|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Giới nhà giàu với 48 tỷ USD gia sản muốn rời Trung Quốc, nhưng đường ra có dễ?

16:58 | 19/07/2022
Chia sẻ
Khoảng 10.000 người giàu Trung Quốc đang tìm cách di cư sang nước khác sau hàng loạt đợt phong tỏa chống dịch hà khắc. Câu hỏi đặt ra là liệu họ có đi được hay không.

Người mặc áo bảo hộ giao đồ ăn cho người dân tại một khu phố bị phong tỏa ở Thượng Hải vào tháng 5. (Ảnh: Bloomberg). 

Ông chủ dứt áo ra đi vì "giàu nhưng suýt chết đói"

Ông Harry Hu, chủ nhà hàng ở Thượng Hải đang tính làm điều mà ông từng coi là không tưởng: Rời khỏi Trung Quốc và đem của cải đi.

Công ty tư vấn nhập cư đầu tư Henley & Partners ước tính khoảng 10.000 cá nhân có tài sản ròng cao đang tìm cách đưa tổng cộng khoảng 48 tỷ USD ra khỏi Trung Quốc trong năm nay. Đây là dòng chảy tiền bạc và nhân lực lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Nga.

Cũng như ông Hu, những cá nhân giàu có này bị chấn động bởi cuộc phong tỏa hỗn loạn ở Thượng Hải dưới chính sách “Zero COVID”. Giờ đây, câu hỏi lớn là liệu chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình có để mặc họ thoải mái rời đi hay không.

Các nhà lập pháp Trung Quốc chưa thắt chặt hạn chế di cư một cách rõ ràng. Tuy nhiên, giới luật sư nhập cư cho biết việc rời đi đã trở nên khó khăn hơn trong những tháng gần đây, với thời gian xử lý hộ chiếu kéo dài hơn và yêu cầu giấy tờ phiền hà hơn trước.

Nhiều đối tác nước ngoài thường giúp đỡ cư dân Trung Quốc tránh né luật lệ kiểm soát thông qua các thỏa thuận hoán đổi tư nhân cũng đã rời đi. Điều này khiến việc chuyển một lượng lớn tiền ra khỏi Trung Quốc trở nên khó khăn hơn.

Thiệt hại kinh tế dài hạn do chính sách Zero COVID gây ra với Trung Quốc sẽ được xác định bởi phạm vi của làn sóng di cư nhân tài và của cải.

(Đơn vị: người)

Ông Nick Thomas, Giáo sư tại Đại học Thành phố Hong Kong đánh giá: “Sự ra đi của con người và vốn chắc chắn là tổn thất đối với nền kinh tế Trung Quốc”. Ông chỉ ra rằng trong hầu hết các nước trên thế giới, “rủi ro từ COVID-19 đang được thêm vào các kế hoạch kinh tế và mô hình doanh nghiệp”.

Mặc cho các rào cản, ông Hu vẫn quyết tâm chuyển đến Canada. Gần đây vị doanh nhân 46 tuổi này đã nhượng lại phần vốn góp trong hai nhà hàng Thượng Hải cao cấp để lấy 20 triệu nhân dân tệ (3 triệu USD), thuê luật sư nhập cư và nhà quản lý tài sản để giúp ông chuyển đi. Ông nhấn mạnh: “Bạn có thể tưởng tượng rằng tôi từng suýt chết đói ở thành phố phát triển nhất Trung Quốc trong giai đoạn đầu phong tỏa không? Tôi rất buồn, nhưng đã đến lúc phải đi”.

Các cố vấn và luật sư nhập cư ở Trung Quốc cho biết các yêu cầu trợ giúp đã tăng từ ba đến 5 lần trong mùa xuân – khi Thượng Hải bị phong tỏa – so với một năm trước. Số người tìm hiểu về cách chuyển tiền ra khỏi đất nước đã tăng lên theo cấp số nhân, theo phỏng vấn của Bloomberg với các nhân viên ngân hàng giấu tên.

Giới siêu giàu đi trước một bước?

Gần đây tỷ phú Huang Yimeng, Chủ tịch kiêm CEO công ty game XD có trụ sở ở Thượng Hải  đã quyết định chuyển gia đình rời khỏi Trung Quốc. Lưu ý ông Yimeng gửi tới nhân viên thông báo ý định trên trở thành chủ đề nóng trên mạng xã hội. XD nói với truyền thông Trung Quốc rằng ông Huang có lý do gia đình và vị tỷ phú này cũng không nhắc trực tiếp đến cuộc phong tỏa ở Thượng Hải. Nhưng thông báo này vẫn làm nổi lên những cuộc bàn luận về mong muốn di cư sang nước ngoài.

Những địa điểm được ưa thích bao gồm Mỹ, Singapore, Australia, Canada và một số nước châu Âu. Tại Singapore, số lượng văn phòng gia đình đã tăng gần gấp đôi vào cuối năm 2021 so với một năm trước, theo Cơ quan Tiền tệ Singapore. Nhu cầu tăng đặc biệt nhanh trong nhóm các gia đình doanh nhân Trung Quốc, cho thấy giới siêu giàu đã chuẩn bị sẵn động thái ra nước ngoài.

Nhưng cô Jennifer Sue, thành viên nghiên cứu tại Viện Lowy, cho biết “có rất nhiều rào cản thể chế” đối với việc rời khỏi Trung Quốc. Cô nói rõ hơn: “Bạn đối mặt với rất nhiều rào cản – không chỉ từ phía Trung Quốc, mà còn cả nước muốn nhập cư tới”. Chỉ riêng việc chuẩn bị đủ giấy tờ để rời Trung Quốc cũng đã khó khăn hơn nhiều trong những ngày gần đây.

Chính phủ Trung Quốc đã can ngăn các chuyến đi không thiết yếu kể từ cuối năm 2020, lấy lý do COVID-19. Hồi tháng 5, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Trung Quốc cho biết sẽ giới hạn nghiêm ngặt các chuyến ra nước ngoài không thiết yếu của công dân và thắt chặt việc xét duyệt các giấy tờ xuất nhập cảnh.

Một nhân viên ngân hàng giấu tên cho biết một khách hàng từ Thượng Hải gần đây đã cố gắng xin visa cho con sang Singapore du học nhưng bị cơ quan chính quyền địa phương từ chối.

Những người muốn di cư cũng cần phải khôn khéo hơn troog việc chuyển tiền ra Trung Quốc. Công dân chỉ được phép chuyển lượng nhân dân tệ trị giá 50.000 USD sang ngoại tệ mỗi năm.

Một năm trước, các lựa chọn khả thi bao gồm dùng tiền mã hóa hoặc thực hiện thỏa thuận riêng với đối tác ở nước ngoài muốn chuyển nhân dân tệ vào Trung Quốc. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây Bắc Kinh đã cấm hầu hết các giao dịch liên quan tới tiền mã hóa bao gồm khai thác, trao đổi và giao dịch tiền ảo.

Trong khi đó các thỏa thuận hoán đổi trở nên khó thực hiện hơn trước bởi ngày càng ít người muốn chuyển tiền vào Trung Quốc, nguồn tin của Bloomberg cho hay.

Gần đây Trung Quốc đã giảm thời gian cách ly ở khách sạn với khách quốc tế xuống còn 7 ngày. Động thái này làm dấy lên hy vọng rằng Trung Quốc có thể sẽ nới lỏng chính sách phòng COVID-19 hơn nữa. Tuy nhiên, sự bất tiện và không chắc chắn xung quanh cách tiếp cận của Trung Quốc vẫn làm đảo lộn cuộc sống thường ngày.

Tháng trước, ông Tập lặp lại sự ủng hộ dành cho Zero COVID trong bài phát biểu ở Vũ Hán. Ông khẳng định đây là chiến lược “kinh tế nhất và hiệu quả nhất” với Trung Quốc.

Nhiều cư dân vẫn sợ rằng Thượng Hải có thể bị phong tỏa lần nữa trong bối cảnh số ca nhiễm gia tăng trở lại và lệnh xét nghiệm hàng loạt đã được ban bố. Lệnh phong tỏa vẫn đang được áp dụng lên các thành phố khác.

Giang

Vì sao số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao trong khi các chỉ số vĩ mô tích cực?
Trong năm 2024, dù hầu hết chỉ số kinh tế vĩ mô đều tích cực nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng cao. Điều này cho thấy, tính bền vững trong phục hồi của doanh nghiệp vẫn còn yếu và cần có dư địa chính sách hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi này.