|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nếu Mariupol thất thủ, chiến sự Nga - Ukraine xoay chuyển ra sao?

07:06 | 22/04/2022
Chia sẻ
Nếu thành phố cảng Mariupol của Ukraine thất thủ, đó sẽ là cơ hội để Nga có được một chiến thắng để tuyên truyền với công chúng cũng như có cơ hội để che giấu tội ác chiến tranh, theo nhận định của Foreign Policy.

Trước khi Nga động binh, thành phố Mariupol của Ukraine là một cảng thịnh vượng ở khu vực Biển Đen, là nơi sinh sống của gần nửa triệu người.

Bị quân đội Nga bao vây từ đầu tháng 3, Mariupol đã chứng kiến một số cuộc giao tranh gay gắt nhất kể từ khi cuộc chiến bắt đầu. Binh lính Nga vây hãm khắp thành phố, cắt đứt gần như hoàn toàn mọi liên lạc giữa Mariupol với thế giới bên ngoài.

Sau khiều tuần bị pháo kích dữ dội, những binh lính Ukraine cuối cùng đang ẩn náu trong khu phức hợp của nhà máy sắt thép Azovstal. Các quan chức Ukraine ước tính rằng khoảng 100.000 dân thường vẫn bị mắc kẹt trong thành phố.

Chia sẻ với tạp chí Foreign Policy, ông David Beasley, người đứng đầu Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc, còn cảnh báo rằng người dân Mariupol đang dần “chết đói”.

Thông tin cập nhật về chiến sự do Đại sứ quán Ukraine tại Washington công bố đầu tuần này cho biết, hơn 1.000 dân thường, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, vẫn đang trú ẩn dưới tầng hầm của nhà máy thép Azovstal. Nơi đây đã hứng chịu nhiều đợt ném bom và pháo kích nặng nề.

“Đây chính là địa ngục trần gian”, Thiếu tá Serhiy Volyna, Chỉ huy Lữ đoàn 36 thuộc Thủy quân lục chiến Ukraine, bày tỏ trong một lá thứ gửi đến Giáo hoàng Francis. “Tôi có rất ít thời gian để mô tả những điều kinh hoàng mà mình thấy ở Mariupol mỗi ngày. Phụ nữ có con nhỏ đang phải sống trong boong-ke, họ đói và lạnh”.

Quân đội Ukraine đã khước từ một loạt tối hậu thư yêu cầu đầu hàng từ Nga, bất chấp lời cảnh báo từ Moscow rằng bất kỳ lực lượng còn sót lại nào đều “sẽ bị loại bỏ”. Dù Mariupol đã cầm cự lâu hơn so với dự đoán của giới quan sát, nếu thành phố cảng này thất thủ, nó sẽ mang lại cho Moscow chiến thắng lớn đầu tiên.

Lính Nga tuần tra tại một nhà hát khi quân đội nước này tăng cường tấn công vào Mariupol. (Ảnh: Getty Images).

Một chiến thắng tuyên truyền

Chỉ 7 tuần sau khi khai chiến, Nga đã buộc phải thay đổi mạnh mẽ các mục tiêu của mình sau khi những nỗ lực ban đầu nhằm đánh nhanh chiếm gọn thủ đô Kiev của Ukraine bất thành bởi kế hoạch có lỗ hổng và sự kháng cự quyết liệt của Ukraine.

Cho đến nay, các lực lượng của Nga chỉ mới giành được quyền kiểm soát duy nhất một thành phố lớn của Ukraine là Kherson, nơi có dân số gần 300.000 người trước khi chiến sự nổ ra.

Sau khi rút khỏi Kiev, Moscow đang tập trung nỗ lực vào miền đông Ukraine. Trong những ngày gần đây, khu vực này đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể các cuộc tiến đánh của quân Nga, đánh dấu điểm mở màn cho cuộc tấn công mới ở Donbass.

Nếu Mariupol thất thủ trong những ngày tới, Nga sẽ giành được chiến thắng quan trọng đầu tiên trong cuộc chiến, dù lợi bất cập hại.

Một số quan chức phương Tây tin rằng Moscow có thể đang tự đặt áp lực cho mình nhằm đạt được một thành tựu nào đó trước ngày 9/5, thời điểm nước này kỷ niệm ngày kết thúc Thế chiến II.

Trao đổi với Foreign Policy, một quan chức châu Âu giấu tên nhận định: “Putin đang cần kiểm soát thành phố Mariupol càng sớm càng tốt, ngay cuối tháng 4 này, vì ông ta cần một thắng lợi trước ngày 9/5”.

Quả thực, ngày 9/5 là một dấu mốc có ý nghĩa lớn ở Nga, vì Liên Xô đã mất đến 27 triệu người trong Thế chiến II. Ký ức về thời chống phát xít của Hồng quân Liên Xô đã bị bóp méo vì mục đích chính trị trong vài năm gần đây. Khi tấn công Ukraine, Nga đã lấy lý do “phi phát xít hóa” nước láng giềng.

Tương tự nhiều nước châu Âu, Ukraine cũng có tiếp xúc với phe cực hữu, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy nước này đã quy phục. Liên minh các đảng cực hữu chỉ chiếm khoảng 2% trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2019, trong khi đảng do Tổng thống Volodymyr Zelensky (một người gốc Do Thái) lãnh đạo giành được đa số áp đảo.

Tuy nhiên, thâu tóm thành phố Mariupol có thể giúp Moscow khơi lại luận điệu có phần sai lệch của Nga. Tiểu đoàn Azov của Ukraine, vốn được thành lập vào năm 2014 bởi những tình nguyện viên có liên kết mật thiết với phe cực hữu, là một phần không thể thiếu trong công cuộc bảo vệ thành phố cảng.

Theo nhà nghiên cứu chính sách cấp cao Dara Massicot tại Rand Corporation, Nga có thể sẽ “cố gắng nhấn mạnh rằng quyền kiểm soát Mariupol, nơi mà Tiểu đoàn Azov đang hoạt động, là một nỗ lực nhằm phi phát xít hóa Ukraine”.

Cư dân địa phương tập trung gần một khu căn hộ bị hư hại nặng nề ở thành phố cảng Mariupol. (Ảnh: Reuters).

Một chiến thắng chiến thuật

Việc nắm toàn quyền kiểm soát Mariupol sẽ có ý nghĩa sâu sắc đối với nỗ lực gây chiến cũng như các mục tiêu chiến lược rộng lớn hơn của Nga. Thành phố cảng này sẽ tạo cho Nga một chỗ đứng chiến lược trên Biển Azov để từ đó tiến lên phía bắc nhằm liên kết với quân Nga từ Kharkiv đổ bộ xuống.

Nhà khoa học chính trị Samuel Charap của Rand Corporation cho hay: “Quân đội Nga phải vượt qua Mariupol để tiến về phía bắc. Nhờ đó, Moscow có thể liên kết hai trong các trục tấn công chính của mình: từ Crimea và từ Donbass”.

Không lâu trước khi động binh, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố công nhận nền độc lập của hai nhà nước cộng hòa tự xưng ở Donetsk và Luhansk. Lãnh thổ được ông Putin công nhận đã vượt xa phạm vi đất đai do lực lượng ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine chiếm giữ.

Giới phân tích giờ đây tin rằng Moscow muốn thâu tóm luôn toàn khu vực, bao gồm Mariupol - thành phố lớn nhất ở vùng Donetsk và vốn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine trước khi cuộc chiến bắt đầu.

Việc giành quyền kiểm soát toàn bộ khu vực trên sẽ mang lại cho Moscow một con bài mặc cả quan trọng trong các cuộc đàm phán hòa bình, đồng thời còn là một thứ mà Moscow có thể khoe khoang như chiến thắng, dù họ đã phải thu hẹp đáng kể tham vọng ban đầu.

Mariupol cũng cản trở một trong những mục tiêu khác của Nga: tạo ra “cầu nối” trên đất liền giữa Nga và bán đảo Crimea mà Moscow đã sáp nhập bất hợp pháp từ Ukraine năm 2014.

Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho hay: “Chúng tôi tin rằng Nga muốn Mariupol vì một số lý do. Một là giúp họ xây dựng một ‘câu cầu’ trên đất liền, thông suốt từ Donbass đến Crimea”.

 

Nếu Mariupol thất thủ, đó sẽ là một lợi thế cho các lực lượng Nga. Song, nó chưa chắc đóng vai trò quyết định trong trận chiến sắp tới ở Donbass, vì các nhà phân tích lưu ý rằng Nga vẫn sẽ phải vật lộn để tập trung lực lượng đã bị bầm dập trong cuộc chiến.

Che giấu tội ác chiến tranh?

Do Mariupol đã bị cắt đứt gần như hoàn toàn với thế giới bên ngoài trong nhiều tuần qua, việc có được một bức tranh chi tiết về chiến sự là một thách thức lớn.

Tuy nhiên, việc Nga mạnh tay triển khai quân lực và các cáo buộc hành quyết thường dân ở thị trấn Bucha cùng nhiều địa phương khác đã làm dấy lên lo ngại về những điều khủng khiếp đã xảy ra tại thành phố cảng Mariupol. Giới chức Ukraine lo sợ rằng số người chết ở Mariupol có thể đã vượt quá 20.000 người.

Bất kỳ nỗ lực nào để thu thập bằng chứng nhằm ghi lại hành vi của Nga và đưa những người phải chịu trách nhiệm ra trước công lý có thể sẽ không thể thực hiện được nếu Nga kiểm soát Mariupol.

Bà Rachel Denber - Phó Giám đốc cấp cao tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho hay: “Lý tưởng nhất, Ukraine có thể thu thập thi thể nạn nhân, chờ cho đến khi chiến sự lắng dịu và các chuyên gia có thể phân tích pháp y”.

“Các chuyên gia về tên lửa đạn đạo cũng sẽ được triển khai để đánh giá các loại vũ khí được sử dụng, hướng từ nơi chúng được phóng đi và dấu hiệu của việc sử dụng vũ lực thô bạo”, bà Denber nói thêm.

 

“Có một mối lo ngại nghiêm trọng là ngoài việc cần phải thu thập các thi thể để ước tính con số thương vong ở thường dân do các vụ ném bom và pháo kích, thì vẫn cần phải tiến hành giám định pháp y của những người đã thiệt mạng”, vị phó giám đốc lưu ý.

Khả Nhân