|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Hậu quả đáng ngại của Zero COVID tại Trung Quốc: Người trẻ sầu não vì việc làm, ám ảnh nỗi lo 'nằm thẳng'

14:59 | 31/08/2022
Chia sẻ
Lao động trẻ tại Trung Quốc đang gánh chịu áp lực nặng nề và ngày càng bi quan về tương lai, bởi chiến lược Zero COVID của chính phủ khiến chặng đường tìm kiếm việc làm trở nên chông gai hơn bao giờ hết.

Bỏ học cấp ba, David Tong được cha mẹ gửi tới Mỹ để học chơi bóng đá tự do. Anh trở về Bắc Kinh ngay trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào cuối năm 2019. Ở tuổi 21, sau khi không tìm được việc làm phù hợp, Tong trở thành huấn luyện viên thể hình tại một phòng gym. Gần ba năm sau, anh mất việc.

Chia sẻ với SCMP, Tong cho biết: “Hoạt động của phòng gym lên xuống thất thường theo nhịp độ chống dịch. Tôi không bất ngờ khi bị sa thải, sau khi người quản lý nhiều lần ám chỉ rằng phòng gym cần phải cắt giảm chi phí”.

“Khi bị đuổi vào tháng trước, đầu óc tôi trở nên trống rỗng. Rốt cuộc, đó là công việc toàn thời gian đầu tiên của tôi. Vài giây sau, ý nghĩa đầu tiên nảy ra trong đầu là ‘Tôi sẽ ăn nói với cha mẹ ra sao’. Họ sẽ không dễ gì tiếp nhận chuyện này”, Tong kể.

Phải mất hàng tuần sau cha mẹ của Tong mới chấp nhận mọi việc. Anh cho biết, họ nguôi ngoai bởi nhiều người trẻ khác - từ họ hàng, hàng xóm đến con cái bạn bè mình, cũng thất nghiệp vì đại dịch và các quy định nghiêm ngặt làm gián đoạn hoạt động kinh tế.

“Tôi bảo cha me rằng đó là một thực tế phổ biến”, Tong nói. “Cuối cùng, họ cũng ngừng cằn nhằn và gọi tôi là kẻ thất bại. Tôi hứa sẽ tiếp tục tìm việc nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm được”.

Năm nay, Trung Quốc có thêm khoảng 10 triệu sinh viên mới tốt nghiệp đại học. Đây là con số đáng lo ngay thời điểm tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ vọt lên gần 20%. (Ảnh minh hoạ: Reuters).

Người trẻ thất nghiệp - hệ luỵ tai hại

Theo khảo sát của chính phủ Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp đối với người từ 16 đến 24 tuổi - hầu hết là học sinh vừa kết thúc chương trình trung học hoặc sinh viên mới tốt nghiệp đại học, đã tăng mạnh trong năm nay.

Xu hướng trên xuất hiện trong bối cảnh Bắc Kinh đã tăng cường phong toả và áp dụng các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt khác để ngăn chặn biến chủng Omicron lây lan trên khắp cả nước.

Số liệu của Tổng cục Thống kê Quốc gia (NBS) cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ đã tăng từ 15,3% trong tháng 1 lên 19,9% vào tháng 7 - có nghĩa là cứ 5 thanh niên thì có 1 người không có việc làm.

Đây là tỷ lệ cao nhất kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu công bố số liệu thất nghiệp của thanh niên đại lục vào tháng 1/2018. Thời điểm đầu, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm lao động này chỉ rơi vào khoảng 9,6%.

 

Đại dịch đã tàn phá các thị trường lao động trẻ trên khắp thế giới. Theo một báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), số lượng thanh niên không thể tìm được việc làm trong năm nay sẽ lên tới 73 triệu - nhiều hơn 6 triệu so với trước COVID-19.

ILO cũng dự báo rằng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khoảng 14,9% lao động trẻ sẽ phải tiếp tục tìm việc cho đến cuối năm nay - tương đương với mức trung bình toàn cầu.

Tình trạng thất nghiệp ở người trẻ Trung Quốc nghiêm trọng như vậy có thể là do chính sách Zero COVID hà khắc của chính phủ.

Phát ngôn viên Fu Linghui của NBS cho hay hồi đầu tháng 8: “Các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong đại dịch ít có khả năng tiếp nhận thêm nhân sự mới. Cùng lúc, đà phục hồi của ngành dịch vụ - một nguồn cung cấp việc làm quan trọng cho thanh niên, lại diễn ra rất chậm chạp”.

Trong 7 tháng đầu năm, chỉ số PMI dịch vụ của Trung Quốc đã giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Các ngành du lịch, khách sạn và ăn uống bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

Ngoài ra, các công ty giáo dục tư nhân và dịch vụ internet còn sa thải lượng lớn nhân viên hoặc cắt giảm tuyển dụng trong bối cảnh chính quyền trung ương phát động các cuộc trấn áp toàn ngành.

Người trẻ xếp hàng đi xin việc. (Ảnh: Getty Images).

Trên thế giới, những người tìm việc lần đầu, học sinh bỏ học và sinh viên mới ra trường với ít kinh nghiệm thường dễ bị tổn thương trên thị trường lao động, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng.

Hơn một thập kỷ trước, nhiều quốc gia châu Âu đã rơi vào suy thoái sau khi bị tê liệt bởi một cuộc khủng hoảng nợ. Tại EU năm 2009, tình trạng thất nghiệp ở người trẻ diễn ra nghiêm trọng nhất tại Tây Ban Nha (với tỷ lệ 37,8%), Hy Lạp (25,8%) và Italy (25,3%).

Trung Quốc, vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn do số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học cao kỷ lục và kinh tế suy yếu rõ rệt trong những năm gần đây.

Mùa hè năm nay, 10 triệu sinh viên mới tốt nghiệp đại học đã gia nhập thị trường việc làm - tăng từ mức 9,09 triệu người hồi năm ngoái. Trong khi đó, tăng trưởng GDP cả năm được dự báo là sẽ khó đạt mục tiêu chính thức khoảng 5,5%.

Nỗi sợ “nằm thẳng”

Theo các nhà kinh tế, triển vọng việc làm cho lao động trẻ sẽ tiếp tục ảm đạm trong thời gian tới.

Qian Lan (21 tuổi) vừa tốt nghiệp một trường cao đẳng ở thành phố Nam Kinh mùa hè này. Trước khi ra trường, cô đã làm việc trong 6 tháng với tư cách là thư ký cho một công ty thu mua đồ nội thất. Cô mất việc vào tháng trước.

“Người Trung Quốc thường nói, khi đang cưỡi lừa thì vẫn nên nhắm sẵn một con ngựa. Tôi là kiểu người như vậy”, Qian cho hay. Ngay cả khi đã vào làm ở công ty nói trên, cô vẫn tiếp tục tìm kiếm một công việc khác tốt hơn, nhưng may mắn chưa mỉm cười.

“Bây giờ rất khó để tìm được một công việc tử tế. Hầu hết doanh nghiệp không còn muốn tuyển người chưa có kinh nghiệm. Còn các công ty vẫn tuyển sinh viên mới ra trường thì bằng cử nhân dường như là yêu cầu tối thiểu. Bằng cấp của tôi không có chút cạnh tranh nào”, cô kể.

Qian cảm thấy an ủi rằng ít nhất cô đã từng tìm được một công việc. Kể từ sau khi mất việc, cô đã gửi khoảng 100 CV nhưng chưa nhận được phản hồi từ công ty nào cả.

“Mỗi đêm mất ngủ, tôi lại nhìn lên trần nhà và suy nghẫm về bản thân. Có phải tôi không may mắn? Ba năm đại học của tôi bị che mờ bởi COVID. Và COVID cũng đã phá hỏng công ăn việc làm của tôi”, Qian tự hỏi.

Cô gái trẻ tự nhủ rằng một ngày nào đó mình sẽ tìm được việc làm. “Tôi không hoàn toàn tuyệt vọng, đúng không?”, Qian suy nghĩ.

 

Zhao Xiaoshan - một công nhân nhập cư đến từ tỉnh Hà Nam, cho rằng cậu con trai 18 tuổi của mình đã hoàn toàn vô vọng. Sau 20 năm làm lụng ở Bắc Kinh, Zhao cũng có chút vốn liếng. Năm ngoái, ông đón cậu con trai lên thành phố sau khi mua một căn hộ nhỏ ở ngoại ô Bắc Kinh.

“Tôi nghĩ thằng bé nên có một công việc. Nó không quan tâm đến nghề trang trí nhà cửa như tôi. Vì vậy, tôi đã sắp xếp cho nó vào làm trong một tiệm làm tóc”, ông Zhao kể.

Hai tháng sau khi con trai Zhao bắt đầu học việc, cửa tiệm này phải ngừng hoạt động khi Bắc Kinh thắt chặt các biện pháp chống dịch vào tháng 5. Một tháng sau, các hạn chế đã được gỡ bỏ nhưng vì thiếu tiền mà chủ tiệm đã quyết định đóng cửa luôn.

“Con trai tôi nghĩ làm tóc thật tẻ nhạt và từ chối thử thêm một công việc khác”, Zhao cho hay. “Bây giờ, nó dành phần lớn thời gian nằm trên giường chơi điện tử, giống như khi chúng tôi đang bị phong toả. Nó ít khi nói chuyện và thường phớt lờ tôi, trừ khi nó cần điều gì đó từ cha mình”.

“Tôi rất sợ thằng bé sẽ ‘nằm thẳng’ mãi mãi”, ông bày tỏ.

Nằm thẳng (tang ping) là một hiện tượng mới xuất hiện tại Trung Quốc, người trẻ chỉ lao động ở mức tối thiểu, đủ để sống qua ngày.

Đối diện với tâm lý bi quan ngày càng nghiêm trọng của giới trẻ, Chủ tịch Tập Cận Bình đã lên tiếng phản đối phong trào nằm thẳng và cam kết sẽ tạo ra một môi trường công bằng hơn để mọi người cùng tham gia đóng góp cho xã hội.

Bắc Kinh rất coi trọng vấn đề việc làm, vì nó có ý nghĩa trọng yếu đối với sự ổn định của xã hội. Họ hứa hẹn sẽ tạo ra hơn 11 triệu việc làm ở thành thị trường năm nay và giữ tỷ lệ thất nghiệp tại thành thị dưới mức 5,5%. Theo NBS, tỷ lệ này vào cuối tháng trước đã là 5,4%.

Chính phủ cũng cố gắng khuyến khích sinh viên mới ra trường khởi nghiệp cũng như kêu gọi doanh nghiệp nhà nước tuyển dụng thêm sinh viên trẻ.

Theo nhà kinh tế Lu Feng của Đại học Bắc Kinh, để giải quyết vấn đề thất nghiệp ở người trẻ, Trung Quốc cũng có thể giới thiệu các chương trình làm việc ngắn hạn do chính phủ tài trợ và trợ cấp cho các doanh nghiệp cung cấp cơ hội thực tập cho sinh viên.

Ngoài ra, ông còn khuyến nghị Bắc Kinh nên điều chỉnh chính sách Zero COVID. “Ngay cả khi chúng ta tuân theo các nguyên tắc cơ bản của Zero COVID, việc cải thiện một phận hoặc toàn bộ các biện pháp kiểm dịch có thể giúp giảm tác động lên nền kinh tế cũng như tạo dư âm tích cực lên thị trường việc làm”, ông Lu nhấn mạnh. 

Khả Nhân

Vì sao số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao trong khi các chỉ số vĩ mô tích cực?
Trong năm 2024, dù hầu hết chỉ số kinh tế vĩ mô đều tích cực nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng cao. Điều này cho thấy, tính bền vững trong phục hồi của doanh nghiệp vẫn còn yếu và cần có dư địa chính sách hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi này.