'Chẳng còn hy vọng': Các nhà máy Trung Quốc đang chật vật sinh tồn
Ông Jimmy đang ngồi trên sàn nhà đầy bụi tại nhà máy Quảng Đông của mình, đếm số tiền đang nợ. Những công nhân của ông đã được trả hết lương, máy móc đã bị bán đi, và ngay cả đồ đạc trong văn phòng cũng bị thanh lý khi nhà máy phải đóng cửa vào tháng 10.
“Sụt giảm đơn hàng và việc phong tỏa liên tục là những lý do khiến tôi quyết định đóng cửa nhà máy”, ông nói. “Nhưng trên hết, mọi thứ cảm tưởng như chẳng còn hy vọng. Không hề có dấu hiệu phục hồi”.
Theo Financial Times, các quản lý doanh nghiệp tại miền nam Trung Quốc đang báo cáo đơn đặt hàng tháng 10 sụt giảm tới 50% khi kho hàng tại châu Âu và Mỹ đã đầy. Những thông tin trên đang vẽ lên triển vọng ngày càng u ám với nền kinh tế thứ hai thế giới.
Tháng 10 thường là giai đoạn đặc biệt bận rộn với ngành sản xuất. Tuy vậy, sự sụt giảm đáng kể hoạt động đã khiến các công nhân cổ cồn xanh gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm.
Các nhà hoạch định chính sách tại Bắc Kinh đã vất vả với khủng hoảng bất động sản, các đợt phong tỏa và niềm tin người tiêu dùng yếu, nay lại đối mặt thêm với sự suy giảm hoạt động sản xuất. Tháng trước, Trung Quốc báo cáo GDP trong quý III/2022 chỉ tăng trưởng 3,9%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5,5%.
Ông Christian Gassner, người sở hữu một nhà máy nội thất tại Quảng Đông, cho biết: “Lẽ ra đây là thời điểm bận rộn. Nhưng hai tháng qua lại là thời gian tồi tệ nhất. Chẳng ai dám mua thứ gì cả, chẳng ai dám mua một chiếc sofa, chẳng có ai [ở châu Âu] là còn tiền cả”.
“Mọi người đều than vãn về một thứ. Các đơn đặt hàng đã giảm 30 đến 50% trong một số ngành công nghiệp. Nhiều người đang đóng cửa nhà máy”, ông nói thêm.
Ông Alan Scanlan, một quản lý tại Hong Kong làm việc trong lĩnh vực tìm nhà cung ứng tại phía nam Trung Quốc cho biết việc giảm hoạt động kinh doanh là hệ quả tất yếu của sự kết thúc giai đoạn bùng nổ thương mại sau khi người mua có quá nhiều hàng tồn kho vào năm 2022.
Ví dụ, vào tháng 9, Nike đã báo cáo rằng nguồn hàng tồn kho tại Bắc Mỹ vào cuối quý III đã cao hơn 65% so với một năm trước.
Tháng trước, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc đã rớt xuống 49,2 từ mức 50,1 vào tháng 9, theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc. PMI dưới 50 báo hiệu hoạt động sản xuất thu hẹp.
Vào hôm 7/11, dữ liệu chính thức cho thấy xuất khẩu tháng 10 đã giảm 0,3%, trái ngược với kỳ vọng tăng trưởng 4,5%. Các nhà kinh tế xác định sự sụt giảm này là do số đơn hàng ít đi và các đợt phong tỏa do chính sách Zero COVID của Trung Quốc.
“Nhu cầu nội địa của Trung Quốc đang bị ảnh hưởng bởi phong tỏa, còn nhu cầu tại châu Âu, và Mỹ yếu đi do lãi suất toàn cầu tăng lên”, ông Gary Ng, một nhà kinh tế học tại Natixis cho hay. “[Tình trạng này] gây ra khá nhiều vấn đề phía nam Trung Quốc, những tỉnh đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế nước này”, ông nói thêm.
Một quan chức tại thành phố Đông Hoản, trung tâm sản xuất tại Quảng Đông, cho biết chính quyền địa phương đang gặp khó trong việc duy trì trợ cấp cho nhà máy, khi đồng thời phải chi trả cho xét nghiệm COVID.
“Chúng tôi phải làm gì? Để các nhà máy và nền kinh tế địa phương bị hủy hoại, trong khi lãng phí tiền thuế của dân vào những đợt xét nghiệm PCR không có hồi kết?”, vị quan chức này nói.
Ông Gassner cho biết một số ngành công nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng hơn số khác. Điện tử và năng lượng tái tạo đã tránh khỏi sự suy giảm này. Tuy vậy, sự tụt dốc của hoạt động sản xuất đã ảnh hưởng tới thị trường việc làm. Theo các quản lý nhà máy, việc thuê lao động trong thời gian ngắn đã trở nên dễ dàng.
“Khi các đơn hàng giảm đi, chúng tôi buộc phải hạ chi phí, và một trong những chi phí lớn nhất là lương cho công nhân”, ông Danny Lau, người vận hành một nhà máy nhôm tại Đông Hoản nói.
“Chúng tôi từng có 200 công nhân vào đầu năm ngoái, nhưng chỉ 100 vào năm nay … Nguyên nhân chủ yếu là bởi thiếu đơn hàng”, ông giải thích.
Anh Chen, người chỉ tiết lộ họ chứ không nói tên của mình, làm việc cho một doanh nghiệp có trụ sở tại Quảng Đông chuyên cung ứng cho các siêu thị trên toàn cầu.
Khi số giờ làm việc của anh giảm dần, thu nhập cũng đi xuống chỉ còn 50.000 nhân dân tệ vào năm nay, so với 80.000 nhân dân tệ của 2021.
“Tôi từng mua trà sữa nguyên giá mà không phải suy nghĩ”, anh Chen, 24 tuổi, cho biết. “Giờ đây tôi chỉ tới những quán cafe có khuyến mại”. Anh ước tính rằng đơn hàng tại công ty mình đã giảm tới 40% kể từ tháng 4, so với một năm trước.
“Khách hàng đang mất đi sự tự tin. Họ không dám đặt cược toàn bộ vào Trung Quốc nữa”, anh cho biết.
Căng thẳng Mỹ-Trung cũng đã thúc đẩy sự chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc, vốn đã dần đi sang Đông Nam Á do mức lương ở đại lục tăng.
"Không còn sự may mắn khi ở lại Trung Quốc nữa [vì người Mỹ] không còn muốn hàng Made in China nữa. Tốt nhất chúng tôi nên dẹp hoạt động ở Trung Quốc", bà Suki So, Giám đốc điều hành của Everstar Merchandise cho biết.
Bà đang có kế hoạch đóng cửa nhà máy của mình ở Quảng Đông và chuyển nhà máy còn lại sang Đông Nam Á. “Nhu cầu đối với các mặt hàng không thiết yếu như đồ nội thất đã [giảm] do người Mỹ ngày càng nghèo hơn. . . Chúng tôi đã phải thuê nhà kho [trong năm nay] để chứa hàng thành phẩm”, bà nói.