Ông Tập muốn đưa nền kinh tế Trung Quốc về kiểu cũ: Toàn bộ do nhà nước kiểm soát?
Quay về gốc rễ?
Trong thập kỷ đầu tiên kể từ khi nhậm chức Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình thường xuyên đề cao tầm quan trọng của việc mở cửa nền kinh tế, tờ New York Times nhắc lại.
Tuy nhiên, khi đề ra mục tiêu mới tại phiên khai mạc đại hội đảng lần thứ 20, ông hầu như không đả động đến vấn đề mở cửa kinh tế. Trong bài phát biểu kéo dài gần hai tiếng hôm 16/10, nhà lãnh đạo chỉ đề cập ba lần lần đến khía cạnh thị trường.
Thay vào đó, ông Tập lại tập trung vào các vấn đề an ninh quốc gia và phòng chống tham nhũng; hoan nghênh các dự án nhà nước về tàu bay vũ trụ và siêu máy tính; và cam kết tạo ra một vai trò lớn hơn cho chủ nghĩa xã hội và khu vực công.
Dưới sự lãnh đạo của ông Tập, Trung Quốc dường như đang trở về gốc rễ ban đầu: một nền kinh tế do nhà nước kiểm soát, doanh nghiệp phải tuân theo các mục tiêu của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Nhiều chính sách nổi bật của ông - thường ủng hộ đặc quyền của nhà nước hơn là doanh nghiệp tư nhân, đã tác động đáng kể đến nền kinh tế.
Chiến lược Zero COVID hà khắc làm lung lay niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Thị trường bất động sản - một nguồn tạo lập việc làm và tài sản cho người dân Trung Quốc, đang chìm trong khủng hoảng. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên hiện ở mức kỷ lục 20% sau khi Bắc Kinh trấn áp một số ngành nghề đang phát triển mạnh.
Môi trường kinh doanh tại Trung Quốc đang thay đổi, một cách rất rõ rệt. Các công ty internet từng mang lại tiếng tăm cho đất nước trên trường quốc tế nay bị các cơ quan chính phủ kiểm soát nghiêm ngặt.
Các nhà tài phiệt, chẳng hạn như Jack Ma (nhà sáng lập Alibaba), hiện biệt tăm khỏi công chúng hoặc bị bỏ tù sau khi chỉ trích chính quyền trung ương, New York Times liệt kê thêm.
Khá nhiều doanh nghiệp nước ngoài từng đổ xô đến Trung Quốc sau khi nước này gia nhập WTO năm 2001 hiện đang tiến thoái lưỡng nan, một số thương hiệu bị người dân địa phương tẩy chay vì động chạm đến chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa.
Ông Jörg Wuttke - Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc (EuroCham), nhận định nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang ngày càng “hướng nội” và khó tiếp cận hơn xưa.
“Đó không còn là Trung Quốc mà tôi từng thấy trong 30 năm qua”, ông Wuttke, người đã sống tại đất nước tỷ dân từ năm 1993, chia sẻ.
Một minh chứng
Năm 1994, Wen Kaifu bỏ việc giáo viên cấp hai ở tỉnh Giang Tây và chuyển đến Thâm Quyến - một trong các khu kinh tế đầu tiên của đất nước, để làm việc cho một nhà máy sản xuất màn hình.
Đến năm 2004, ông thành lập công ty của riêng mình - Holitech Technology, để sản xuất màn hình tinh thể lỏng, loại màn hình được sử dụng trong hàng tỷ điện thoại thông minh.
Khi Xiaomi và các nhà sản xuất điện thoại di động khác của Trung Quốc phất lên, Holitech cũng vậy. Năm 2014, công ty được niêm yết cổ phiếu và ông Wen trở thành một trong những người giàu nhất Trung Quốc với khối tài sản ròng 570 triệu USD.
Tương tự như nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tuân theo chỉ thị “vươn ra toàn cầu” của chính phủ, Holitech cũng ra sức mở rộng hoạt động kinh doanh. Sau khi niêm yết, hãng này đã mua lại 7 nhà sản xuất linh kiện trong nước.
Holitech còn xây dựng nhà máy tại California và châu Âu, đồng thời cam kết mở một cơ sở ở Ấn Độ và hứa hẹn tạo ra 6.000 việc làm mới.
“Chúng tôi không đặt mục tiêu trở thành số một trong khu vực hay số một tại Trung Quốc”, ông Wen nhấn mạnh tại một buổi lễ hồi năm 2017. “Chúng tôi đang hướng tới vị trí số một thế giới”.
Sau đó, các ưu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình đã thay đổi. Năm 2018, Bắc Kinh khởi xướng một nỗ lực trên toàn quốc nhằm hạn chế việc các công ty tư nhân vay nợ quá mức.
Holitech có khoản vay 1 tỷ USD và không có nhiều lựa chọn để tái cấp vốn. Giá cổ phiếu của công ty cùng khối tài sản của nhà sáng lập Wen bốc hơi. Cơ quan giám sát chứng khoán của Trung Quốc về sau còn điều tra Wen vì ông không trả được nợ.
Các doanh nghiệp nhà nước - từng được ông Tập gọi là “trụ cột và sức mạnh quan trọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc”, hầu như không bị kéo vào cuộc trấn áp nợ nần của chính phủ.
Fujian Electronics & Information Group, một công ty cổ phần của nhà nước, đã vào cuộc để giải cứu Holitech. Fujian trả khoảng 450 triệu USD để mua 15% Holitech và cổ phần có quyền biểu quyết trong nhà sản xuất màn hình vào năm 2018.
Theo PwC, từ năm 2019 đến năm 2021, các doanh nghiệp nhà nước đã mua lại hơn 110 công ty niêm yết tại Trung Quốc với tổng giá trị thoả thuận là hơn 83 tỷ USD.
Sau khoản đầu tư của Fujian, Holitech đã trở thành một ví dụ điển hình cho tầm nhìn mà ông Tập đề cập trong bài phát biểu hồi năm 2020. Khi đó, Chủ tịch Trung Quốc muốn “tập hợp các thành viên của khu vực tư nhân xung quanh đảng”.
Khi đại dịch bùng phát, Holitech đã tham gia vào chương trình sản xuất khẩu trang mà chính phủ khởi động. Sau đó, theo kế hoạch hồi sinh các vùng nông thôn của ông Tập, công ty này - cùng với sự giúp đỡ của Fujian, đã rót hơn 1 tỷ USD vào một khu công nghiệp mới trong mùa hè năm nay.
Trong bài phát biểu hôm 16/10 trước các quan chức cấp cao của đảng, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng “vốn và doanh nghiệp nhà nước cần mạnh lên cũng như hoạt động hiệu quả hơn”.
Hàm ý gì cho doanh nghiệp ngoại?
Đối với các công ty nước ngoài, ưu tiên của chính phủ Trung Quốc đã hiện ra rõ ràng. Tương lai, trong cuộc chiến giành quyền tiếp cận thị trường tỷ dân, các doanh nghiệp nhà nước sẽ được ưu tiên hơn.
Năm 2018, American Express đã được chấp thuận để trở thành công ty thẻ tín dụng nước ngoài đầu tiên vận hành mạng lưới thanh toán tại Trung Quốc như một phần của liên doanh với LianLian Digitech - một công ty tài chính nhỏ của Trung Quốc.
6 năm trước đó, WTO từng ra phán quyết rằng Bắc Kinh đã ủng hộ “thế độc quyền bất hợp pháp” của China Union Pay - một công ty thuộc sở hữu nhà nước, kiểm soát hơn 90% chi tiêu thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng tại Trung Quốc.
Ban đầu, American Express đề xuất hợp tác cùng Tencent - một mục tiêu trong cuộc trấn áp mới đây của Bắc Kinh đối với các công ty công nghệ lớn. Tuy nhiên, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã khuyến khích American Express bắt tay cùng LianLian.
American Express đã đồng ý. Khi liên doanh bắt đầu hoạt động vào tháng 6/2020, ông Stephen Squeri - CEO của American Express, ca ngợi đây là “một bước tiến quan trọng trong chiến lược tăng trưởng dài hạn của công ty”, đồng thời là “một thời khắc lịch sử”.
Song, Express Hangzhou Technology - tên liên doanh, đã rất chật vật khi làm việc cùng các công ty tài chính nhà nước. Họ phải dựa vào các ngân hàng quốc doanh để phát hành thẻ mới, nhưng một số tổ chức đã hạn chế dùng thẻ American Express vì không muốn làm phật lòng Union Pay, nguồn tin của New York Times nói.
Mặt khác, Union Pay đã tìm cách tận dụng tham vọng của American Express ở Trung Quốc để thúc đẩy chiến lược toàn cầu của mình, nguồn tin cho hay.
Nhìn chung, ranh giới khó phân biệt giữa chính trị và kinh doanh đã buộc một số doanh nghiệp nước ngoài phải đưa ra quyết định khó khăn: liệu họ có nên tuân theo các quy tắc của Trung Quốc hay không.
Chẳng hạn, các công ty công nghệ nước ngoài có khách hàng tại Trung Quốc buộc phải lưu trữ dữ liệu người dùng ở chính đất nước tỷ dân.
Bài toán nêu trên lại buộc doanh nghiệp phải cân nhắc nên tách mảng kinh doanh toàn cầu ra thành hai phần (một cho Trung Quốc và một cho phần còn lại) hay nên giảm quy mô hoạt động tại thị trường tỷ dân.