|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Giới nhà giàu Trung Quốc đổ xô xin visa nước ngoài do lo ngại về ‘thời đại mới’

10:21 | 10/11/2022
Chia sẻ
Sự giảm tốc của nền kinh tế, cú lao dốc của thị trường nhà đất và chiến lược Zero COVID khiến giới nhà giàu Trung Quốc lo ngại về phương hướng chính sách của đất nước.

 

Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố chính phủ Trung Quốc sẽ tăng cường giám sát của cải tích luỹ của giới nhà giàu, khiến nhiều người lo ngại. (Ảnh: Reuters).  

“Hạ quyết tâm”

Đầu tháng 11, hàng trăm chuyên gia tư vấn nhập cư đã đặt kín chỗ tại một khách sạn hạng sang ở tỉnh Tứ Xuyên để dự một buổi hội thảo kéo dài ba ngày.

Hội thảo đã được tổ chức ngay sau đại hội đảng lần thứ 20 của Trung Quốc. Sau sự kiện này, những lo ngại về phương hướng chính sách của Bắc Kinh đã gia tăng nhanh chóng. 

Một số người dự kiến số người Trung Quốc giàu có di cư ra nước ngoài sẽ tăng vọt trong vài năm tới, bất chấp bóng đen của lạm phát toàn cầu và nguy cơ suy thoái. Các cố vấn nhập cư nói rằng tâm lý lo ngại đang lan rộng trong các gia đình giàu có và trung lưu bậc cao của Trung Quốc.

Nền kinh tế trì trệ và thị trường nhà đất lao dốc đang khiến giá trị tài sản của họ suy giảm. Trong bối cảnh này, các cá nhân có giá trị tài sản ròng cao đang đẩy nhanh quá trình xin visa để trở thành công dân nước ngoài.

Ông Danny Cai, người điều hành một công ty tư vấn du học và nhập cư ở tỉnh Chiết Giang, cho biết: “Các đồng nghiệp kể với tôi rằng lượt khách hỏi thăm tại công ty họ đã tăng gấp bội kể từ tháng 5 và tiếp tục gia tăng mỗi ngày.

Trung Quốc đang đứng trước một ngã rẽ quan trọng. Các chính sách chính trị và kinh tế mới có thể gây bất ổn và rủi ro lớn tới của cải của những khách hàng này”.

Theo tờ South China Morning Post (SCMP), giới lãnh đạo Trung Quốc coi “thịnh vượng chung” là nhiệm vụ kinh tế quan trọng để giải quyết tình trạng bất bình đẳng. Tại đại hội đảng, ông Tập báo hiệu Trung Quốc sẽ đặt ra thêm các quy định kiểm soát để phân phối của cải trong nền kinh tế một cách đồng đều hơn.

Tuyên bố của nhà lãnh đạo về việc chính phủ sẽ tăng cường giám sát cách của cải được tích lũy đã làm lung lay niềm tin của giới doanh nhân và những người giàu.

Cô Fang Li, vợ của nhà sáng lập một công ty sản xuất hàng tiêu dùng nhanh cho thị trường trong và ngoài nước ở tỉnh Quảng Đông cho biết: “Tôi từng ngần ngại về việc sống ở nước ngoài, nhưng gần đây tôi đã hạ quyết tâm. Một số người bạn thân thiết của tôi cũng nghĩ như vậy”.

Cô lo rằng con cái mình sẽ phải lớn lên trong “cuộc sống không bình thường” dưới chính sách Zero COVID, và sợ rằng chính phủ sẽ đặt dấu chấm hết cho các chính sách kinh tế đã kích thích của cải sinh sôi ở Trung Quốc trong 40 năm qua.

Cô nói: “Chúng tôi rất lo lắng vì không biết nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa trong thời đại mới sẽ tác động thế nào đến xã hội và những gì chúng tôi có được ngày hôm nay và trong tương lai”.

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Báo cáo Hurun hồi tháng 1, khoảng 32% trong số 750 người có tài sản ròng cao ở Trung Quốc nói rằng họ đang cân nhắc di cư trong năm nay, tăng mạnh từ mức 14% vào năm ngoái.

Trung bình mỗi gia đình tham gia khảo sát có số tài sản trị giá 42 triệu nhân dân tệ (tương đương 5,8 triệu USD). Khoảng 6% người trả lời đã nộp đơn xin visa nước ngoài từ trước.

“Không khí căng thẳng”

Cô Cherry Ma, nhà tư vấn nhập cư ở thành phố Trùng Khánh cho biết các tín hiệu gần đây từ chính phủ đã khiến nhiều người lo lắng. Cô nói thêm: “Mọi khách hàng đều hỏi rằng liệu chính phủ có thực hiện các chính sách nghiêm khắc đối với khu vực tư nhân và những người giàu có hay không”.  

Hồi tháng 1, Henley & Partners, công ty tư vấn di cư có trụ sở tại London dự báo rằng 10.000 cá nhân có giá trị tài sản ròng cao của Trung Quốc sẽ di cư trong năm nay – tương đương 1% dân số có giá trị tài sản ròng cao của nước này. Con số thực tế có thể còn cao hơn do tâm lý chán ghét các đợt phong tỏa và lo ngại về các chính sách kinh tế mới.

Báo cáo quý III của Henley & Partners cho biết Trung Quốc nằm trong số 5 quốc gia hàng đầu về dòng chảy ròng của các công dân giàu có năm nay. Kết quả này phù hợp với lượng lớn các đơn đăng ký xin visa gần đây.

Công ty cho biết những nước có chương trình visa đầu tư nhận được nhiều sự chú ý nhất của cư dân Đông Á bao gồm Bồ Đào Nha, Grenada, Malta, Hy Lạp và Dominica.

Ngày càng nhiều người giàu Trung Quốc và cả tầng lớp trung lưu trả tiền để được cấp quyền công dân ở nước ngoài thông qua các chương trình đầu tư. Chúng mang lại cho họ sự linh hoạt về nơi cư trú và quyền rời đi vào bất kỳ thời điểm nào giữa hai hoặc nhiều quốc gia “quê nhà”.

Người trong ngành nói với tờ SCMP rằng cái giá cho quốc tịch thứ hai dao động từ 250.000 đến 1 triệu USD. Thủ tục thường mất khoảng vài tháng.

Nhưng ông Dong Shige, chuyên gia nhập cư có tiếng ở tỉnh Thâm Quyến cho biết việc chuyển hầu hết tài sản ở Trung Quốc ra nước ngoài là điều rất khó, kể cả với những người rất nhạy bén.

Một cá nhân có tài sản ròng cao khó có thể chuyển hơn 20-30% tài sản sang nước ngoài bởi một phần lớn của cải của họ được đầu tư vào bất động sản và thị trường tài chính trong nước. Bất cứ ai muốn chuyển của cải sang nước ngoài cũng phải đối mặt với các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt và thị trường bất động sản suy yếu.

Một doanh nhân hơn 30 tuổi đến từ gia đình có tiếng ở tây nam Trung Quốc tiết lộ rằng tuần trước ông đã đầu tư 200.000 USD vào dự án Grenada National Resort, nhờ vậy ông sẽ được cấp hộ chiếu từ đảo quốc Caribe này.

Ông còn có cả visa B1 và B2 để đến Mỹ, và đã mua một bất động sản ở Athens với giá 280.000 euro vào năm 2018. Dù có sự chuẩn bị kỹ càng đến vậy, ông vẫn thấy cần phải nhanh chóng rời khỏi Trung Quốc.  

Ông giải thích: “Bầu không khí xã hội và chính trị tại thành phố của tôi đang trở nên căng thẳng hơn. Bố mẹ tôi sẽ ở lại để chờ xem tình hình, nhưng tôi và các con chắc chắn sẽ phải đi trước”.

Giang

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.