|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc muốn thành trung tâm nhân tài toàn cầu, nhưng liệu người tài có đến?

15:53 | 13/11/2022
Chia sẻ
Thu hút nhân tài là yếu tố cực kỳ quan trọng tới năng lực cạnh tranh kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, nỗ lực thu hút và giữ chân nhân tài của nước này đang bị cản trở bởi các yếu tố như tiền lương kém hấp dẫn và căng thẳng chính trị.

 

Trung Quốc muốn trải thảm đỏ để chào đón các nhân tài cấp cao nhất, nhưng đồng nhân dân tệ mất giá và giá nhà cao khiến một số người ngần ngại. (Hình minh họa: Henry Wong). 

Tại đại hội đảng lần thứ 20, Chủ tịch Tập Cận Bình đã vạch ra tham vọng xây dựng đất nước thành trung tâm nhân tài toàn cầu. Nhưng con đường đi đến mục tiêu đó vẫn còn lắm chông gai.

Anh Li Rongzhong quyết định trở lại Trung Quốc vào năm 2019 sau một thời gian giảng dạy tại Đại học Wake Forest tại Mỹ. Cũng tại ngôi trường này, anh đã được cấp bằng sau đại học về vật lý và khoa học máy tính. Anh trở về để mở rộng công ty chuyên sản xuất robot chó mèo của mình và dự định đặt nơi sản xuất tại Thâm Quyến.

Tuy nhiên, hầu hết các nhà nghiên cứu và nhà khoa học mà anh Li quen biết ở Mỹ đều chọn ở lại xứ sở cờ hoa sau khi kiếm được công việc tốt tại trường đại học.

Anh giải thích: “Các mối quan hệ cá nhân tại Mỹ đơn giản hơn nhiều so với Trung Quốc. Tôi có một bạn học cũ đã quay về Trung Quốc để làm việc tại một trường đại học Trung Quốc nhưng không thể hòa nhập. Cậu ta luôn cảm thấy mình bị bắt nạt”.

Nhân tài luôn được coi là yếu tố quan trọng đối với khả năng cạnh tranh kinh tế của Trung Quốc. Thu hút nhân tài là nhiệm vụ ngày càng cấp thiết trong bối cảnh Bắc Kinh đặt mục tiêu tự chủ kinh tế khi bị Mỹ áp đặt các hạn chế về xuất khẩu công nghệ. 

Theo tờ South China Morning Post (SCMP), Trung Quốc đã đạt được một số bước tiến trong quá trình mời gọi người tài. Nhưng những yếu tố như tiền lương kém hấp dẫn, môi trường nghiên cứu khó khăn và các lo ngại chính trị đã hạn chế khả năng thu hút và giữ chân nhân tài cấp cao của nước này.

Bước tiến của Trung Quốc được thể hiện qua đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Năm ngoái, số tiền này tăng 14,2%, đạt 2.780 tỷ nhân dân tệ (tương đương 387,7 tỷ USD). Ông Tập tuyên bố Trung Quốc là nước có nhiều lao động trong ngành R&D nhất thế giới.

Lương bổng thấp

Ông Alex Zhao, giáo sư chuyên về trí tuệ nhân tạo tại một trường đại học ở Bắc Kinh, cho biết doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo đã tuyển được nhiều nhà nghiên cứu và kỹ sư hơn nhờ vào việc vốn đầu tư cải thiện. Nhưng lương tại các trường đại học thường không cao bằng khu vực kinh tế tư nhân.

Ông nói tiếp: “Lương tại các trường đã khá hơn nhiều so với trước đây, nhưng vẫn chưa đủ. Các nhà nghiên cứu tại đại học thường phải làm thêm dự án phụ để kiếm tiền. Điều này khiến họ khó tập trung thời gian cho các dự án giá trị và chủ đề họ thực sự yêu thích.

Do không có đủ hỗ trợ tài chính, môi trường nghiên cứu chung cũng thiếu ổn định. Mọi người không đủ kiên nhẫn tham gia vào các dự án chưa tạo ra lợi nhuận.

Thay vào đó, tất cả đều đổ xô vào những lĩnh vực nghiên cứu hứa hẹn sinh lời lớn như trí tuệ nhân tạo, bất kể sở thích hoặc năng lực nghiên cứu của bản thân". 

Giáo sư Zhao cho rằng điều này khiến cho các nhà nghiên cứu Trung Quốc khó có thể giành được các giải thưởng quốc tế hàng đầu.

Tỉnh Thâm Quyến mở ra chương trình Peacock nhằm thu hút nhân tài cấp cao ở nước ngoài. Những người tham gia sẽ được hưởng chế độ đãi ngộ đặc biệt và tiền thưởng từ 1,6-3 triệu nhân dân tệ trong vòng 5 năm.

Nhưng lạm phát, sự mất giá của nhân dân tệ và sự gia tăng của giá nhà khiến cho mức tiền thưởng cơ bản 320.000 nhân dân tệ/năm không còn hấp dẫn như khi mới được đặt ra vào năm 2016.

Môi trường làm việc phức tạp

Trung Quốc ngày càng coi trọng khả năng tự lực trong học thuật, đem lại lợi thế cho các nhân tài được đào tạo trong nước. Kết quả là những người ở nước ngoài càng có ít động lực để trở về.

Bản thân giáo sư Zhao cũng đã lấy bằng tiến sĩ về kỹ thuật điện tại một trường đại học hàng đầu ở Anh.

Ông cho biết những người xuất thân từ trường đại học cũ của ông không còn được săn đón nhiều như trước. Họ không còn có lợi thế so với cử nhân của những ngôi trường hàng đầu trong nước như Viện Khoa học Trung Quốc hay Đại học Bắc Kinh và Thanh Hoa.

Một số nhà nghiên cứu tuyến đầu cũng phàn nàn rằng họ không được cung cấp môi trường để tập trung vào nghiên cứu khoa học. Các tổ chức nghiên cứu do chính phủ tài trợ bị chỉ trích vì môi trường quan liêu, gây cản trở cho nỗ lực của các nhà nghiên cứu, tờ SCMP cho biết. 

Theo hơn 20 bình luận trên trang mạng xã hội Zhihu từ những người từng làm việc tại một phòng thí nghiệm quốc gia nổi tiếng ở Trung Quốc, số nhân viên hành chính ở đây còn đông hơn cả đội ngũ nghiên cứu.

Mọi người bị phân chia chặt chẽ thành các “tầng lớp”, nhân viên cấp dưới thường bị bắt nạt, nhiều thủ tục quan liêu kéo theo hiệu quả giảm sút, và kinh phí đôi khi được phân bổ cho các dự án không cụ thể hoặc không có ý nghĩa.

Ông Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho biết căng thẳng leo thang giữa Bắc Kinh và Washington cũng là một trong những yếu tố ngăn cản nhân tài phương Tây đến Trung Quốc và làm việc trong các ngành công nghệ tiên tiến. Các công dân Trung Quốc theo học tại nước ngoài cũng có vướng mắc tương tự.

Ngay cả những người về nước sau khi du học cũng có xu hướng rời đi lần nữa. Báo cáo của ông Lian Si, chủ nhiệm Trung tâm Phát triển Thanh niên Trung Quốc tại Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế, chỉ ra lý do lớn nhất là những du học sinh này không thể thích nghi với các mối quan hệ phức tạp giữa các cá nhân, cũng như hệ thống đánh giá hiệu suất và quản trị của Trung Quốc.

Ngoài lĩnh vực học thuật, các công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh nỗ lực thu hút người tài. Ông Michael Zhou, kỹ sư tại SMIC, nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc cho biết: “Tình trạng khan hiếm nhân tài trong ngành không thể được cải thiện đáng kể trong một khoảng thời gian ngắn.

Đột phá về công nghệ chủ yếu phụ thuộc vào nhân tài, nhưng Trung Quốc chỉ mới bắt đầu coi trọng ngành công nghiệp chất bán dẫn khoảng 5 năm trước. Những người bắt đầu cách đây 5 năm vẫn chưa lên được vị trí cấp cao.

Tiền lương của kỹ sư được cải thiện khi các khoản đầu tư tăng lên. Nhưng một lượng lớn tiền cũng được phân bổ vào dây chuyền sản xuất nhằm nâng cấp thiết bị. Nhiều lĩnh vực khác cũng cần đến tiền”.

Ông Tập khẳng định Trung Quốc phải coi nhân tài là nguồn lực quan trọng nhất. Nhưng nước này không có lợi thế vượt trội để so với những nền kinh tế châu Á khác cũng đang cố gắng thu hút người tài trên toàn thế giới. Ví dụ, Singapore và Nhật Bản cũng đang đẩy mạnh nỗ lực mời gọi những người tài giỏi.

Giang