|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Công xưởng thế giới thiếu lao động: Người trẻ Trung Quốc thà làm tài xế giao hàng chứ không chịu vào nhà máy

10:36 | 22/04/2022
Chia sẻ
Người lao động trẻ Trung Quốc đang từ chối các công việc trả lương thấp trong nhà máy vì có nhiều lựa chọn tốt hơn. Mặc dù tự động hóa có thể giải quyết thiếu hụt lao động tay nghề thấp, Trung Quốc còn gặp phải vấn đề trong thu hút kỹ sư lành nghề và nhân tài.

Thà làm tài xế giao hàng

Theo SCMP, lao động nhập cư trẻ của Trung Quốc đang từ chối công việc tại nhà máy. Thay vào đó, nhiều người lựa chọn trở thành tài xế giao hàng bởi lương cao và thời gian thoải mái hơn

Anh Liao Yong, một tài xế giao hàng tại Bắc Kinh nói: “Thực tập tại nhà máy sẽ chẳng dạy cho bạn điều gì”. Anh Liao có thể dễ dàng kiếm được 15.000 nhân dân tệ (2.350 USD) mỗi tháng nhờ công việc của mình, gấp đôi tiền lương ít ỏi của công nhân nhà máy.

“Ở nhà máy, bạn làm đi làm lại một việc trong 7 đến 8 tiếng một ngày. Chẳng có chỗ để nâng cao kỹ năng và phát triển. Nhưng giao hàng thì vui hơn, tôi có thể thấy nhiều thứ mới lạ và gặp nhiều người”.

Tài xế của hãng giao đồ ăn Meituan. (Ảnh: Meituan).

Với nhiều lao động nhập cư trẻ của Trung Quốc, công việc ở nhà máy mà cha mẹ họ từng làm để trang trải cuộc sống nông thôn không còn hấp dẫn nữa. Đó là khi chưa tính đến những cơ hội mới và sự bùng nổ của dịch vụ giao hàng ở thành thị.

Anh Wang Juncheng, một người giao hàng khác tại Bắc Kinh, nói: “Tôi thoải mái thời gian hơn và có thể kiếm nhiều tiền hơn nếu làm nhiều hơn”.

Theo ông Zhuang Bo, một nhà kinh tế học về Trung Quốc tại công ty đầu tư Loomis, Sayles & Company, thái độ không sẵn sàng làm việc tại nhà máy ngày càng trở nên phổ biến trong các nhóm người nhập cư.

“Với nhiều người lao động trẻ, làm bồi bàn tại nhà hàng còn hấp dẫn hơn là công việc tại nhà máy”, ông nói.

Thiếu cả lao động lành nghề

Tình trạng khan hiếm các kỹ sư lành nghề cũng đang làm tăng áp lực lên các nhà sản xuất. Sự thiếu hụt này đang cản trở nỗ lực đầy tham vọng của Trung Quốc trong việc thúc đẩy lĩnh vực sản xuất thông minh, điều mà Bắc Kinh kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế trong tương lai.

Tới năm 2025, theo Bộ Nhân lực và An sinh xã hội, Trung Quốc sẽ thiếu gần 30 triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất. Trong hai quý cuối cùng của năm 2021, các cuộc khảo sát cho thấy một nửa trong số 100 công việc thiếu lao động trầm trong nhất là công việc sản xuất.

Vào năm ngoái, theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc, khoảng 44% công ty công nghiệp nói rằng tuyển dụng là thách thức lớn nhất.

Ông Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie Group, cho biết mức lương trung bình tăng, cùng với khu vực dịch vụ ngày càng mở rộng đã mang lại cho người lao động nhiều lựa chọn công việc với mức lương tốt hơn.

“Lý do mà Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới và được các nước phát triển chọn làm nơi đặt nhà máy là bởi người trẻ tại những quốc gia phát triển không còn muốn làm công việc lắp ráp với mức lương thấp nữa”, ông Hu nói.

“Hiện tại Trung Quốc cũng đã trở thành một quốc gia phát triển, và việc người trẻ không muốn làm việc trong nhà máy là kết quả của quá trình phát triển kinh tế”.

 

Từ lâu, các chuyên gia đã tranh luận về việc liệu Trung Quốc có nên cải tổ lĩnh vực công nghiệp của mình bằng cách loại bỏ hoặc thuê ngoài những công việc sản xuất cấp thấp hay không. Một số ý kiến cho rằng động thái này sẽ tăng lương cho công nhân và giúp giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động.

Ông Zhuang nói: “Nếu nhà máy có thể cung cấp chất lượng cuộc sống tốt hơn, chẳng hạn như tiền lương cao và nhà ở tốt hơn, thì tình trạng thiếu lao động có thể được giảm thiểu”.

“Thiếu hụt lao động là một vấn đề tương đối. Hiện tại, các nhà máy gặp khó khăn khi chỉ thuê công nhân với mức lương [thấp]”.

“Một số nhà máy cung cấp cho người lao động lâu năm các quyền lợi về nhà ở, giúp [có được] hộ khẩu tại địa phương và cho con cái đi học. Những nhà máy này hoàn toàn không phải lo lắng về vấn đề thiếu lao động”, ông cho biết thêm.

Cải cách giáo dục

Không chỉ thiếu công nhân trên dây chuyền, các nhà sản xuất đang đau đầu vì thiếu hụt công nhân lành nghề, chẳng hạn như kỹ sư, trong lĩnh vực sản xuất thông minh. Dưới sự định hướng của chính phủ, hệ thống giáo dục đại học của Trung Quốc đã không thể ươm mầm và cung cấp những nhân tài mà thị trường đang khao khát.

Vertiv, một nhà cung cấp giải pháp cơ sở hạ tầng kỹ thuật số quan trọng, nằm trong số những công ty đã tăng cường tuyển dụng ở Trung Quốc trong hai năm qua. 

Anh Duan Bixin, quản lý dự án 24 tuổi tại Vertiv nói: “Chúng tôi đang rất cần những người mới”. Anh cho biết thêm rằng các trường đại học chậm tổ chức các chuyên ngành trong các lĩnh vực có nhu cầu thị trường, như năng lượng mới và trung hòa carbon.

Trong lĩnh vực sản xuất thông minh, các công việc như quản trị dữ liệu, kiến trúc phần mềm, kỹ thuật dữ liệu, kỹ thuật thông minh và kỹ thuật robot đang có nhu cầu cao, theo một cuộc khảo sát được công bố năm ngoái bởi China International Intellectech.

Học sinh Trung Quốc đang luyện thi Cao khảo - một trong những kì thi tuyển sinh đại khó nhất trên thế giới. (Ảnh: BBC).

Bà Wang Dan, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Hang Seng Trung Quốc cho biết: “Sự không ăn khớp giữa giáo dục và nhu cầu thị trường đã tồn tại từ lâu và ngày càng rõ nét hơn trong vài năm qua”.

“Sinh viên đang theo học chuyên ngành trong các lĩnh vực đồng nhất, chẳng hạn như kinh tế, tài chính và khoa học máy tính. Một số ít trong số chúng phù hợp trực tiếp với ngành sản xuất”.

“Giáo dục, hay đúng hơn là đào tạo cần thiết cho sự phát triển của sản xuất, đòi hỏi một hệ thống khác. Những người lao động phổ thông có thể đảm nhận công việc ở nhà máy cấp thấp và được đào tạo ngay tại chỗ, nhưng những tài năng cần thiết trong lĩnh vực sản xuất trình độ cao cần phải được đào tạo trong nhiều năm”, bà Wang nói thêm.

Thu hút nhân tài

Bắc Kinh cố gắng giải quyết vấn đề thu hút nhân tài vào năm 2008 bằng cách thiết lập Kế hoạch Ngàn nhân tài. Kế hoạch này do nhà nước hậu thuẫn để thu hút các tài năng nước ngoài và các học giả Trung Quốc ở nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, bằng các khoản tài trợ tiền mặt cho chi phí nghiên cứu và sinh hoạt.

Nhắc tới tầm quan trọng của việc tuyển dụng nhân tài cấp cao từ nước ngoài, bà Wang chỉ ra căng thẳng địa chính trị trong những năm gần đây đã cản trở dòng nhân tài vào Trung Quốc. Bà cũng cho rằng việc ươm mầm tài năng trong nước sẽ là một quá trình tốn thời gian, do kinh phí và nguồn lực hạn chế.

Bất chấp việc Trung Quốc thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp để trang bị cho thanh thiếu niên và thanh niên những kỹ năng tiên tiến, không có nhiều kết quả được mong đợi trong ngắn hạn và nguồn nhân lực có vẻ vẫn cạn trong thời gian này.

Đức là một ví dụ cho Trung Quốc trong việc nâng cao chuỗi giá trị bằng cách phát triển ngành công nghiệp sản xuất tiên tiến và đào tạo công nhân lành nghề.

Chương trình đào tạo và dạy nghề (Dual VET) của Đức. (Ảnh: DW).

Ông Zhuang từ Loomis, Sayles & Company cho biết: “Ở Đức, người lao động được hưởng lợi ích cạnh tranh và đảm bảo việc làm mà không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi chu kỳ kinh tế toàn cầu. Những lợi ích này chủ yếu do các sản phẩm công nghiệp của Đức có giá trị cao”.

“Vì vậy, để giải quyết tình trạng thiếu lao động sản xuất cần đầu tư nhiều cho nghiên cứu và phát triển; tăng lợi nhuận sản xuất; tiền lương và lợi ích của người lao động tốt hơn; cải tiến chương trình đào tạo”.

Minh Quang

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.