Tổng thống Ukraine dù muốn nhượng bộ Nga để đình chiến cũng khó làm được
Quyết định thuộc về nhân dân
Trong buổi phỏng vấn ngày 21/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cho biết bất cứ thỏa thuận hòa bình nào nhằm kết thúc chiến tranh với Nga đều phải được đưa ra trưng cầu dân ý ở Ukraine.
Tổng thống Zelensky nói với trang tin Suspilne trong buổi phỏng vấn: “Tôi đã giải thích với các đoàn đàm phán: ‘Khi mọi người nói về tất cả những thay đổi [trong thỏa thuận hòa bình] … chúng ta sẽ cần phải tiến hành trưng cầu ý dân”.
Ông cho biết thêm: “Người dân sẽ có quyền lên tiếng trong bất cứ sự thỏa hiệp nào. Nhưng những [thỏa hiệp] là kết quả của quá trình đàm phán giữa Nga và Ukraine. Bởi vậy, tôi sẵn sàng làm bất cứ điều gì nếu người dân ủng hộ quyết định của mình”.
Tổng thống Ukraine cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin dưới “bất cứ hình thức nào” để kết thúc chiến tranh.
Ông nói: “Tôi tin rằng nếu không có buổi gặp với ông Putin, chúng ta sẽ không thể hiểu được họ sẵn sàng làm những gì để kết thúc chiến tranh”.
Tuy nhiên, ông Zelensky không chấp nhận yêu cầu từ phía Nga về việc từ bỏ thành phố cảng quan trọng Mariupol, cùng với các thành phố khác, bao gồm cả Kiev và Kharkiv .
“Tối hậu thư của Nga sẽ chỉ được đáp ứng nếu chúng ta bị tiêu diệt”, ông nói. "[Nga yêu cầu] chúng ta giao nộp Kharkiv, Mariupol, Kiev. Cả cư dân Kharkiv, cư dân Mariupol, cư dân Kiev, cũng như Tổng thống Ukraine đều không thể thực hiện yêu cầu đó".
Ông nói rằng ngay cả ở các thành phố đã bị quân Nga chiếm đóng, “mọi người không nhượng bộ. [Lính Nga] giương cao cờ của họ - người Ukraine hạ những là cờ xuống".
Đề cập đến NATO, Tổng thống Zelenskiy thừa nhận rằng đất nước của ông không có khả năng gia nhập liên minh quân sự Phương Tây.
Ông Zelenskiy nói: “Tất cả chúng tôi đều đã hiểu rõ điều đó”, đồng thời giải thích rằng Ukraine sẽ không được gia nhập NATO vì các nước thành viên lo sợ phản ứng của Nga.
Nga có muốn cuộc trưng cầu dân ý?
Cũng vào ngày 21/3, Nga đã từ chối đề nghị đối thoại trực tiếp giữa Tổng thống Ukraine và Tổng thống Nga, cho rằng những cuộc đàm phán trước “không mang lại kết quả lớn”.
Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Đối với chúng tôi để nói về cuộc gặp giữa hai Tổng thống, cần phải có những sự chuẩn bị trước. Các cuộc nói chuyện phải được tổ chức và kết quả phải được thống nhất".
Moscow cũng từ chối lời kêu gọi ngừng bắn, cho rằng Kiev lợi dụng thời gian tạm nghỉ để tập hợp và tấn công quân đội Nga.
Ngày 21/3 là lần đầu tiên Tổng thống Zelensky đưa ra ý tưởng về một cuộc trưng cầu dân ý. Tháng 12 năm ngoái, trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ông Zelensky cho biết sẽ “không loại trừ một cuộc trưng cầu ý dân” về vấn đề Donbass, Crimea và “có lẽ, ngừng cả cuộc chiến” đã diễn ra tại miền Đông kể từ năm 2014.
Hôm 7/3 vừa qua, sau gần hai tuần giao tranh, người phát ngôn của chính phủ Nga Dmitry Peskov nêu lên những điều kiện để Nga rút quân là: Ukraine ngừng mọi hoạt động quân sự, công nhận bán đảo Crimea là lãnh thổ Nga, công nhận hai nước cộng hòa ly khai Donetsk và Luhansk là quốc gia độc lập, đồng thời thay đổi hiến pháp theo hướng loại trừ khả năng Ukraine ra nhập bất cứ khối nào, bao gồm NATO.
Tham vọng gia nhập NATO cũng như sự toàn vẹn lãnh thổ liên quan tới bán đảo Crimea và vùng Donbass đã được quy định rõ ràng trong hiến pháp của Ukraine. Tổng thống Zelensky hay đoàn đàm phán sẽ không thể đưa ra quyết định mà phải được quốc hội thông qua, thậm chí cần trưng cầu ý dân.
Nga sẽ không muốn một cuộc trưng cầu dân ý mà mình không thể nào kiểm soát được kết quả. Vào năm 2014, kết quả trưng cầu ý dân tại Crimea cho ra kết quả có lợi cho Moscow do quân Nga nhanh chóng kiểm soát được khu vực này và người thân Nga chiếm đa số ở Crimea.
Tuy nhiên, một cuộc trưng cầu dân ý trên toàn lãnh thổ Ukraine sẽ là một vấn đề hoàn toàn khác. Người dân Ukraine sẽ không dễ dàng ủng hộ các yêu cầu của Nga, khi mà chính Moscow là người chủ động tấn công trước.
Nếu các cuộc trưng cầu dân ý diễn ra, và kết quả ngược với những mong muốn của Nga, Ukraine có thể sử dụng kết quả này để tiếp tục củng cố tinh thần nhân dân và yêu cầu thêm sự trợ giúp từ quốc tế.