|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Hệ thống phòng không Liên Xô do Lầu Năm Góc bí mật thu mua đang trên đường đến Ukraine

10:33 | 23/03/2022
Chia sẻ
Trong những năm qua, Lầu Năm Góc đã bí mật mua thiết bị của Liên Xô và hiện những vũ khí này đang được chuyển đến Ukraine để hỗ trợ hoạt động phòng không.
Mỹ gửi hệ thống phòng không Liên Xô được Lầu Năm Góc bí mật mua đến Ukraine - Ảnh 1.

Vũ khí từ thời Liên Xô đã có tuổi đời hàng chục năm và Mỹ đã thu mua chúng để tìm hiểu công nghệ mà quân đội Nga sử dụng. (Ảnh: Không quân Mỹ/Wall Street Journal).

Mỹ "tặng quà" cho Ukraine

Các quan chức Mỹ cho biết Washington đang gửi một số thiết bị phòng không do Liên Xô sản xuất trong quá khứ để hỗ trợ quân đội Ukraine. 

Các hệ thống phòng không này – bao gồm SA-8 – đã có tuổi đời hàng chục năm và được Mỹ mua từ nhiều thập kỷ trước để phân tích công nghệ mà quân đội Nga sử dụng và xuất khẩu trên khắp thế giới. 

Quân đội Ukraine vốn quen thuộc với những vũ khí trên, vì họ đã kế thừa những loại thiết bị này sau khi Liên Xô tan rã.

Nỗ lực bí mật của Mỹ thu hút sự chú ý của công chúng vào năm 1994 khi một máy bay vận tải do Liên Xô sản xuất được nhìn thấy tại sân bay Huntsville, bang Alabama, trong tầm nhìn từ một đường cao tốc lớn.

Sau này, một cựu quan chức tiết lộ chiếc máy bay đó chuyên chở hệ thống phòng không S-300 mà Mỹ mua được ở Belarus trong khuôn khổ dự án bí mật trị giá 100 triệu USD liên quan đến nhà thầu của Lầu Năm Góc.

Hệ thống S-300 – mà NATO gọi là SA-10 – là hệ thống phòng không tầm xa tiên tiến nhằm bảo vệ các khu vực rộng lớn trong bán kính rộng. SA-8 là hệ thống phòng không chiến thuật, tầm ngắn được thiết kế để di chuyển cùng lực lượng mặt đất, che chắn khỏi máy bay và trực thăng. Tuy có tầm bắn ngắn hơn, SA-8 có tính cơ động cao và dễ ẩn náu hơn SA-10.

Mỹ gửi hệ thống phòng không Liên Xô được Lầu Năm Góc bí mật mua đến Ukraine - Ảnh 2.

Đơn vị phòng không cơ động SA-8. (Ảnh: AFP/Getty Images).

Mỹ gửi hệ thống phòng không Liên Xô được Lầu Năm Góc bí mật mua đến Ukraine - Ảnh 3.

Mỹ cũng đang tìm cách để có thêm hệ thống phòng không S-300 cho Ukraine. (Ảnh: Sputnik).

Một số vũ khí thời Liên Xô đang được lưu giữ tại Kho vũ khí Redstone ở Alabama. Các quan chức cho biết một phần vũ khí mà Mỹ gửi sang Ukraine đến từ căn cứ đó. S-300 không nằm trong số vũ khí đang được chuyển tới Ukraine.

Vùng cấm bay không chính thức

Ukraine đã sở hữu sẵn một số hệ thống phòng không của Nga, bao gồm cả S-300. Nhưng nước này vẫn cần thêm các hệ thống có thể hoạt động ở tầm trung và tầm xa để ngăn chặn các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay của Nga. 

Tên lửa Stinger vác vai mà Mỹ và các quốc gia NATO đang cung cấp cho Ukraine chỉ có hiệu quả chống lại trực thăng và máy bay bay thấp.

Theo Wall Street Journal, Mỹ hy vọng việc cung cấp thêm hệ thống phòng không sẽ cho phép Ukraine tự tạo ra vùng cấm bay không chính thức, vì Mỹ và NATO đã từ chối thực hiện động thái này trước đó. 

Các quan chức chính quyền ông Biden nói rằng việc NATO xây dựng vùng cấm bay tại Ukraine có thể dẫn tới xung đột trực tiếp giữa NATO và lực lượng của Nga, điều mà Nhà Trắng muốn tránh.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết vào ngày mai (24/3), Tổng thống Joe Biden sẽ dự hội nghị thượng đỉnh NATO và thảo luận tình hình chiến sự tại Ukraine. 

Phó Tổng thống Kamala Harris, Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lloyd Austin cũng đã đến thăm các nước Đông Âu để thảo luận về cách bổ sung vũ khí phòng thủ cho Ukraine.

Tuần trước Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã đến thăm Slovakia để xem liệu nước này có thể gửi hệ thống S-300 hay không. Slovakia cho biết sẽ làm vậy nếu về sau Mỹ cung cấp thiết bị khác cho họ, nhưng thỏa thuận vẫn chưa được chấp thuận.

Các loại vũ khí do Mỹ sản xuất như hệ thống phòng không Patriot đang bị thiếu hụt và cần quân nhân Mỹ hoặc nhiều tháng đào tạo của Mỹ để vận hành. Các đơn vị tên lửa phòng không Patriot của Đức và Hà Lan đang được gửi đến Slovakia để thay thế tạm thời. 

Giang

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.