|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tại sao Nga và Ukraine giao tranh đẫm máu tại thành phố nhỏ bé Mariupol?

10:26 | 24/03/2022
Chia sẻ
Vị trí chiến lược, tầm quan trọng về mặt kinh tế và biểu tượng đã khiến Mariupol trở thành chiến trường nóng nhất tại Ukraine những ngày tháng 3/2022.

 

 Mariupol có gì?

Mariupol nằm bên bờ biển Azov, cách thủ phủ Donetsk khoảng 100 km và được xem như một nhân tố quyết định cho hành lang nối liền Nga đến bán đảo Crimea.

Theo dữ liệu từ Chính phủ Ukraine, cảng biển của Mariupol xử lý khoảng 13 triệu tấn hàng, bao gồm cả thép, biến nó thành cảng lớn thứ 5 tại Ukraine và trung tâm thương mại hàng hải nhộn nhịp nhất tại biển Azov.

Mariupol cũng là một trung tâm công nghiệp quan trọng. Tại đây, nhiều doanh nghiệp luyện kim chủ chốt như Illich Iron & Steel Works và Azovstal đang hoạt động.

 

Tại sao Nga và Ukraine quyết chiến tại thành phố cảng Mariupol? - Ảnh 1.

 

Trong suốt ba tuần, thành phố cảng Mariupol đã bị lực lượng Nga bao vây. Hiện còn khoảng 100.000 đến 200.000 người dân còn kẹt lại, trong khi thành phố bị bắn phá không ngừng.

Các nhà chức trách địa phương ước tính khoảng 80% cơ sở hạ tầng đã bị phá hủy. Thành phố không có nước, điện, nhiên liệu sưởi ấm cũng như không thể đếm chính xác số người thiệt mạng. Quan chức thành phố ước tính khoảng 2.300 người đã chết tại Mariupol kể từ khi giao tranh nổ ra.

Hôm 21/3, Tổng thống Zelensky từ chối tối hậu thư của Nga yêu cầu Mariupol đầu hàng.

 

Vị trí chiến lược

Ông Andrii Ianitskyi, người đứng đầu Trung tâm báo chí kinh tế tại Trường Kinh tế Kyiv, nói với The Guardian: “Mariupol có một ý nghĩa thiết thực và mang tính biểu tượng đối với nước Nga".

“Đó là một thành phố cảng lớn và căn cứ của lực lượng vũ trang Ukraine. Vì vậy, nếu người Nga muốn có một hành lang đất liền [từ Donbas] đến Crimea, họ cần phải kiểm soát Mariupol”.

Kể từ năm 2014, Mariupol chỉ cách các vùng lãnh thổ ly khai do Nga kiểm soát ở Donbas khoảng 30 km.

Nếu kiểm soát thành phố, Tổng thống Putin có thể tạo một hành lang giữa Nga, vùng Donbas và bán đảo Crimea, đồng thời kiểm soát hoàn toàn biển Azov.

Kết nối Crimea với phần còn lại của lãnh thổ trên đất liền của Nga sẽ giúp Moscow dễ dàng vận chuyển hàng hóa và con người đến và đi khỏi Crimea. Hiện tại, toàn bộ bán đảo Crimea chỉ được kết nối với Nga qua đúng một cây cầu vượt eo biển Kerch với chi phí xây dựng đắt đỏ.

Nga đã từng cố gắng kiểm soát Mariupol 8 năm về trước. Vào tháng 5/2014, lực lượng ly khai của Cộng hòa Donetsk đã tấn công thành phố cảng này và đẩy lùi quân đội Ukraine. Tuy nhiên, chỉ một tháng sau, Ukraine đã giành lại được quyền kiểm soát thành phố. Sau đó, thỏa thuận Minsk II được ký kết vào năm 2015 và cuộc xung đột tạm dừng lại.

 

Bóp nghẹt kinh tế Ukraine

Tại sao Nga và Ukraine quyết chiến tại thành phố cảng Mariupol? - Ảnh 3.

 

 

 

Mariupol là một trung tâm luyện kim về sắt thép, sản xuất máy móc hạng nặng và sửa chữa tàu biển. Các nhà máy thép lớn nhất của Ukraine thuộc sở hữu của tập đoàn luyện kim hàng đầu Metinvest, nằm ở Mariupol. Một trong số chúng, Azovstal, đã bị hư hại nặng do pháo kích.

Ông Ianitskyi cáo buộc quân đội Nga không chỉ nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng dân sự mà còn cả cơ sở hạ tầng kinh tế, với mục đích gây ra nhiều thiệt hại nhất có thể.

Mariupol cũng là nơi có cảng thương mại lớn nhất ở Biển Azov mà từ đó Ukraine xuất khẩu ngũ cốc, sắt thép và máy móc hạng nặng. Vào năm 2021, các điểm đến chính cho hàng hóa xuất khẩu từ cảng Mariupol là các nước châu Âu và Trung Đông như Italy, Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau năm 2014, cảng Mariupol đã mất lưu lượng hàng hóa quá cảnh từ các thị trường cũ, bao gồm cả Nga.

Sau khi sáp nhập Crimea, Moscow đã xây dựng một cây cầu nối bán đảo này với đất liền và đơn phương áp đặt các hạn chế đối với tàu bè qua eo biển Kerch.

 

Tính biểu tượng

Năm 2014, Mariupol, thành phố lớn thứ hai ở vùng Donetsk, chịu sự chiếm đóng ngắn ngủi của các lực lượng thân Nga. Sau khi Ukraine mất quyền kiểm soát đối với Donetsk, Mariupol đã đón nhận hơn 96.000 người di cư từ vùng Donbas tính đến năm 2019.

Mariupol không chỉ nằm trong lãnh thổ được gọi là Cộng hòa Nhân dân Donetsk, nó còn là một phần trong tầm nhìn của Tổng thống Vladimir Putin về “Novorossiya” (Nước Nga mới). “Novorossiya” là phần lãnh thổ trải dài miền đông và miền nam Ukraine dọc theo bờ Biển Đen được ông Putin coi là “vùng đất lịch sử của Nga”.

 

Tại sao Nga và Ukraine quyết chiến tại thành phố cảng Mariupol? - Ảnh 5.

 

Việc kiểm soát Mariupol cũng sẽ là một chiến thắng to lớn đối với hoạt động tuyên truyền của Điện Kremlin. Cuối tháng 2, Tổng thống Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine nhằm "xóa bỏ chủ nghĩa quân sự và chủ nghĩa phát xít" ở Ukraine.

Thành phố cảng này là căn cứ của tiểu đoàn Azov, một đơn vị bán quân sự trước đây có nguồn gốc từ các nhóm cực hữu và tân phát xít. Bộ máy tuyên truyền của Nga khẳng định các chiến binh Azov phải chịu trách nhiệm cho các vụ giết hại dân thường và tàn phá ở Mariupol.

 

Mục tiêu tiếp theo

Với sức mạnh quân sự áp đảo của Nga, việc Mariupol thất thủ chỉ là vấn đề thời gian.

Tuy nhiên, theo một báo cáo của Viện nghiên cứu Chiến tranh của Mỹ: “Cuộc giao tranh đô thị tại Mariupol đang tiêu tốn thời gian, sự chủ động và sức mạnh chiến đấu của quân đội Nga. Khi Mariupol thất thủ thì lực lượng Nga đang bao vây có thể không còn đủ mạnh để thay đổi cục diện chiến dịch bằng cách hỗ trợ tấn công sang phía tây.”

Ngoài Mariupol, phía tây nam Ukraine còn hai thành phố nhiều khả năng sẽ đóng vai trò quan trọng trong cuộc xung đột: Mykolaiv và Odessa. Cả hai đô thị đều nằm trong “Novorossiya” từng được đế quốc Nga chinh phục vào thế kỷ thứ 18.

 

Tại sao Nga và Ukraine quyết chiến tại thành phố cảng Mariupol? - Ảnh 6.

Thành phố cảng Odessa phòng thủ chuẩn bị cho đợt tấn công sắp tới của Nga. (Ảnh: Maksym Voitenko/Anadolu).

Tương tự như Mariupol, kiểm soát hoàn toàn Odessa sẽ cho phép Nga gia tăng sức mạnh quân sự tại Biển Đen, đồng thời biến Ukraine thành quốc gia nội lục (landlocked - không tiếp giáp biển). Odessa là cảng biển đông đúc nhất của Ukraine hiện nay.

Tuy nhiên, để chiếm được Odessa, một mục tiêu quan trọng không kém chính là Mykolaiv, khi mà thành phố này là cửa ngõ để đi lên phía bắc và tây từ Crimea. Mykolaiv còn có ba xưởng đóng tàu lớn, nơi đã từng sản xuất tàu sân bay Kuznetsov của Liên Xô cũ.

Cả hai thành phố đều đang cố gắng phòng thủ trước những đợt tấn công của Quân đội Nga. Ở Mykolaiv, Nga đã liên tục pháo kích và sử dụng tên lửa hành trình vào các vị trí quân sự trong thành phố, đồng thời bao vây từ hướng Kherson. Trong khi đó, ngoài khơi Odessa, nhiều tàu quân sự của Nga cũng đã xuất hiện.

Mariupol nằm sâu trong Biển Azov và tàu thuyền phải đi qua Eo biển Kerch do Nga kiểm soát thì mới ra được Biển Đen. Trong khi đó, Odessa lại nằm ngay trên bờ Biển Đen nên tàu thuyền dễ dàng qua lại hơn và có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều.

 

 

Minh Quang