|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc cần chuẩn bị những gì để chấm dứt Zero COVID?

14:46 | 12/11/2022
Chia sẻ
Trung Quốc sẽ cần tăng cường nỗ lực tiêm chủng, năng lực y tế, thái độ với dịch bệnh COVID. Quá trình mở cửa có thể sẽ diễn ra từ từ và thận trọng.

Liệu Trung Quốc có đang chuẩn bị từ bỏ chính sách Zero COVID hay không? Những sự kiện gần đây trên thị trường dường như đang báo hiệu khả năng này. Các tin đồn về việc Trung Quốc thành lập một ủy ban mở cửa đã giúp giá cổ phiếu, đồng nhân dân tệ và kim loại đồng tăng vọt. 

Ngày 11/11, Trung Quốc nới lỏng một số biện pháp phòng dịch, ví dụ như giảm thời gian cách ly sau nhập cảnh từ 7 ngày còn 5 ngày.

Theo ước tính của Goldman Sachs, việc Trung Quốc mở cửa có thể giúp các cổ phiếu nước này tăng 20%, hay 2.600 tỷ USD. Trung Quốc là nền kinh tế duy nhất vẫn còn chịu cảnh phong tỏa, và là cơ hội cuối cùng để nhà đầu tư kiếm lời từ một đợt tăng giá do tái mở cửa. 

Số ca nhiễm tại Trung Quốc đã tăng mạnh trong những ngày vừa qua.

Theo Financial Times, vào hôm 5/11, Ủy ban Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc (NHC) đã nhấn mạnh quyết tâm đẩy lùi đại dịch COVID của nước này. Đồng thời Ủy ban cũng cảnh báo rằng tính hình có thể trở nên "nghiêm trọng và phức tạp hơn" khi Trung Quốc bước vào mùa cúm.

"Thực tế đã chứng minh rằng biện pháp ngăn chặn và kiểm soát của chúng ta là hoàn toàn chính xác, kinh tế và hiệu quả", ông Hu Xiang, một quan chức tại NHC cho biết.

Những người lạc quan đã chỉ ra rằng Trung Quốc đang đi những bước nhỏ để mở cửa. Các nhà quản lý hàng không của nước này đã tăng gấp đôi số chuyến bay quốc tế dự kiến cho vài tháng tới so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngày 11/11, Trung Quốc đã bỏ quy định cấm bay các hãng hàng không có hành khách bị nhiễm COVID. Các sự kiện thể thao quốc tế cũng đang dần trở lại. Người dân Thượng Hải sẽ sớm được nghe lại tiếng động cơ xe Công thức Một vào tháng 4/2023.

Vào tháng 9, Trung Quốc đã cấp phép cho vắc xin dạng xịt, hiện đang được sử dụng tại 14 thành phố. Trong một buổi họp báo vào ngày 4/11, một cựu quan chức tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc cho biết “những thay đổi đáng kể” trong cách Bắc Kinh tiếp cận với COVID nhiều khả năng sẽ xảy đến trong 6 tháng tới.

Chuẩn bị những gì để mở cửa?

Trung Quốc vẫn tiếp tục các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. (Ảnh: AP). 

Theo các chuyên gia và quan chức được Bloomberg phỏng vấn, để mở cửa trở lại, Trung Quốc cần đạt được một số mục tiêu.

Những cột mốc này bao gồm: nỗ lực thúc đẩy tiêm chủng, đặc biệt với người cao tuổi và có thể bắt buộc tiêm chủng; ra mắt vắc xiin mRNA, tăng cường năng lực bệnh viện, đồng thời xếp COVID thành loại bệnh không cần nhập viện; từ bỏ các biện pháp phong tỏa và Zero COVID.

Theo Economist, nếu Trung Quốc đang chuẩn bị để mở cửa, quá trình này sẽ kéo dài, gồm nhiều giai đoạn. Trước hết, Trung Quốc sẽ phải ngăn chặn các đợt bùng phát trên diện rộng tại hơn 100 thành phố, bao gồm Quảng Châu - thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, một tỉnh với GDP lớn như Hàn Quốc.

Theo SCMP, số lượng ca nhiễm tại Trung Quốc trong những ngày gần đây đã tăng mạnh bất chấp các biện pháp kiểm soát. Vào hôm 9/11, theo dữ liệu từ Our World in Data và Đại học Johns Hopkin, số ca nhiễm mới của Trung Quốc là hơn 14.000, đánh dấu sự tăng mạnh từ khoảng 1.000 ca nhiễm hồi tháng trước. 

Tiếp đó, Trung Quốc sẽ phải ngăn chặn các đợt bùng phát dịch trong suốt mùa đông để tránh làm quá tải bệnh viện. Và nhiều khả năng nước này sẽ không đưa ra quyết định lớn trước khi các quan chức chính phủ mới nhậm chức vào tháng 3/2023.  

Trung Quốc cũng cần phải nâng cao năng lực y tế bằng cách chuẩn bị thêm nhiều các loại thuốc chống virus, xây dựng thêm các phòng điều trị tích cực (ICU) và tăng cường bác sĩ, nhân viên y tế. Số giường bệnh trên 1.000 người của Trung Quốc vào năm 2017 là 4,3 giường, cao hơn mức 2,9 giường của Mỹ. 

Tuy vậy, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với một số nước phát triển như Nhật Bản hay Đức. Số lượng phòng ICU của Trung Quốc cũng ít hơn đáng kể so với các nước phát triển. Những phòng ICU đặc biệt quan trọng để điều trị các bệnh nhân COVID biến chứng nặng và giảm số ca tử vong. 

Trung Quốc đang thiếu nhiều phòng ICU. 

Trung Quốc đang chỉ có 2,2 bác sĩ/1.000 người vào năm 2020, thua xa các nước phát triển và thậm chí cả Brazil, một thị trường mới nổi chịu tàn phá nặng nề bởi đại dịch COVID.

Phân bổ nguồn lực y tế không đồng đều cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Khoảng 500 triệu người Trung Quốc đang sống ở vùng nông thôn, nơi có khả năng tiếp cận bác sĩ cũng như giường bệnh kém hơn nhiều so với thành phố.

Cứ 1.000 người người ở nông thôn Trung Quốc thì chỉ có hai bác sĩ và y tá. Trong khi đó, tại Bắc Kinh và Thượng Hải, cứ 1.000 người có tới 5 bác sĩ, chưa tính đến y tá.

Nông thông Trung Quốc đang thiếu rất nhiều bác sĩ.

Bắc Kinh cần tăng tỷ lệ tiêm chủng ở nhóm người cao tuổi. Citigroup cho biết tỷ lệ tiêm chủng “là một chỉ báo quan trọng cho việc mở cửa trở lại”. Tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên được tiêm chủng mũi bổ sung đã đạt 66% vào đầu năm nay, trước khi bị chững lại. 

Một số người cho rằng Trung Quốc đang chờ đợi một loại vắc xin trong nước có hiệu quả hơn trước khi tiếp tục nỗ lực tiêm chủng. Hai công ty dược Trung Quốc đang sắp nhận được cấp phép vắc xin mRNA.

Trung Quốc cũng đạt nhiều tiến bộ trong việc soạn thảo các thỏa thuận phân phối với các công ty dược nước ngoài, phát triển và mua lại các thuốc điều trị COVID.

Có thể, các quan chức Trung Quốc không muốn thúc giục người cao tuổi phải tiêm thêm lần nữa trước khi chắc chắn rằng việc mở cửa sẽ diễn ra. Thời gian bảo vệ của vắc xin sẽ giảm dần theo thời gian. Việc tiêm vắc xin quá sớm hoặc quá ít sẽ tạo ra mối nguy hiểm.

Tính đến tháng 11, tỷ lệ người già nhận được mũi tăng cường đã là 68,5%. Nếu tỷ lệ này tiếp tục tăng lên, những đồn đoán về mở cửa trở lại sẽ ngày một nhiều lên.

 Tỷ lệ tiêm chủng mũi bổ sung tại Trung Quốc đang chững lại từ giữa năm nay.

Để mở cửa trở lại, Trung Quốc cũng cần xếp loại COVID thành bệnh không nghiêm trọng. Theo Wall Street Journal, trong những tháng gần đây, quan chức Trung Quốc đã đã duy trì liên lạc chặt chẽ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). 

Vào tháng 1/2020, WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu. Trong cuộc họp vào tháng 10/2022, cơ quan này cho biết vẫn còn quá sớm để từ bỏ trạng thái trên. Cuộc họp tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 1/2023.

Tuyên bố của WHO có thể giúp Trung Quốc có thêm nhiều cơ hội để thay đổi chính sách. Bắc Kinh có thể bắt đầu thúc đẩy các biện pháp nới lỏng tích cực hơn nhiều và thay đổi quan điểm về COVID. 

Cuộc hành trình gian truân

Thông thường, các nhà đầu tư thường sẽ chớp lấy cơ hội, ngay cả khi chính phủ Trung Quốc vẫn chưa tiết lộ quá nhiều. Theo Economist Intelligence Unit, nền kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng 5,5 - 6% nếu quá trình mở cửa diễn ra một cách trật tự.

Tuy vậy, các kịch bản tồi tệ hơn cũng có thể xảy ra: sự kết thúc hỗn loạn của Zero COVID có thể khiến nền kinh tế sụt giảm trong một quý, trước khi phục hồi lại. Bởi lý do này, Trung Quốc sẽ tiến hành một cách thận trọng.

Một số người cảm thấy nhẹ nhõm khi các biện pháp được nới lỏng, những người khác lại lo lắng. Trung Quốc sẽ cần hành động nhiều để xóa tan những điều tiếng về COVID, đồng nghĩa với việc niềm tin người tiêu dùng sẽ phục hồi chậm.

Vào hôm 6/11, lần đầu tiên trong vòng hai năm, những vận động viên được tiêm vắc xin đã tham dự một cuộc chạy marathon tại Bắc Kinh, dài 42 km từ Quảng trường Thiên An Môn tới sân vận động Olympic. Theo Economist, con đường mở cửa của Trung Quốc có thể cũng sẽ gian truân như vậy.

Minh Quang

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.