|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Người trẻ kiệt quệ tinh thần vì phong toả, nền kinh tế Trung Quốc sẽ chịu nỗi đau kéo dài

16:26 | 14/10/2022
Chia sẻ
Thay vì rời khỏi tổ ấm gia đình, sải cánh ở giảng đường đại học cũng như mở rộng sự nghiệp, nhiều thanh niên Trung Quốc đang rơi vào cuộc sống bế tắc vì các đợt phong toả liên tục và bất ổn gia tăng.

Sinh viên sống trong thời phong toả

Năm cuối tại Đại học Thẩm Dương, Wu Zhiming đã trải qua nhiều biến động. Sự nghiệp học hành của cậu bị gián đoạn bởi các cuộc phong toả COVID. Đồng thời, các yếu tố xã hội giúp hình thành những năm đầu đời của một người trưởng thành cũng trở nên bất ổn.

Nam thanh niên 23 tuổi hầu như không thể giao lưu với bất kỳ bạn học nào kể từ cuối năm 2021. Khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm nay, Wu phải trở về quê nhà ở tỉnh Cam Túc và học trực tuyến kể từ đó.

Trong những ngày đầu của đại dịch, học trực tuyến đã trở thành hiện tượng trên toàn cầu. Tuy nhiên, khi hầu hết các nước đã tiêm vắc xin và người dân trở lại cuộc sống bình thường, các trường đại học cũng tổ chức giảng dạy trực tiếp trở lại.

Song, đối với Wu và hàng triệu sinh viên khác trên khắp Trung Quốc, gần như toàn bộ cuộc sống đại học của họ đều diễn ra bên ngoài giảng đường. Tất cả là bởi chính sách Zero COVID của chính phủ, tờ SCMP nhấn mạnh.

Vì vậy, các nhà nghiên cứu và chính các sinh viên đang cảnh báo về những tác động lâu dài có thể xảy ra với quá trình phát triển của người trẻ Trung Quốc, từ độ tuổi thanh thiếu niên trở thành người trưởng thành.

Cùng lúc, “các cú sốc kinh tế” tại Trung Quốc cũng được cho là sẽ tạo ra tác động sâu sắc đến lựa chọn của người trẻ trong cuộc sống và sự nghiệp tương lai.

Thế hệ trẻ tại Trung Quốc mất phương hướng vì chính sách Zero COVID. (Ảnh minh hoạ: SCMP).

Wu - một sinh viên theo học ngành kỹ thuật ô tô, cho biết tình trạng hỗn loạn trong vài năm qua đã tước đi vô số cơ hội học tập và dịch chuyển của người trẻ cũng như tước đi sự tự do cá nhân vào thời điểm họ muốn nắm bắt nó nhất.

Chia sẻ với SCMP, Wu cho biết Zero COVID và những bất ổn từ chính sách này đã khiến cậu sa sút về tinh thần và cảm xúc, không còn nhiều động lực để phấn đấu.

“Tôi không biết mình nên chuẩn bị tham gia một khoá học sau đại học hay tìm kiếm một công việc. Tôi quá bối rối”, Wu cho hay. Cậu nói rằng các đợt phong toả đã làm đảo lộn con đường sự nghiệp của mình.

“Tôi không còn muốn chiến đấu vì tương lai. Bây giờ tôi chỉ muốn sống một cuộc đời bình yên mà không có tham vọng nào”, Wu bày tỏ.

Hệ luỵ kéo dài đối với nền kinh tế

Xu hướng “nằm yên mặc kệ sự đời” đã hình thành trong xã hội Trung Quốc khi đại dịch bùng phát. Ngay cả Chủ tịch Tập Cận Bình cũng thừa nhận mối đe doạ mà loại tâm lý này gây ra cho tăng trưởng kinh tế và khả năng cạnh tranh của Trung Quốc trên toàn cầu.

Tuy nhiên, công chúng và các chuyên gia hiện vẫn đang tranh luận sôi nổi về nguyên nhân sâu xa của xu hướng trên.

Một số cho rằng đó là do người trẻ lười biếng, trong khi người khác nhận thấy đó là kết quả không tránh khỏi khi người trẻ phải đối mặt với trở ngại và áp lực chưa từng thấy trong quá trình trưởng thành.

Bên cạnh việc nền kinh tế suy yếu và cuộc sống đại học biến động, những người trẻ còn phải cạnh tranh gay gắt để tìm việc làm vì năm nào Trung Quốc cũng ghi nhận số lượng kỷ lục sinh viên mới tốt nghiệp. Và tỷ lệ thất nghiệp của nhóm người trẻ vẫn duy trì ở mức hai con số.

 

Theo ông Yu Ling-yan, giảng viên khoa tâm lý tại Đại học Thanh Hoa, những người trẻ từng trải qua nhiều khó khăn trong đại dịch đang trở nên thận trọng hơn trong việc lựa chọn nghề nghiệp và nhiều người chấp nhận tư duy “nằm yên mặc kệ sự đời” để hạn chế căng thẳng.

“Phạm vi lựa chọn của người trẻ đã bị thu hẹp và họ sợ phải mạo hiểm…Và các vấn đề tâm lý của người trẻ có thể gây ra gánh nặng cho xã hội Trung Quốc”, vị giảng viên cảnh báo trong cuộc phỏng vấn cùng SCMP.

Bất ổn tâm lý của thế hệ trẻ cũng được cho là nguyên nhân khiến tỷ lệ sinh của Trung Quốc giảm nhanh, đồng thời là lý do người trẻ ngần ngại kết hôn.

Tháng trước, chính quyền Bắc Kinh đã phản ứng bằng cách triển khai một cuộc khảo sát toàn diện về hôn nhân và thai sản trong nhiều năm, để có cái nhìn sâu sắc về nguyên dân dẫn đến tỷ lệ sinh đi xuống.

Năm 2021, các bà mẹ Trung Quốc sinh được 10,62 triệu trẻ em - giảm 11,5% so với năm trước. Cuộc điều tra dân số gần nhất cũng cho thấy tỷ lệ sinh năm 2020 là 1,3 trẻ em/phụ nữ - thấp hơn nhiều so với mức 2,1 cần thiết để dân số duy trì ổn định.

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Dân số Trung Quốc cho rằng tỷ lệ sinh xuống dốc là do một loạt yếu tố, bao gồm điều kiện sức khoẻ, thu nhập gia đình và những thay đổi mạnh mẽ trong bối cảnh kinh tế - xã hội. Sức khoẻ tâm lý xấu đi cũng có thể là một nguyên nhân.

 

Vấn nạn tâm lý ở người trẻ

Tình trạng trầm cảm hoặc mắc các bệnh tâm lý khác ở nhóm sinh viên đang trở nên phổ biến hơn trong đại dịch.

Báo cáo năm 2022 về bệnh tâm lý do Viện Nghiên cứu Trầm cảm Trung Quốc biên soạn cho thấy, sinh viên hiện chiếm hơn 50% trường hợp trầm cảm trên toàn quốc. Trong báo cáo năm 2019, tỷ lệ này là 23,8%.

Kong Mingxu - một sinh viên đại học 20 tuổi ở thành phố Nam Kinh, cho biết dịch vụ tư vấn tâm lý tại trường của cậu thường kín lịch. “Trường thậm chí còn mời giám đốc từ một bệnh viện tâm thần đến trò chuyện với chúng tôi”, Kong nói.

Cậu cho rằng vấn đề tâm lý của sinh viên bắt nguồn từ chính sách của các trường học. Nhiều trường quy định sinh viên phải thực hiện các biện pháp cách ly rườm rà tại khách sạn nếu muốn quay trở lại khuôn viên trường.

“Một số người ra khỏi trường để nhổ răng, khi trở lại cần phải cách ly tại khách sạn do trường chỉ định trong ba ngày và qua nhiều khâu kiểm tra khác…Việc học tập có thể bị gián đoạn”, cậu sinh viên cho hay.

Kong đã sống trong kí túc xá của trường kể từ khi nhập học vào năm ngoái và cậu từng phải cách ly một lần sau khi trở về từ một khu vực có nguy cơ cao.

Nam sinh viên cho hay: “Tôi chưa bao giờ biết cảm giác trường học ở thời kỳ bình thường trông như thế nào. Mọi thứ dạy tôi rằng mình không nên đặt mục tiêu quá sớm vì cuộc sống có quá nhiều điều khó lường”.

Nguyện vọng nghề nghiệp của Kong cũng đã thay đổi. Thay vì theo đuổi ước mơ trở thành một biên đạo múa, cậu dự định trở thành một giáo sư đại học. Đó là cách để cậu được ở lại trường - nơi giúp Kong tìm thấy niềm an ủi trong những lúc đau buồn.

“Tôi thực sự chỉ muốn sống trong hoà bình, không muốn bước chân vào xã hội hỗn loạn ngoài kia”, Kong nhấn mạnh. Theo nam sinh viên, căn bệnh trầm cảm và chứng lo lắng do COVID gây ra đã buộc cậu phải tập trung nhiều hơn vào sức khoẻ tinh thần của mình.

Nữ sinh viên 21 tuổi Gao Xinwen tại Thượng Hải cho biết các đợt phong toả hồi đầu năm nay đã gây ra tổn thương nặng nề cho bản thân cô và các sinh viên khác. “Mọi người đều có chung tâm trạng tồi tệ”, Gao nói.

Trên nhiều diễn đàn trực tuyến, sinh viên đã có nhiều cuộc thảo luận về trầm cảm và thậm chí là ý định tự tử, Gao cho biết thêm.

Giờ đây, Gao thừa nhận rằng cô ít có xu hướng thử nghiệm những điều mới mẻ hơn so với trước. “Bây giờ, tôi thường suy nghĩ kỹ lưỡng, cân nhắc rủi ro hơn bởi tôi đã trở nên thận trọng hơn…”

Gao cũng nói lời tạm biệt với ước mơ trở thành một nhà biên kịch, vì ngành công nghiệp phim ảnh của Trung Quốc đã tàn lụi theo đại dịch. Cô buộc phải tìm kiếm những công việc ổn định và an toàn hơn trong khu vực công.

Và Gao thừa nhận rằng, giống như những người khác xung quanh, cô đã chấp nhận lối sống “nằm yên mặc kệ sự đời”, đồng thời cố gắng “coi trọng cảm xúc cá nhân hơn…”

Yên Khê