|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Reuters: Trung Quốc chuẩn bị quỹ 44 tỷ USD để giải cứu bất động sản

17:26 | 25/07/2022
Chia sẻ
Nguồn tin của Reuters cho biết Trung Quốc sẽ cho ra mắt một quỹ bất động sản để giúp các tập đoàn địa ốc vượt qua cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng hiện nay. Quy mô của quỹ có thể lên tới 300 tỷ nhân dân tệ, tương đương 44 tỷ USD.

Tòa nhà Evergrande cùng nhiều tòa nhà khác tại Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 21/9/2021. (Ảnh: ).

Việc thành lập quỹ cứu trợ bất động sản trị giá 44 tỷ USD sẽ đánh dấu bước đi lớn đầu tiên của chính phủ Trung Quốc nhằm giải tỏa bớt áp lực cho thị trường địa ốc kể từ khi tập đoàn Evergrande lao đao vào vào năm ngoái.

Nguồn tin của Reuters cho biết quy mô ban đầu của quỹ giải cứu là 80 tỷ nhân dân tệ (11,7 tỷ USD), trong đó Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc thuộc sở hữu của chính phủ sẽ góp 50 tỷ nhân dân tệ.

Nếu mô hình của quỹ tỏ ra có hiệu quả, các ngân hàng khác cũng sẽ hùn vốn và nâng quy mô của quỹ lên 200 – 300 tỷ nhân dân tệ (29 – 44 tỷ USD).

Bất động sản là một trong những trụ cột chính của nền kinh tế Trung Quốc. Goldman Sachs ước tính ngành bất động sản có thể đang đóng góp tới 30% GDP của Trung Quốc nếu tính cả giá trị mua bán nhà trực tiếp lẫn các ngành phụ trợ như vật liệu xây dựng, nội thất, …

Truyền thông nhà nước ước tính khoảng 70% tài sản tài chính của người dân Trung Quốc nằm trong nhà đất. Nhiều gia đình mua tới vài căn nhà để chuẩn bị cho con cái ra ở riêng cũng như đầu tư.

Tuy nhiên trong khoảng hai năm qua, chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình đã áp dụng chính sách “ba lằn ranh đỏ” để thắt chặt điều kiện cấp tín dụng cho doanh nghiệp địa ốc, đẩy toàn ngành vào các cuộc khủng hoảng liên tiếp. Nhiều tập đoàn đã không thể trả nợ trái phiếu đến hạn.

Nhiều người dân Trung Quốc vay tiền ngân hàng rồi chuyển cho các tập đoàn bất động sản để xây dựng dự án, với hy vọng nhận được nhà ở trong tương lai. 

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các nhà phát triển không thể hoàn thành và bàn giao nhà. Người ua tức giận và quyết định không trả nợ ngân hàng, gây nên “cuộc tẩy chay nợ thế chấp ” đang làm đau đầu chính quyền.

Một số nhà phân tích cho rằng một quỹ giải cứu sẽ chỉ là một phần của giải pháp.

Reuters dẫn lời ông Larry Hu, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại tập đoàn tài chính Macquarie, nhận định: “Chúng ta vẫn chưa biết chi tiết cụ thể về quỹ này. Nếu quy mô chỉ có 80 tỷ nhân dân tệ thì sẽ không đủ để giải quyết vấn đề. Tôi tin rằng quỹ này là một phần của một gói giải cứu lớn hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ và vay thế chấp hiện nay”.

Quỹ sắp thành lập có thể được dùng để tài trợ cho việc mua lại các dự án đang dang dở rồi hoàn thiện để cho các cá nhân thuê.

Động thái này sẽ thể hiện mức độ quan tâm của chính quyền trung ương đối với việc cung cấp nhà ở hợp túi tiền cho người trẻ trong bối cảnh nhiều chính quyền địa phương không muốn xây nhà cho thuê vì tiền thu được từ bán đất là nguồn thanh khoản quan trọng.

Tập đoàn Bất động sản Trịnh Châu (Zhengzhou Real Estate) do chính quyền tỉnh Hà Nam hậu thuẫn dự định dùng 20 tỷ nhân dân tệ để mua lại 50.000 căn nhà và cho thuê.

Thị trường chứng khoán phản ứng tích cực

Các quan chức đang phải chạy ngược chạy xuôi để xử lý vấn đề, lấy lại lòng tin của người dân và không để cuộc khủng hoảng nhà đất lan ra các ngành khác.

Ông Raymond Cheng, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Trung Quốc tại công ty chứng khoán CGS-CIMB Securities, nhận xét: “Nếu quỹ này có thể đi vào hoạt động trong tương lai gần, nó sẽ giúp nhiều nhà phát triển bất động sản không vỡ nợ, đồng thời cải thiện tâm lý thị trường cũng như doanh số bán hàng”.

Chỉ số ngành bất động sản Hang Seng Mainland Properties Index của sàn chứng khoán Hong Kong tăng 3,2% trong phiên đầu tuần 25/7. Chỉ số CSI 300 Real Estate Index của thị trường đại lục cũng thêm gần 1,9% sau khi thông tin về quỹ giải cứu 44 tỷ USD được đăng tải.

Theo hãng tin REDD, quỹ này sẽ trợ giúp hàng chục tập đoàn bất động sản, bao gồm đại gia nặng nợ Evergrande.

Cơ quan quản lý và chính quyền địa phương sẽ chọn các doanh nghiệp đủ điều kiện để được quỹ hỗ trợ. Quỹ có thể sẽ mua các sản phẩm tài chính do doanh nghiệp địa ốc phát hành hoặc tài trợ cho các tổ chức nhà nước mua lại các dự án dở dang.

Đức Quyền

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.