung Quốc không có nghĩa là sự tách rời [giữa Mỹ và Trung Quốc] sẽ không tiếp tục, do các lựa chọn và chiến lược của Washington đang ảnh hưởng tới quan hệ hai nước”.

Ông Wen-Ti Sung, nhà khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Australia:

“Bằng cách dành sự chú ý cho đảo Đài Loan ngay ở đầu bài phát biểu, ông Tập đang cam kết sẽ thực hiện chính sách về hòn đảo này của mình trong 5 năm tới”.

“Ông tuyên bố quân đội Trung Quốc có cả khả năng và quyết tâm ngăn chặn ảnh hưởng từ bên ngoài đối với đảo Đài Loan. Điều mà ông Tập chưa nhắc tới là liệu Bắc Kinh có “ý định” làm như vậy không”.

 

“Trung Quốc vẫn mong muốn thống nhất hòa bình hơn sử dụng vũ lực. Việc tập trung vào khả năng quân sự sẽ chỉ thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang ở eo biển Đài Loan, đồng thời, việc thể hiện quyết tâm thông qua các cuộc tập trận sẽ làm leo thang căng thẳng và rủi ro”.

Minh Quang