|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

4 kịch bản tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc: Từ ác mộng đến tươi sáng

10:27 | 13/10/2022
Chia sẻ
Trong thập kỷ tới, Trung Quốc cần nhiều cải cách sâu rộng, giải quyết các vấn đề từ tài chính, cơ cấu doanh nghiệp cho tới nhân khẩu học để nhanh chóng vượt qua Mỹ.

Bloomberg Economics đã xây dựng một mô hình cho thấy tốc độ tăng trưởng trên 5%/năm giờ đây gần như đã ngoài tầm với của Trung Quốc do những ảnh hưởng từ chính sách Zero COVID, tỷ suất sinh giảm và mức đầu tư thấp hơn sau khi lĩnh vực bất động sản rơi vào khủng hoảng.

Kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm lại trong vài thập kỷ tới.

Quy mô kinh tế của Trung Quốc đã tăng gấp đôi kể từ năm 2010. Khi Chủ tịch Tập Cận Bình nhậm chức, các nhà kinh tế đang tranh cãi liệu Trung Quốc có bị kẹt ở “bẫy thu nhập trung bình” hay không.

Nhưng thu nhập bình quân đầu người (GNI per capita) của Trung Quốc đã vượt Argentina hay Nga, chạm gần tới ngưỡng “thu nhập cao” theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới (World Bank).

Để nhanh chóng vượt qua Mỹ trong thập kỷ tới, Bắc Kinh cần nâng tuổi nghỉ hưu, tăng thuế cho người giàu để tài trợ cho giáo dục và chăm sóc y tế cũng như cung cấp dịch vụ công cho người nhập cư ở thành phố.

Lĩnh vực tài chính cần được điều chỉnh để đảm bảo nguồn vốn tới được các công ty hoạt động hiệu quả nhất. Các doanh nghiệp tư nhân cần được cho phép cạnh tranh công bằng hơn với doanh nghiệp nhà nước.

Trung Quốc đã có tốc độ tăng phát triển đáng nể trong hai thập kỷ qua, chạm gần tới ngưỡng thu nhập cao theo định nghĩa của World Bank.

Kịch bản cơ sở: Tăng trưởng trung bình 4-5%

Chính sách Zero COVID đang tàn phá nền kinh tế Trung Quốc, khiến nhiều nhà kinh tế hạ dự báo tăng trưởng xuống dưới 3%. Nếu như chính sách này vẫn tiếp tục, tình hình kinh tế sẽ khó cải thiện.

Các chuyên gia chính phủ cho biết Zero COVID có thể được nới lỏng khi có đủ phương tiện y tế và vắc xin thế hệ thứ hai. Bloomberg Economics giả định Bắc Kinh sẽ dần nới lỏng các quy định vào quý II/2023.

Nhân khẩu học cũng là một thách thức khác, khi dân số có thể sẽ sụt giảm sớm hơn so với các dự báo từ trước. Tuy vậy, lực lượng lao động mới là yếu tố quyết định tới năng suất. Đồng thời, dân số Trung Quốc đang có tuổi thọ trung bình ngày một cao, tức có thể làm việc lâu hơn.

Hiện tuổi nghỉ hưu của Trung Quốc là từ 50 đến 60, tùy thuộc vào giới tính và nghề nghiệp. Nếu độ tuổi này được nâng dần lên 65 trong thập kỷ tới, lực lượng lao động có thể tiếp tục ổn định quanh mức 760 triệu người.

Dù có tăng độ tuổi nghỉ hưu, theo ước tính của Bloomberg Economics, lực lượng lao động của Trung Quốc vào năm 2050 sẽ chỉ còn hơn 600 triệu người.

Khi quốc gia trở nên giàu có hơn, kỹ năng của người lao động, hay “vốn con người” trở thành yếu tố quyết định tới năng suất, giúp nền kinh tế Trung Quốc bù đắp sự sụt giảm dân số sắp tới.

Những người mới gia nhập vào lực lượng lao động Trung Quốc sẽ được giáo dục tốt hơn nhiều so với thế hệ trước. Trong năm 2021, sẽ có thêm 10 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học Trung Quốc, gấp đôi so với năm ngoái.

“Trung Quốc đang đón nhận một đợt sóng thần về giáo dục”, ông Bert Hofman, cựu Giám đốc khu vực Trung Quốc tại World Bank, nhận xét. Không chỉ riêng giáo dục đại học, tỷ lệ người trong độ tuổi từ 25 đến 60 với bằng trung học phổ thông đã tăng thêm 37%, đạt ít nhất 50% vào cuối thập kỷ này. 

Trung Quốc có lực lượng lao động học thức cao.

Trung Quốc vẫn có thể tăng trưởng mạnh mẽ nhờ đầu tư. Tỷ lệ đầu tư của Trung Quốc cao hơn bất cứ quốc gia lớn nào trong lịch sử gần đây.

Đa số các khoản đầu tư không mang lại hiệu quả cao. Nhưng lợi nhuận trung bình cho các khoản đầu tư của nước này vẫn dương, trong khi tỷ số lợi nhuận trên tài sản trong lĩnh vực công nghiệp tại Trung Quốc lên tới 6%.

“Ngay cả khi lãng phí [một số khoản đầu tư], bạn vẫn sẽ có được tăng trưởng", ông Hofman nói. Ông ước tính rằng kể cả với ít cải cách kinh tế, Trung Quốc có thể tăng trưởng 3% hàng năm cho tới 2035 chỉ bằng các khoản đầu tư hữu hình.

Để đạt mục tiêu này, Bắc Kinh sẽ cần duy trì mức tiết kiệm hộ gia đình cao, đồng thời phân bổ những nguồn vốn này tới các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ thay vì các công ty bất động sản.

Cuộc khủng hoảng lĩnh vực bất động sản hiện nay đang làm chậm tăng trưởng. Trong kịch bản cơ sở, đầu tư tại lĩnh vực này sẽ giảm dần, nhưng không sụp đổ. Thị trường bất động sản chậm lại cũng sẽ giải phóng vốn cho những lĩnh vực khác, hiệu quả hơn.

Đồng thời, Trung Quốc vẫn có nhu cầu cao với nhà ở. Tới 2025, ước tính mỗi năm sẽ có thêm 10 triệu người chuyển tới các thành phố lớn. 

Cải cách cấu trúc

Nền kinh tế Trung Quốc hiện đã quá lớn để tăng trưởng chỉ dựa trên xuất khẩu. Bắc Kinh sẽ cần cải cách để đảm bảo doanh nghiệp Trung Quốc có thể hưởng lợi từ thị trường nội địa khổng lồ và xu hướng tăng chi tiêu của người tiêu dùng.

Hai chính sách “Lưu thông kép” và “Thịnh vượng chung” của Chủ tịch Tập sẽ là giải pháp cho vấn đề này. 

“Lưu thông kép” nhắm tới việc phá bỏ những rào cản kinh tế giữa các tỉnh thành Trung Quốc, trong khi “Thịnh vượng chung” đảm bảo đầu tư sẽ tới những khu vực nghèo hơn.

Trong mô hình của Bloomberg Economics, nhân tố đóng góp lớn nhất tới tăng trưởng trong thập kỷ tiếp theo là năng suất nhân tố tổng hợp (TFP), chỉ tiêu phản ánh hiệu quả sản xuất mang lại do nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và lao động. 

 

Một trong những thành tố của TFP là công nghệ. Trung Quốc hiện đang có tỷ lệ chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển cao hơn so với nhiều nước châu Âu. 

Một yếu tố khác là việc công nhân chuyển từ những công việc mang lại giá trị thấp sang những việc làm tạo ra hàng hóa và dịch vụ giá trị cao. Tỷ lệ người lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp đang ở mức 25%, so với 3% tại các nền kinh tế phát triển. Các doanh nghiệp như TikTok đã giúp nông dân trở thành streamer.

Bắc Kinh cũng có nhiều cải cách về thể chế thị trường như giảm rào cản về lao động, sở hữu trong doanh nghiệp cũng như mặt hàng và dịch vụ có thể được cung cấp. Bắc Kinh nuôi dưỡng hàng nghìn công ty khởi nghiệp “người khổng lồ tí hon”. 

Nếu loại bỏ sở hữu nhà nước trong các lĩnh vực không chiến lượng như khách sạn, nhà hàng, bán lẻ và bán buôn, GDP dài hạn của Trung Quốc ước tính sẽ tăng 1,3%, theo OECD.

Kịch bản xấu: Dưới 4%

Trong kịch bản xấu, chính sách Zero COVID sẽ không được nới lỏng cho đến năm 2024, nghĩa là sẽ có thêm ít nhất một năm tăng trưởng rất thấp và ảnh hưởng lâu dài lên năng suất khi người lao động thất nghiệp bỏ lỡ cơ hội tích lũy kỹ năng.

Cải cách lương hưu có thể phải đến năm 2040 mới hoàn thành. Kết quả là số người trong độ tuổi lao động vào thập kỷ sau sẽ giảm mạnh.

Nếu khủng hoảng bất động sản được giải quyết không ổn thỏa thì có thể dẫn đến sự suy giảm đầu tư mạnh. Tốc độ giảm đầu từ có thể lên tới 20% trong giai đoạn 2022-24.

Kịch bản khác là chính phủ sẽ kích thích kinh tế quá mạnh, và khi những chính sách này bị ngừng lại, một cuộc suy thoái lớn hơn sẽ diễn ra.

Nguy cơ Mỹ áp đặt những lệnh trừng phạt tương tự như với Nga lên Bắc Kinh cũng có thể sẽ là thảm họa với tăng trưởng của nền kinh tế thứ hai thế giới.

Kịch bản ác mộng: Tăng trưởng 3%

Ưu tiên hàng đầu của Chủ tịch Tập trong 5 năm qua là giảm thiểu nguy cơ khủng hoảng tài chính bằng cách kìm hãm hoạt động của ngân hàng ngầm và giảm tốc độ tăng trưởng nợ.

Nhưng hệ thống ngân hàng nước này vẫn tồn tại nhiều khoản nợ xấu. Nếu giá nhà ở sụt giảm và nhiều ngân hàng, chính quyền địa phương cần cứu trợ thì tăng trưởng sẽ còn chậm hơn nữa.

Mọi thứ sẽ còn khó khăn hơn nếu Mỹ và các đồng minh cùng nỗ lực tách khỏi nền kinh tế Trung Quốc. Theo IMF, năng suất của Trung Quốc có thể giảm 8% vào năm 2030 nếu xảy ra sự tách rời mạnh mẽ từ các nước OECD.

Hồ nước ở lưu vực sông Dương Tử cạn khô do nhiệt độ cao và thiếu mưa. Ảnh chụp vào ngày 20/9/2022. (Ảnh: Yang Bo/China News Service/Getty Images).

Đại dịch bùng phát đợt mới hoặc hiện tượng thời tiết cực đoan có thể gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế. Một cuộc xung đột trên đảo Đài Loan cũng sẽ là thảm họa đối với tăng trưởng của Trung Quốc.

Kịch bản tươi sáng: Tăng trưởng trên 5%

Các quan chức Trung Quốc đặt mục tiêu tăng gấp đôi GDP vào năm 2035 so với 2020. Để đạt mục tiêu này, GDP của Trung Quốc phải tăng trưởng trên 5% trong đa phần thập kỷ này.

Theo mô hình của Bloomberg Economics, Bắc Kinh phải mở cửa nhanh chóng, tiếp tục các cải cách như tăng độ tuổi nghỉ hưu vào năm 2025 và nới lỏng các hạn chế về hộ khẩu, dân cư tại các thành phố lớn.

Trong dài hạn, nỗ lực tăng tỷ suất sinh bằng cách cung cấp thêm dịch vụ chăm sóc trẻ em và nhiều lợi ích khác có thể mang lại hiệu quả. Tuy vậy, tác động tới tăng trưởng sẽ không rõ ràng cho đến khi những đứa trẻ này tham gia lực lượng lao động vào năm 2040.

Minh Quang