|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thất nghiệp trong giới trẻ đe dọa sự phát triển của Trung Quốc

14:56 | 27/07/2022
Chia sẻ
Thế hệ được giáo dục tốt nhất trong lịch sử Trung Quốc đáng lẽ phải mở ra một nền kinh tế đổi mới và tiên tiến. Nhưng thay vào đó, 15 triệu người trẻ lại đang đang thất nghiệp, trong khi số khác đã đánh mất tham vọng.

Theo Bloomberg, một loạt những yếu tố đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm người có độ tuổi từ 16 đến 24 tại thành thị của Trung Quốc lên 19,3%, gấp đôi so với Mỹ.

Trung Quốc có tỷ lệ thất nghiệp của người trẻ tuổi cao gần gấp đôi so với đa số các quốc gia phát triển.

Chính sách COVID hà khắc dẫn đến nhiều vụ sa thải, trong khi chính sách thắt chặt kiểm soát đối với lĩnh vực bất động sản và giáo dục đã ảnh hưởng tới khu vực tư nhân. Đồng thời, 12 triệu sinh viên đại học và trường nghề bắt đầu gia nhập thị trường lao động trong mùa hè này.

Thực tế công việc không như kỳ vọng đã khiến ngày càng nhiều người trẻ Trung Quốc mất hy vọng vào khu vực tư nhân và chấp nhận thu nhập thấp hơn trong nhà nước. Nếu xu hướng này tiếp diễn, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể bị ảnh hưởng.

Tỷ lệ thất nghiệp cao

Tổng số lượng người không có việc làm dưới 25 tuổi tương đương với sự sụt giảm khoảng 2 - 3 % lực lượng lao động của Trung Quốc. Ít lao động hơn đồng nghĩa với GDP sẽ thấp hơn.

Thiếu lao động và thất nghiệp cũng tiếp tục ảnh hưởng tới tiền lương trong nhiều năm. Một nghiên cứu vào năm 2020 cho thấy những người thất nghiệp trong vòng 5 năm trước sẽ giảm khoảng 3,5% thu nhập.

Ngày càng nhiều người trẻ lựa chọn làm việc trong nhà nước, tức là sẽ có ít nhân tài tham gia vào lĩnh vực tư và thúc đẩy sự đổi mới.

“Sự thay đổi trong cấu trúc của nền kinh tế Trung Quốc hiện nay cần nhiều người trẻ trở thành doanh nhân và phấn đấu”, ông Zeng Xiangquan, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Việc làm Trung Quốc cho biết.

Số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học tại Trung Quốc đã tăng hơn 10 lần trong 22 năm qua.

Năm ngoái, theo dữ liệu của công ty tuyển dụng 51job Inc, 39% cử nhân tốt nghiệp liệt kê doanh nghiệp nhà nước là lựa chọn hàng đầu. Con số này tăng từ mức 25% của năm 2017. Đồng thời, 28% sinh viên mới tốt nghiệp mong muốn trở thành công chức, viên chức.

Phản ứng của những cử nhân mới tốt nghiệp là hợp lý trong một thị trường lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID. Mặc dù tất cả đều bị chịu tác động của các biện pháp phong tỏa, doanh nghiệp tư nhân dễ sa thải nhân viên hơn.

Trong chuyến thăm tới một đại học tại tỉnh Tứ Xuyên, Chủ tịch Tập Cận Bình đã khuyên sinh viên hãy “tránh trường hợp không đủ trình độ cho một vị trí cao nhưng lại từ chối một vị trí thấp”. Ông Tập nói thêm “giàu có và thành đạt nhanh chóng là không thực tế”.

Và thông điệp này có vẻ đã được lắng nghe. Kỳ vọng về mức lương khởi điểm của sinh viên mới tốt nghiệp giảm hơn 6% so với năm ngoái, xuống chỉ còn 6.295 nhân dân tệ (khoảng 22 triệu đồng) mỗi tháng.

"Nằm bẹp" thành "mặc kệ đời"

Cụm từ “tang ping” hay “nằm bẹp” xuất hiện trên internet Trung Quốc vào năm ngoái, kêu gọi từ bỏ tranh đấu và làm những điều tối thiểu để sống qua ngày. Trào lưu này phản ánh mong muốn cân bằng giữa công việc và cuộc sống của người trẻ tuổi.

Khi tình trạng thất nghiệp tiếp tục trở nên tồi tệ, nhiều người đã áp dụng theo một câu nói còn đáng ngại hơn: “bailan” hoặc “từ bỏ”, "mặc kệ đời". Người trẻ Trung Quốc đang tìm đến "bailan" như một liều thuốc tinh thần, giúp bản thân cảm thấy tốt hơn sau thất bại.

Một hội chợ việc làm tại tỉnh Hồ Bắc. (Ảnh: CFOTO/Future Publishing/Getty Images).

Mặc dù các công ty nhà nước (SOE) của Trung Quốc không hẳn là kém hiệu quả, nhưng nhìn chung, vẫn không thể nào so sánh với doanh nghiệp tư nhân.

Sự bùng nổ kinh tế của Trung Quốc diễn ra đồng thời với việc tỷ lệ việc làm của doanh nghiệp nhà nước tại thành thị giảm từ 40% năm 1996 xuống dưới 10% trước đại dịch. Xu hướng này giờ đây có thể đi ngược lại.

Năm ngoái, Bắc Kinh đã phát động chiến dịch thắt chặt kiểm soát nhắm vào các lĩnh vực như công nghệ thông tin, bất động sản, giáo dục, vốn trước đây thu hút những người trẻ đầy tham vọng.

Các công ty Internet bị phạt vì hành vi độc quyền, doanh nghiệp bất động sản bị siết tài chính và lĩnh vực dạy thêm gần như đóng cửa hoàn toàn. Báo cáo gửi cơ quan quản lý cho thấy 5 công ty giáo dục niêm yết hàng đầu của Trung Quốc đã giảm 135.000 nhân sự trong năm ngoái. 

Cùng với sự di chuyển của nhân tài đến các công ty nhà nước, một cơ chế khác có thể gây tổn hại đến tăng trưởng dài hạn. Các nghiên cứu từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đã chỉ ra rằng những người trẻ tuổi thất nghiệp khi bắt đầu sự nghiệp càng lâu thì thu nhập dài hạn càng giảm, một hiệu ứng được gọi là “vết sẹo”.

Thiếu việc làm

Theo ông Lu Feng, nhà kinh tế lao động tại Đại học Bắc Kinh, khu vực nhà nước đã sử dụng khoảng 80 triệu lao động và có thể tăng thêm 2 triệu người trong năm nay. Ông nói: “Nhưng so với tổng nhu cầu về việc làm, con số này vẫn còn rất nhỏ. Các công ty tư nhân cần tuyển dụng thêm để bù đắp".

Tất nhiên, tăng cường tuyển dụng sẽ chỉ xảy ra nếu nền kinh tế phát triển. Để đáp ứng mục tiêu việc làm, các nhà kinh tế cho rằng GDP Trung Quốc cần tăng tăng từ 3% đến 5% trong năm nay.

Bà Chang Shu, nhà kinh tế châu Á của Bloomberg Economics, cho biết: “Thiếu sự thông tin rõ ràng về chính sách Zero COVID khiến các công ty cảnh giác với việc tuyển dụng.”

Bắc Kinh đã đưa ra một chương trình hỗ trợ việc làm tương tự như châu Âu trong thời đại dịch, giảm thuế và hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp hứa giữ chân người lao động. Nhưng số tiền lại rất nhỏ: Khuyến khích thuê một công nhân mới chỉ là 1.500 nhân dân tệ. Trợ cấp của tỉnh cho sinh viên tốt nghiệp bắt đầu kinh doanh cũng rất thấp: chỉ 10.000 nhân dân tệ ở vùng Quảng Đông giàu có.

Ngày càng nhiều lao động lựa chọn công việc công chức trong những năm gần đây.

Thiếu cả lao động

Ngay cả khi Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa cuối năm, vấn đề thất nghiệp ở thanh niên sẽ vẫn tồn tại. Tỷ lệ này đã tăng kể từ năm 2017 và đạt 12% trước đại dịch. 

Các nhà kinh tế chỉ ra hai yếu tố: đô thị hóa và sự không phù hợp giữa hệ thống giáo dục và nhu cầu của người sử dụng lao động.

Hàng trăm triệu người di cư đến thành phố đã từng trở về quê trong thời kỳ thị trường lao động khó khăn, giúp giảm nhẹ cú sốc kinh tế. Giờ đây, những người trẻ tuổi ngày càng cố gắng bám trụ khi bị mất việc làm, đẩy tỷ lệ thất nghiệp thành thị lên cao.

“Nhiều người thậm chí không lớn lên ở các vùng nông thôn. Vì vậy, họ coi mình như những người thành thị”, bà Lu của Đại học Bắc Kinh nói.

Thứ hai, số lượng sinh viên tốt nghiệp hàng năm ở Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần trong hai thập kỷ qua. Tỷ lệ thanh niên Trung Quốc theo học đại học hiện nay là gần 60%, tương đương với các nước phát triển.

Tuy nhiên, số sinh viên tốt nghiệp trường nghề thấp hơn nhiều so với những người nhận được bằng đại học. Những người được giáo dục tốt đang từ chối công việc công nhân trong nhà máy.

Trong khi đó, những lĩnh vực khác lại có quá nhiều người trẻ muốn tham gia. Theo một khảo sát vào năm 2021 của trang web việc làm Zhilian trên 20.000 người, 43% muốn làm việc trong ngành công nghệ thông tin, trong khi lĩnh vực này chỉ chiếm 16% số thông báo tuyển dụng. Một nửa người tìm việc có bằng cử nhân, nhưng chỉ 20% công việc yêu cầu đến trình độ này.

Trong dài hạn, sự can thiệp của chính phủ có thể khiến khu vực tư nhân tiếp tục tuyển dụng, trong khi cải cách giáo dục và các tác nhân thị trường có thể xoa dịu tình trạng mất cân đối về lao động.

Trung Quốc đang nới lỏng quản lý và luật giáo dục nghề nghiệp được thông qua trong năm nay nhằm nâng cao tiêu chuẩn. Nhà kinh tế học Wang Zhe, tại Caixin Insight, cho biết những chuyên ngành thu hút mức lương cao hơn vào năm 2020 đã trở nên phổ biến hơn vào năm 2021.

Khi các định hướng học tập của sinh viên thích ứng với nhu cầu trên thị trường lao động, sự mất cân đối sẽ giảm bớt. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp từ 9 trường đại học hàng đầu của Trung Quốc tham gia vào khu vực tư nhân đã giảm đáng kể từ đại dịch, theo nghiên cứu từ Đại học Lĩnh Nam.

Dường như có những thay đổi về hệ tư tưởng đang diễn ra. Một số sinh viên tốt nghiệp tại các trường đại học hàng đầu đang áp dụng “phong cách cán bộ”. Trên các diễn đàn trực tuyến, những cử nhân này đang tìm kiếm nơi mua chiếc áo gió mà Chủ tịch Tập ưa thích.

Minh Quang