|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Các điểm nhấn trong bài phát biểu quan trọng của ông Tập: Từ kinh tế, công nghệ đến đối ngoại, quân sự

18:19 | 17/10/2022
Chia sẻ
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới có bài phát biểu dài hai giờ đồng hồ trong phiên khai mạc Đại hội Đảng lần thứ 20 sáng 16/10, vạch ra đường lối điều hành đất nước tỷ dân trong nhiều lĩnh vực từ công nghệ, COVID đến Đài Loan, Hong Kong. Dưới đây là những ý chính, theo tổng hợp từ Bloomberg.

Màn hình chiếu cảnh ông Tập Cận Bình phát biểu tại Đại hội Đảng lần thứ 20, Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images).

Chính sách đối ngoại:

Chủ tịch Tập Cận Bình: “Tầm ảnh hưởng quốc tế, sức hút và sức mạnh định hình thế giới của Trung Quốc đã tăng lên đáng kể”.

“Khi phải đối mặt với những thay đổi đột biến trong môi trường quốc tế, chúng ta đã giữ vững quyết tâm chiến lược và thể hiện được tinh thần đấu tranh. Trải qua những thử thách đó, chúng ta đã bảo tồn phẩm giá và lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, đồng thời đạt được vị thế có lợi cho tiến trình phát triển và đảm bảo an ninh”.

Bối cảnh: Trong lần Đại hội Đảng lần gần đây nhất diễn ra năm 2017, ông Tập tuyên bố Trung Quốc sẽ “đứng vững và vươn cao ở phía Đông”, trái ngược với chiến lược “ẩn dật chờ thời” của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình trước đây.

Đường lối mới của ông Tập cùng với các chính sách mạnh bạo trong vấn đề Hong Kong và Đài Loan, mập mờ thông tin về nguồn gốc COVID-19 và quan hệ thân thiết với Nga đã đẩy Trung Quốc vào thế đối đầu với phương Tây.

Mô hình phát triển

Chủ tịch Tập Cận Bình: “Con đường hiện đại hóa của Trung Quốc mang đến cho nhân loại một lựa chọn mới trong quá trình hóa đại hóa”.

Bối cảnh: Trung Quốc từ lâu đã nhấn mạnh rằng con đường phát triển của mình là độc nhất và không đi theo những cách tiếp cận truyền thống dựa vào chủ nghĩa tư bản của phương Tây.

Ông Tập nói rõ thêm rằng mô hình của Trung Quốc mang tính hòa bình và dựa theo sự lãnh đạo của Đảng, đạt được tăng trưởng chất lượng cao và “thịnh vượng chung” cho toàn dân.

Các quan chức trước đây tuyên bố rằng Bắc Kinh không muốn nhân rộng mô hình phát triển ra nước ngoài, nhưng Trung Quốc thời gian qua ngày càng thể hiện tham vọng cải tổ hệ thống quản trị toàn cầu bằng cách đưa ra những giải pháp thay thế.

Tiết kiệm

Chủ tịch Tập Cận Bình: “Chúng ta sẽ khuyến khích hệ tư tưởng về lao động, kinh doanh, cống hiến, sáng tạo và tiết kiệm trong toàn xã hội, đồng thời vun vén cho những xu hướng mới và thông lệ mới trong thời đại của chúng ta”.

Bối cảnh: Trong những năm gần đây, ông Tập đã cảnh báo tình trạng lãng phí lương thực và những video quay cảnh ăn uống quá đà đã bị cấm trên mạng Internet Trung Quốc. Giờ đây, có vẻ như ông Tập đang tiếp tục khuyến khích lối sống tiết kiệm. Trong bài phát biểu ở Đại hội Đảng 5 năm trước, từ “tiết kiệm” không hề xuất hiện.

Thịnh vượng chung

Chủ tịch Tập Cận Bình: "Chúng ta sẽ kiên định theo đuổi mục tiêu thịnh vượng chung. Chúng ta sẽ cải thiện hệ thống phân phối thu nhập. Chúng ta sẽ đảm bảo rằng làm việc càng nhiều thì thu nhập càng cao, khuyến khích mọi người làm giàu bằng cách làm việc chăm chỉ. Chúng ta sẽ thúc đẩy sự bình đẳng về cơ hội, gia tăng thu nhập của nhóm thu nhập thấp và mở rộng tầng lớp trung lưu. Chúng ta sẽ tiếp tục kiểm soát chặt hoạt động phân phối thu nhập và phương tiện tích lũy của cải”.

Bối cảnh:  Ông Tập nhấn mạnh khẩu hiệu thịnh vượng chung trong đợt siết chặt quản lý các tập đoàn công nghệ, giáo dục và bất động sản lớn vào năm ngoái. Chiến dịch mạnh tay của ông Tập đã khiến nhiều nhà đầu tư hốt hoảng và chịu lỗ nặng. Sang năm 2022, sự chú ý của công chúng Trung Quốc chuyển sang tác động tiêu cực của chính sách Zero COVID tới nền kinh tế.

Trong bài phát biểu khai mạc hôm 16/10, ông Tập cho thấy khẩu hiệu thịnh vượng chung và chiến dịch phân phối lại thu nhập vẫn nằm trong danh sách ưu tiên của giới lãnh đạo cấp cao.

GDP bình quân đầu người của Trung Quốc tăng trưởng vượt bậc trong hai thập kỷ qua.

Zero COVID

Chủ tịch Tập Cận Bình: “Để ứng phó với sự bùng phát bất ngờ của COVID-19, chúng ta đã đặt nhân dân và tính mạng con người lên trên hết, kiên trì theo đuổi chính sách Zero COVID linh hoạt. Chúng ta đã bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của người dân một cách tốt nhất có thể và đạt được những thành tựu cực kỳ đáng khích lệ cả trong ứng phó dịch bệnh lẫn phát triển kinh tế - xã hội”.

Bối cảnh: Chính sách phong tỏa hà khắc của Trung Quốc từng giúp số ca nhiễm và tử vong được kiểm soát ở mức thấp trong những tháng đầu đại dịch. Tuy nhiên, khi thế giới dần mở cửa sau dịch, việc Trung Quốc tiếp tục phong tỏa mỗi khi có ca nhiễm mới khiến người dân bất bình.

Theo Bloomberg, việc ông Tập khen ngợi thành tựu của Zero COVID cho thấy Trung Quốc có khả năng sẽ tiếp tục duy trì chính sách này.

Nền kinh tế

Chủ tịch Tập Cận Bình: “Sự phát triển chất lượng cao là ưu tiên hàng đầu trong quá trình xây dựng một đất nước chủ nghĩa xã hội hiện đại trên mọi khía cạnh. Phát triển là ưu tiên cao nhất trong đường lối của Đảng. Chúng ta không thể xây dựng một đất nước chủ nghĩa xã hội hiện đại và vững mạnh toàn diện nếu không có nền tảng công nghệ và của cải vững chắc”.

Bối cảnh:  Một số nhà phân tích dự đoán rằng bài phát biểu của ông Tập sẽ thể hiện sự chuyển hướng nhẹ từ tăng trưởng kinh tế sang an ninh quốc gia, nhưng ông Tập đã lặp lại khẩu hiệu từ những kỳ đại hội trước rằng phát triển kinh tế vẫn là “ưu tiên số 1” của đảng.

Một số nhà quan sát tình hình Trung Quốc kỳ vọng ông Tập sẽ đặt vấn đề an ninh và phát triển ngang hàng nhau, tức là Bắc Kinh có thể sẵn sàng chấp nhận tăng trưởng giảm tốc để đạt được các mục tiêu chính sách khác.

Việc ông Tập duy trì câu chữ như cũ cho thấy nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn trung thành với các mục tiêu kinh tế.

Theo ước tính trung vị của 40 nhà kinh tế do Reuters khảo sát, GDP của Trung Quốc tăng trưởng 3,4% trong quý III/2022.

Đài Loan 

Chủ tịch Tập Cận Bình: “Chúng ta sẽ tiếp tục nỗ lực cao nhất và chân thành nhất để thống nhất một cách hòa bình, nhưng chúng ta sẽ không bao giờ cam kết không sử dụng vũ lực, và chúng ta có thể thực hiện bất kỳ biện pháp nào cần thiết. Bánh xe lịch sử đang đi về phía thống nhất Trung Quốc và sự phục hưng của đất nước Trung Quốc. Quá trình thống nhất hoàn toàn đất nước chúng ta phải được thực hiện và chắc chắn sẽ được thực hiện”.

Bối cảnh: Ông Tập tái khẳng định quan điểm của Đảng về vấn đề Đài Loan, một trong những điểm gây căng thẳng với Mỹ. Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc và đã gia tăng hoạt động quân sự gần eo biển Đài Loan trong một năm qua.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhiều lần khẳng định Mỹ sẽ hỗ trợ Đài Loan nếu hòn đảo này bị tấn công, khác biệt hẳn với quan điểm “mập mờ chiến lược” xưa nay của Mỹ. Tuy nhiên, các quan chức Nhà Trắng lại liên tục khẳng định chủ trương của Mỹ trong vấn đề Đài Loan không hề thay đổi.

Hong Kong:

Chủ tịch Tập Cận Bình: “Trong bối cảnh sự phát triển của Hong Kong gặp nhiều biến cố, chính quyền trung ương đã sử dụng quyền lực đối với đặc khu hành chính này theo quy định của Hiến pháp Trung Quốc và Luật Cơ bản của Hong Kong. Hong Kong đang được điều hành bởi những người yêu nước. Trật tự đã được lập lại ở Hong Kong, đánh dấu một bước ngoặt tích cực trong khu vực.

Bối cảnh: Bắc Kinh áp dụng luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong vào tháng 6/2020 nhằm ngăn cấm các hành vi khủng bố, ly khai, lật đổ và thông đồng với thế lực nước ngoài. Các cuộc biểu tình trên khắp thành phố vào năm 2019 đã bị đạo luật an ninh mới dập tắt. Nhiều tờ báo bị đóng cửa một số người có tư tưởng đối lập đã bị bắt giam.

Mỹ, Anh và các quốc gia phương Tây khác đã chỉ trích Trung Quốc làm hạn chế quyền tự do ở Hong Kong.

Siết quản lý ngành công nghệ

Chủ tịch Tập Cận Bình: “Chúng ta sẽ tiếp tục tập trung vào những nhu cầu chiến lược của quốc gia, tập hợp sức mạnh để thực hiện những nghiên cứu khoa học và kỹ thuật bản xứ, quyết tâm giành chiến thắng trong các cuộc đua công nghệ cốt lõi”.

Bối cảnh: Việc Trung Quốc giáng đòn đau vào ngành công nghệ - một thời là niềm tự hào của đất nước tỷ dân – đã làm hơn 1.000 tỷ USD vốn hóa bay hơi và khiến các tập đoàn lớn như Alibaba, Tencent, Didi phải điêu đứng.

Bài phát biểu của ông Tập mang đến tâm lý lạc quan, khuyến khích ngành công nghệ tập trung cải tiến khi Mỹ cắt đứt nguồn cung bán dẫn công nghệ cao tới Trung Quốc.

Cổ phiếu công nghệ lao dốc vì chính sách mạnh tay của Trung Quốc, khiến nhà đầu tư thiệt hại nặng nề.

Quân đội

Chủ tịch Tập Cận Bình: “Chúng ta sẽ tăng cường huấn luyện quân đội trong điều kiện chiến đấu trên khắp mặt trận để kiểm tra năng lực của lực lượng vũ trang. Chúng ta sẽ cải tiến những định hướng quân sự mang tính chiến lược và phát triển các chiến lược, chiến thuật phù hợp với chiến tranh nhân dân, thiết lập một hệ thống răn đe chiến lược mạnh mẽ”.

Bối cảnh: Quân đội Trung Quốc trước đây tập trung chủ yếu vào tác chiến bộ binh. Ông Tập đã cam kết hiện đại hóa toàn quân trước năm 2027. Để đạt mục tiêu đó, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) đã trải qua nhiều thay đổi khổng lồ về tổ chức và nâng cấp trang thiết bị. Lực lượng lục quân được cắt gọt bớt trong khi các quân chủng khác như hải quân và tên lửa ngày càng lớn mạnh.

Hải quân Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật trên biển Hoàng Hải năm 2012. (Ảnh: AP).

Mục tiêu hát triển xanh

Chủ tịch Tập Cận Bình: “Chúng ta sẽ hành động tích cực và thận trọng để thực hiện mục tiêu đạt đỉnh phát thải carbon và trung tính carbon. Dựa trên nguồn lực về năng lượng của Trung Quốc, chúng ta sẽ thúc đẩy những sáng kiến để sớm đạt đỉnh phát thải từng bước theo một kế hoạch kỹ lưỡng, phù hợp với nguyên tắc phải có nguồn mới trước khi từ bỏ nhiên liệu cũ".

Bối cảnh: Ông Tập tỏ ra coi trọng môi trường trong di sản chính sách của mình hơn bất cứ nhà lãnh đạo Trung Quốc nào trước đây. Tình trạng ô nhiễm không khí từng làm khổ cư dân thành thị đã bị cắt giảm. Ông Tập còn đề ra những mục tiêu tham vọng cho Trung Quốc nhằm đạt phát thải ròng bằng 0 trong vòng 4 thập kỷ (trước năm 2060).

Tuy nhiên, những đợt thiếu điện liên tiếp ở nhiều địa phương và sự bất ổn của thị trường năng lượng toàn cầu vì xung đột Nga – Ukraine đã buộc ông Tập phải hướng sự tập trung quay lại an ninh năng lượng, bỏ rơi các mục tiêu khí hậu.

Song Ngọc - Đức Quyền

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.