|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Phát biểu của ông Tập báo hiệu hai rủi ro chính của nền kinh tế Trung Quốc sẽ không sớm dịu bớt

12:02 | 17/10/2022
Chia sẻ
Có vẻ như Trung Quốc sẽ không nhanh chóng dỡ bỏ các quy định chống dịch hà khắc cũng như các biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với ngành bất động sản, dù hai chính sách này gây ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế.

 

Màn hình chiếu bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 16/10. (Ảnh: AFP/Getty Images)

Không có bước ngoặt lớn

Bloomberg nhận định rằng thông qua bài phát biểu khai mạc Đại hội Đảng hôm 16/10, Chủ tịch Tập Cận Bình đã báo hiệu Bắc Kinh sẽ giữ nguyên lập trường đối với hai rủi ro chính đang kéo nền kinh tế Trung Quốc đi xuống: chiến lược Zero COVID và các biện pháp kiểm soát thị trường nhà đất. 

Cụ thể, ông Tập đã ca ngợi chính sách Zero COVID, dù không tiếp tục nhắc đến bệnh dịch trong phần kế hoạch định ra cho tương lai. Ông cũng giữ nguyên các quan điểm về thị trường nhà đất, bất chấp ngành bất động sản đang trải qua thời kỳ suy giảm dài nhất từ trước tới nay bởi các chính sách nhằm hạn chế nợ và rủi ro tài chính.

Hiện tại, hai yếu tố trên đang tạo ra lực cản lớn đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Các nhà kinh tế do Bloomberg khảo sát dự báo tăng trưởng cả năm 2022 của Trung Quốc sẽ chỉ đạt 3,3%, tốc độ thấp thứ hai trong hơn 40 năm.

Dữ liệu GDP quý III sẽ được công bố vào ngày 18/10 và được cho là sẽ thể hiện sự phục hồi khiêm tốn từ mức tăng trưởng trì trệ trong quý II.

 

Các nhà kinh tế tại ngân hàng Macquarie viết trong lưu ý hồi cuối tuần rằng Đại hội Đảng lần này “có thể không phải  làbước ngoặt đánh dấu các thay đổi chính sách lớn”. 

Chiến lược Zero COVID đã khiến tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ Trung Quốc tăng vọt còn niềm tin của hộ gia đình và doanh nghiệp thì xuống dốc. Doanh số bán nhà sụt giảm trong bối cảnh người mua ngày càng ngần ngại vay tiền và các nhà phát triển bất động sản không hoàn thành các dự án theo tiến độ.

Rất ít nhà kinh tế kỳ vọng ngành bất động sản Trung Quốc sẽ phục hồi đáng kể hay Bắc Kinh sẽ nới lỏng việc kiểm soát lĩnh vực này. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc cũng đang cố gắng ổn định thị trường nhà đất bằng cách yêu cầu các ngân hàng cung cấp thêm khoản vay cho các nhà phát triển và khuyến khích chính quyền địa phương giảm bớt hạn chế lên các giao dịch mua nhà.

Ông Bruce Pang, nhà kinh tế trưởng tại Jones Lang Lasalle cho biết câu chữ trong bài phát biểu của ông Tập ngụ ý rằng “mục tiêu ngăn chặn đà tăng quá mức của giá nhà đã được hoàn thành”. 

Lục tìm manh mối chính sách

Bài phát biểu của ông Tập không có những chi tiết mới về các chủ đề nhà đất và Zero COVID. Nhưng ông Tập vẫn khẳng định rằng phát triển kinh tế tiếp tục là “ưu tiên hàng đầu” của Đảng, cho thấy Trung Quốc vẫn sẽ theo đuổi tăng trưởng GDP.

Trước đó, một số nhà phân tích đã đoán là ông Tập sẽ không sử dụng lại khẩu hiểu này, thay vào đó sẽ nhấn mạnh tới an ninh quốc gia. Trong bài phát biểu, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã lặp lại hai lần tầm quan trọng của việc cân bằng giữa an ninh và phát triển.

Ông Ding Shuang, nhà kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc và Bắc Á tại Standard Chartered nhận xét: “Điều quan trọng là ông Tập đã nhắc lại rằng phát triển kinh tế là ưu tiên số một. Một số người đang nghi ngờ về tầm quan trọng của sự phát triển đối với chính phủ Trung Quốc”.

Ông Tập cũng cho biết Trung Quốc đặt mục tiêu có GDP bình quân đầu người bằng một quốc gia phát triển trung bình vào năm 2035. Tại Trung Quốc, “quốc gia phát triển trung bình” đã được sử dụng để chỉ các nước như Cộng hòa Séc và Slovakia.

Ông Tập không trực tiếp nhắc đến các chính sách mới, cũng như không nói rõ ràng về các vấn đề kinh tế cấp bách như tình hình tài chính căng thẳng của các chính quyền địa phương.

Thay vào đó, các nhà kinh tế phải lùng tìm manh mối trong bài phá biểu của Chủ tịch Trung Quốc. Ví dụ, ông Ding cho biết lời kêu gọi “điều tiết” quá trình phân phối thu nhập và tích lũy tài sản “có thể khiến công chúng đồn đoán về một loại thuế thừa kế mới”.

Tầm nhìn phát triển dài hạn

Ông Tập cũng đưa ra tầm nhìn lạc quan về tăng trưởng dài hạn của Trung Quốc. Ông kỳ vọng rằng tăng trưởng tương lai sẽ được thúc đẩy bởi sự đổi mới công nghệ, các cải cách thị trường nhằm thúc đẩy năng suất và lực lượng lao động có tay nghề cao hơn. 

Ông Peiqian Liu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại NatWest Group cho rằng bài phát biểu báo hiệu giai đoạn phát triển mới, “tập trung nhiều hơn vào tăng trưởng năng suất thay vì gia tăng vốn”.

Ông Tập nhấn mạnh Trung Quốc cần phát triển thành một cường quốc sản xuất công nghệ cao.

Ông cũng tái khẳng định rằng đất nước cần phải “tự chủ” công nghệ. Đây là điều đáng chú ý trong bối cảnh Mỹ tăng cường nỗ lực kiềm chế tham vọng của Trung Quốc trong lĩnh vực này.

Ông Chen Shi, nhà quản lý quỹ tại Shanghai Jade Stone Investment Management cho biết: “Việc ông Tập đề cao sự phát triển và công nghệ trong báo cáo khiến tôi cảm thấy an tâm. Khác với nỗi sợ của một số người, Đảng Cộng sản Trung Quốc không chỉ quan tâm tới lý tưởng mà vẫn coi trọng ổn định kinh tế và phát triển”.

Nhiều khả năng tăng trưởng GDP thực tế của Trung Quốc trong năm nay sẽ thấp hơn nhiều mục tiêu chính thức “khoảng 5,5%”, đánh dấu mức chênh lệch lớn nhất kể từ khi chính phủ Trung Quốc bắt đầu đặt ra mục tiêu GDP kể từ đầu thập niên 1990. Bắc Kinh đã phải hạ thấp tầm quan trọng của mục tiêu GDP trong năm nay và thay vào đó là cam kết sẽ đạt được “kết quả tốt nhất có thể”.

Ông Wu Xianfeng, nhà quản quỹ tại Shenzhen Longteng Assets Management nhận xét: “Trên thực tế, Trung Quốc đã từ bỏ mục tiêu tăng trưởng của năm nay”. Ông dự đoán mục tiêu của năm sau vào khoảng 5%.

Giang