Quan chức kinh tế hàng đầu Trung Quốc cảnh báo các nhà hoạch định chính sách tương lai
Theo SCMP, cố vấn kinh tế hàng dầu của Trung Quốc đã kêu gọi tiếp tục cải cách về nguồn cung và xây dựng mối quan hệ kinh tế thân thiết với phần còn lại của thế giới.
Phó Thủ tướng Lưu Hạc đưa ra bình luận trên khi thị trường kỳ vọng các chính sách mở rộng, với sự chuyển hướng khỏi hạn chế nợ, giảm thiểu rủi ro tài chính và loại bỏ năng lực công nghiệp đã lỗi thời.
Tuyên bố của ông vừa phản ánh 10 năm hoạt động trong lĩnh vực kinh tế, và đồng thời là một thông điệp công khai tới những nhà hoạch định chính sách kinh tế tương lai, nhiều khả năng là ông Lý Cường và ông Hà Lập Quang.
Quan điểm của ông Lưu được đăng trên tờ People’s Daily (Nhân dân Nhật báo) vào hôm 4/11, đang đi ngược lại xu thế vào thời điểm mà chi tiêu chính phủ quá mức vào những dự án kém hiệu quả đã dẫn đến việc tích tụ khoản nợ lớn. Đồng thời, bình luận trên cũng là một lời cảnh báo chống lại chủ nghĩa tự cung tự cấp và biệt lập.
Ông Lưu viết: “Những yếu tố hạn chế tăng trưởng kinh tế của nước ta chủ yếu nằm ở phía cung, thể hiện ở những nút thắt cổ chai, điểm nghẽn và khu vực dễ bị tổn thương. Cấu trúc cung hiện tại không thể thích ứng với những thay đổi từ phía cầu”.
Bài viết trên tờ People’s Daily nằm trong loạt bài về định hướng phát triển mới, chẳng hạn như tăng trưởng chất lượng cao và thịnh vượng chung, đã được vạch ra trong Đại hội Đảng lần thứ 20 vừa qua. Ông Lưu, cố vấn kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, đã không có mặt trong danh sách 24 Ủy viên Bộ Chính trị mới, một dấu hiệu cho thấy ông sẽ từ chức vào tháng 3/2023.
Ông Wang Jun, một giám đốc của Diễn đàn Nhà kinh tế trưởng Trung Quốc, cho biết văn kiện Đại hội Đảng đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường nhu cầu trong nước, bên cạnh cải cách về phía nguồn cung.
“Cuộc cải cách về phía cung là một quá trình liên tục và đã giành được thành công bước đầu”, ông Wang nói. “Vấn đề lớn mà nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt là nhu cầu trong nước không đủ. Những cách thức suy nghĩ và giải pháp mới là cần thiết để giải quyết những vấn đề này”.
Ông Lưu cũng kêu gọi Trung Quốc tập trung vào phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề cấu trúc và tăng tốc độ xây dựng một thị trường nội địa lớn để chuẩn bị cho “các điều kiện khắc nghiệt”.
“Điều chỉnh cơ cấu nguồn cung về cơ bản là vấn đề cải cách”, ông nói và kêu gọi tiếp tục tối ưu hóa môi trường phát triển, phá thể độc quyền và tiếp thêm sinh lực cho các thực thể thị trường.
Ngã ba đường của Trung Quốc
Ông Lưu, 70 tuổi, đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới của ông Tập. Ngoài việc dẫn đầu đoàn đàm phán thương mại với Mỹ, ông Lưu còn góp công trong việc soạn thảo văn kiện cải cách tại Hội nghị Trung ương 3 vào năm 2013. Văn kiện này tập trung vào cải cách về phía cung và một chiến dịch giảm thiểu rủi ro tài chính.
Ông Ding Shuang, nhà kinh tế trưởng khu vực Đại Trung Quốc tại Standard Chartered, cho biết “ông [Lưu] đã nhất quán trong việc giải quyết các vấn đề của Trung Quốc thông qua cải cách”.
“Từ quan điểm của ông Lưu, cách tiếp cận theo hướng thị trường để thúc đẩy kinh tế tư nhân, đổi mới và khởi nghiệp vẫn chưa hoàn thành”, ông Ding nói.
Ngày nay, Bắc Kinh đang ở giữa ngã ba đường, và có thể sẽ đi đến một chiến lược kinh tế hướng nội hơn trong bối cảnh quan hệ xấu đi với các nền kinh tế lớn ở châu Âu, vốn là điểm xuất khẩu hàng đầu và nguồn cung chính về công nghệ và phụ tùng của Trung Quốc.
Các nhà chức trách ngày càng có xu hướng chuyển sang một nền kinh tế được nhà nước chỉ đạo nhiều hơn, khi tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã tụt xuống dưới mục tiêu. Xu hướng này có thể ảnh hưởng tới tham vọng vượt qua Mỹ và tăng gấp đôi GDP đầu người vào năm 2035.
Từ cuối năm ngoái, giới lãnh đạo đã đưa ra cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ đối mặt “áp lực gấp ba” từ thu hẹp nhu cầu, cú sốc nguồn cung và kỳ vọng suy yếu. Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh đã hạ thấp tầm quan trọng của việc đạt được mục tiêu tăng trưởng “khoảng 5,5%”.
Khoản chi tiêu khổng lồ cho cơ sở hạ tầng của Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm đã tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, Bắc Kinh vẫn thất bại trong việc thúc đẩy nền kinh tế đạt mục tiêu mong muốn do những tác động từ chính sách Zero COVID và khủng hoảng bất động sản.
- TIN LIÊN QUAN
-
Trung Quốc 'tự bắn vào chân mình', dễ hụt hơi trong cuộc đua đường dài với Mỹ 26/11/2021 - 10:30
Ông Lưu đã nhận ra những vấn đề rộng hơn, bao gồm dân số già hóa nhanh chóng của Trung Quốc, sự suy yếu những lợi thế truyền thống như lao động và đất đai, cùng với những giới hạn liên quan tới tài nguyên, công nghệ và môi trường.
Ông Lưu đồng ý rằng Trung Quốc cần phải xây dựng một thị trường nội địa mạnh mẽ và ngăn cản những biến động lớn. Tuy vậy, ông cũng cảnh báo rằng chính sách mở rộng cần nhắm tới những nhu cầu hiệu quả, hơn là tạo ra năng lực, sản phẩm lỗi thời.
“[Đầu tư] cần đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa, đa dạng và ngày càng tăng của người dân. Các khoản đầu tư cần có mức lợi nhuận hợp lý, phải bị ràng buộc bởi tiền vốn và vay nợ, trong khi chi tiêu phải dựa trên thu nhập”, ông nói.
Ông Lưu và đội của mình đã giành nhiều năm để giải quyết vấn đề thừa năng suất trong những ngành công nghiệp như thép, nhôm, kính tấm và đóng tàu, cũng như ngăn chặn sự vỡ nợ của chính quyền địa phương.
Chính sách tài khóa và tiền tệ
Ông Lưu cũng hạn chế sử dụng những gói cứu trợ lớn để chống lại đại dịch COVID, giúp Trung Quốc tránh được lạm phát cao kỷ lục đang diễn ra tại phương Tây.
“Các chính sách tài khóa và tiền tệ chỉ nên được dùng tới khi nhu cầu hiệu quả là không đủ và kỳ vọng thị trường yếu đi. Đồng thời, nguyên tắc can thiệp là kịp thời, phù hợp, có mục tiêu và tránh tạo ra quá nhiều thanh khoản”, ông Lưu cho biết.
Ông Ding tại Standard Chartered cho biết việc Phó Thủ tướng Lưu tránh dựa vào những gói kích thích lớn là hợp lý. Theo ông Ding, những gói kích thích này giống như việc Bắc Kinh tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng vào năm nay, và sẽ không tạo ra được kết quả mong đợi trong bối cảnh Trung Quốc vẫn kiểm soát dịch COVID gắt gao.
Ông Lưu cũng chỉ ra rằng các nhà hoạch định chính sách cần phải nhìn thấy trước xu hướng của thị trường bằng cách tăng cường kỳ vọng thị trường, minh bạch chính sách và uy tín.
“Những thay đổi về cấu trúc mà nền kinh tế Trung Quốc đang trải qua là một quá trình phức tạp của việc tiếp cận theo định hướng thị trường và theo phương pháp ‘thử và sai’”.
Tách rời khỏi Mỹ
- TIN LIÊN QUAN
-
Lý do kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng, bất chấp những dự báo bi đát 04/11/2022 - 12:19
Nhiều năm chiến tranh thương mại với Mỹ và nỗ lực tách rời về mặt công nghệ đã thay đổi định hướng phát triển của Trung Quốc.
Ông Lưu, người đã dẫn đầu các cuộc đàm phán với Mỹ và EU, cho rằng thị trường nội địa khổng lồ của Trung Quốc sẽ mang lại lợi thế đáng kể trong việc chống lại các cú sốc bên ngoài.
“Một vài quốc gia, thiếu hiểu biết về thông lệ quốc tế và quy định thương mại, đang cố gắng tạo áp lực khủng khiếp thông qua việc tách rời, với những đứt gãy về chuỗi cung ứng và các biện pháp trừng phạt lên doanh nghiệp”, ông nói.
“[Những áp lực này] không chỉ cản trở quá trình phát triển kinh tế và cải cách cơ cấu của Trung Quốc, mà còn tác động mạnh tới cán cân cung-cầu trên toàn thế giới”, ông Lưu cho biết.
Quan hệ với Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục ám ảnh Trung Quốc trong tương lai gần, khi Washington sẵn sàng thực hiện thêm các biện pháp kiềm chế với đối thủ chiến lược của mình.
Ông Lưu cho rằng Trung Quốc cần đảm bảo vòng tuần hoàn kinh tế nội địa dưới áp lực lớn và chỉ ra ba mắt xích yếu, bao gồm phần mềm, phần cứng cơ bản và nguyên liệu thô.
Tuy vậy, Phó Thủ tướng Lưu nhấn mạnh rằng Trung Quốc phải giữ mức độ mở cửa cao, tham gia sâu vào nền công nghiệp toàn cầu và “tương tác tích cực” với thế giới bên ngoài. Ông nói thêm: “Chúng ta nên hướng tới các quy tắc kinh tế và thương mại quốc tế tiêu chuẩn cao, và tạo ra một môi trường kinh doanh quốc tế, theo định hướng thị trường và dựa trên luật lệ".