Ông Tập vạch ra hai tầm nhìn trái ngược cho Trung Quốc
Chủ tịch Tập Cận Bình đang nắm giữ quyền lực tối cao ở Trung Quốc và được nhiều người cho là sẽ tiếp tục nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba. Tuy nhiên, ông có nguy cơ sẽ mắc sai lầm lịch sử và bỏ phí cơ hội đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế số một thế giới khi theo đuổi mục tiêu tự lực tự cường, Wall Street Journal nhận định.
Ông Tập có thể tự hào vì đã đạt được một số thành tựu lớn. Thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc đạt hơn 12.550 USD trong năm 2021 – gần gấp đôi mức thu nhập năm 2012, khi ông mới nắm quyền. Trung Quốc đã tiến rất gần tới vị thế nước thu nhập cao theo định nghĩa của World Bank.
Hầu hết các chuyên gia đều sẽ đồng ý rằng Trung Quốc đang là một “xã hội thịnh vượng vừa phải” - đúng như khát khao bao năm qua của Bắc Kinh. Các vấn đề môi trường của Trung Quốc vẫn cần phải khắc phục, nhưng nước này đang dần dần đạt được tiến bộ.
Tuy nhiên, bất chấp những thành tích trên, tầm nhìn mà ông Tập vạch ra trong bài phát biểu phiên khai mạc Đại hội Đảng lần thứ 20 vào sáng ngày 16/10 lại bao hàm những điểm mâu thuẫn sâu sắc với nhau.
Và điều đáng chú ý nhất là bài phát biểu không đề cập rằng khi nào Trung Quốc từ bỏ chính sách Zero COVID hay bằng cách nào nước này chữa lành vết thương trong ngành nhà đất, công nghệ và thị trường lao động.
Mâu thuẫn lộ rõ
Theo tờ Wall Street Journal, bài phát biểu của ông Tập đặt kinh tế làm trọng tâm. Ưu tiên của Trung Quốc trong 5 năm tới sẽ là phát triển nền kinh tế chất lượng cao – tức là tập trung vào những ngành được nhà nước ưu ái như sản xuất công nghệ cao – và tăng cường sự tự chủ trong lĩnh vực khoa học cũng như công nghệ.
Bài phát biểu xác định “nhân tài là nguồn lực chính” và nhấn mạnh các kế hoạch nhằm “thu hút những bộ óc thông minh nhất từ khắp nơi”. Ông Tập kết thúc bằng lời kêu gọi người trẻ Trung Quốc hãy tận dụng cơ hội lịch sử trước mắt họ.
Mâu thuẫn lộ ra từ đây. Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ của Trung Quốc đang dao động quanh mức 19%. Phần lớn thiệt hại này đến từ nỗi ám ảnh về khả năng tự lực tự cường của Bắc Kinh.
Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chính sách Zero COVID một phần là do nước này đã quyết định bỏ qua các loại vắc xin mRNA hiệu quả hơn của nước ngoài để ưu tiên cho những nhà sản xuất trong nước.
Lợi ích chính trị thu được từ sự đối lập so với các nước phương Tây trong phản ứng ở thời điểm đầu của đại dịch cũng khiến Trung Quốc gắn bó với Zero COVID.
Nhiều người cao tuổi Trung Quốc đã từ chối tiêm phòng đầy đủ hoặc tiêm mũi tăng cường vì nghi ngờ vắc xin và tự tin rằng COVID-19 đã được khống chế. Capital Economics ước tính rằng việc Trung Quốc mở cửa lúc này có thể gây ra cái chết của 1,5 triệu người chỉ tính riêng trong độ tuổi từ 80 trở lên.
- TIN LIÊN QUAN
-
Phát biểu của ông Tập báo hiệu hai rủi ro chính của nền kinh tế Trung Quốc sẽ không sớm dịu bớt 17/10/2022 - 12:02
Kết quả là ngành dịch vụ của Trung Quốc – động cơ tạo việc làm chính cho người trẻ và có học thức – tiếp tục trì trệ. Đến nay, khó khăn của ngành này vẫn chưa dứt hoặc có chiến lược để khắc phục tình hình.
Nhiều sinh viên nước ngoài còn không đến được Trung Quốc suốt hai năm qua vì Zero COVID. Đồng thời, lập luận ngày càng mạnh bạo của Bắc Kinh cũng khiến hình ảnh của Trung Quốc xấu đi trong mắt cộng đồng quốc tế. Thực tại này khác xa mục tiêu thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới của Bắc Kinh.
Sự tập trung ngày càng cao vào khả năng tự lực và an ninh cũng là nguyên nhân đằng sau đợt trấn áp của chính phủ đối với một số ngành tăng trưởng cao như công nghệ internet và giáo dục. Cho đến khi bị Bắc Kinh siết chặt kiểm soát, những ngành này vẫn là động cơ chính của tăng trưởng việc làm trả thu nhập cao.
Tuy chiến dịch siết kiểm soát trên được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, Bắc Kinh đã nhiều lần bày tỏ quan điểm rằng các công ty nền tảng internet như hãng gọi xe Didi là rủi ro bảo mật dữ liệu và nguyên nhân dẫn đến bất bình đẳng.
Ông Tập không còn muốn quá trình "mở rộng vốn mất trật tự" diễn ra trong các ngành công nghệ như sản xuất chip bán dẫn, cũng như không muốn doanh nghiệp ngoại sở hữu các công ty quan trọng. Thay vào đó, chính quyền của ông muốn “nội địa hóa” những công nghệ này, mặc cho sự đứt gãy kinh tế và lãng phí khổng lồ.
Một trong những phần đáng chú ý trong bài phát biểu là nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nền kinh tế thực – tức là các hoạt động sản xuất và dịch vụ truyền thống được cung cấp trực tiếp cho khách tại cửa hàng.
Nền kinh tế kỹ thuật số chủ yếu chỉ được nhắc qua như một chú thích cho phần hiện đại hóa công nghiệp, trong lời kêu gọi tiếp tục tích hợp lĩnh vực số với nền kinh tế thực và mạng lưới internet vạn vật.
Phép màu kinh tế của Trung Quốc trong 30 năm qua được xây dựng trên sự hội nhập với thế giới bên ngoài... Tự lực tự cường là khái niệm đặc biệt hấp dẫn trong thời đại căng thẳng địa chính trị leo thang. Nhưng với Trung Quốc, tự lực có vẻ là nền móng yếu ớt cho tăng trưởng kinh tế tương lai.