Trung Quốc dùng ‘cây gậy và củ cà rốt’ để dẹp làn sóng tẩy chay nợ vay thế chấp
Nhiều người dân Trung Quốc vay tiền ngân hàng rồi chuyển cho các tập đoàn bất động sản để xây dựng dự án, với hy vọng nhận được nhà ở trong tương lai. Hiện nay các tập đoàn này đang gặp khó khăn về tài chính, không thể hoàn thành và bàn giao nhà. Người mua nhà tức giận và quyết định không trả nợ ngân hàng.
Nhượng bộ
Chủ tịch Tập Cận Bình đang vận dụng chiến lược quen thuộc để đối phó với một kiểu phản kháng bất thường trong xã hội Trung Quốc: Hàng chục nghìn người mua nhà từ chối trả nợ vay thế chấp.
Tờ Bloomberg cho biết trong vài ngày qua, giới chức Trung Quốc đã hành động nhanh chóng để dập tắt làn sóng bất bình của công chúng, kiểm duyệt các tài liệu theo dõi số lượng các cuộc “tẩy chay thế chấp” trên mạng. Con số cuối cùng được ghi nhận ngày 22/7 là 319 cuộc.
Mặt khác, chính quyền của ông Tập đã kêu gọi chính quyền địa phương và tổ chức tài chính tìm cách để hoàn thành các dự án nhà ở dở dang.
Ông Tang Wenfang, Giáo sư tại Đại học Trung Quốc Hong Kong Thâm Quyến bình luận: “Sau nhiều năm, chính phủ Trung Quốc đã có kinh nghiệm với việc đối phó với kiểu bất mãn công khai như thế này. Họ thường có chiến lược để giảm nguy cơ leo thang sự bất bình của công chúng”.
Chính phủ Trung Quốc đã quen với việc đương đầu với tình trạng bất ổn xã hội, đặc biệt là trong các giai đoạn phong tỏa dài vì COVID-19. Nhưng cả chiến lược và quy mô của làn sóng tẩy chay nợ vay gần đây đều khá bất thường với Trung Quốc, nơi mà sự phản kháng thường bị giới hạn ở một thành phố hay quận.
Ông Tập, người đặt “thịnh vượng chung” làm trọng tâm của chiến dịch siết chặt thị trường bất động sản, có vẻ sẵn lòng nhượng bộ lớn để xoa dịu nỗi đau của người dân thường bị cuốn vào khủng hoảng. Theo Bloomberg, các nhà quản lý đang cân nhắc đề xuất cho phép người mua các dự án bị đình trệ tạm thời ngừng thanh toán nợ vay thế chấp mà không bị phạt.
Sự chú ý hiện đã chuyển sang các tỉnh ở trung tâm Trung Quốc, nơi diễn ra phần lớn các cuộc tẩy chay. Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, là một trong những nơi có nhiều trường hợp từ chối trả nợ vay thế chấp nhất. Thành phố đang thành lập quỹ giải cứu do nhà nước hỗ trợ nhằm giúp các nhà phát triển bất động sản hoàn tất dự án nhà ở.
Rủi ro của việc nhượng bộ
Việc nhượng bộ trước người mua nhà, đặc biệt là bằng việc ân hạn trả nợ, là chiến lược rủi ro có thể khuyến khích những người khác bắt chước.
Ông Chang Wei Liang, chuyên gia vĩ mô tại DBS Bank nhận xét: “Ân hạn trả nợ gốc lẫn lãi chỉ là giải pháp tạm thời, và có thể gửi đi thông điệp sai lầm tới đa số những người mua nhà đang nghiêm túc trả nợ. Giải pháp này thậm chí có thể kích hoạt các làn sóng tẩy chay trả nợ khác bởi những nhà cung cấp và nhà thầu trong ngành bất động sản”.
Ông Francis Chan, nhà phân tích của Bloomberg Intelligence, cũng đồng tình rằng việc cho phép hoãn trả nợ sẽ càng khuyến khích thêm nhiều người ngừng trả nợ vay mua nhà: “Một khi đã bắt đầu ngừng trả tiền, có thể những người này sẽ lựa chọn cách bùng nợ”.
Cho tới nay, sự giận dữ của công chúng hướng vào các nhà phát triển bất động sản vì không bàn giao nhà đã được trả tiền trước. Ngân hàng cũng bị chỉ trích vì không bảo vệ các khoản vay này. Hành động phản kháng kiểu này ít đe dọa hơn là thách thức trực tiếp chính quyền trung ương, tạo điều kiện để giới lãnh đạo quốc gia tìm giải pháp bằng cách gây sức ép với quan chức địa phương hoặc điều chỉnh chính sách.
- TIN LIÊN QUAN
-
Dân Trung Quốc giam tiền vào 65 triệu căn nhà hoang, nền kinh tế lấy gì để tăng tốc? 14/11/2021 - 08:33
Bất mãn vì vấn đề liên quan đến bất động sản không phải điều hiếm thấy ở Trung Quốc. Theo một nguồn thống kê, bất động sản là nguyên nhân dẫn tới 1/5 các cuộc biểu tình ở Trung Quốc trong những năm gần đây. Tuy nhiên, thời điểm của làn sóng tẩy chay lần này đặc biệt rắc rối vì diễn ra sau nhiều tháng công chúng bất mãn vì các cuộc phong tỏa hà khắc.
Giáo sư Tang cho biết giới chức trung Quốc đang theo dõi chặt chẽ xem liệu làn sóng tẩy chay hiện nay có thu hút truyền thông quốc tế hay không. Các quan chức cũng lo ngại sự kiện này sẽ “châm ngòi” cho phản ứng dây chuyền ở những lĩnh vực khác.
Ông Tang nói cụ thể hơn: “Làn sóng hiện nay có thể lan sang những khu vực khác của nền kinh tế, ví dụ như người thất nghiệp, người phải đóng cửa hàng, người không hài lòng với chính sách chống COVID-19. Nếu điều này xảy ra, rắc rối đối với chính phủ Trung Quốc sẽ còn lớn hơn nhiều”.