|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhà đầu tư lo sợ Nga dùng luật phá sản để trừng phạt công ty nước ngoài

17:12 | 21/03/2022
Chia sẻ
Các doanh nghiệp nước ngoài khi rút khỏi thị trường Nga có thể đối mặt với nguy cơ bị tịch thu tài sản hoặc thậm chí là án hình sự do vi phạm Luật Phá sản của Nga.

Luật phá sản tại Nga và Mỹ

Tại Mỹ, Luật phá sản là cách để cho những công ty mắc nợ có cơ hội làm lại từ đầu. Theo Reuters, các doanh nghiệp khó khăn tại Mỹ thường chủ động tuyên bố phá sản và pháp luật sẽ cho phép những công ty này giữ lại tài sản và hệ thống quản lý hiện tại.

Tuy nhiên, tại Nga, Luật phá sản thường ưu tiên chủ nợ hơn. Bởi vậy, những chủ nợ, bao gồm cả Chính phủ Nga, có thể ép buộc doanh nghiệp phải phá sản và chiếm quyền kiểm soát.

Nhà đầu tư lo sợ Nga có thể sử dụng Luật phá sản để trừng phạt công ty nước ngoài - Ảnh 1.

Máy bay Airbus A350-900 thuộc hãng hàng không quốc gia Aeroflot của Nga. (Ảnh: Philippe MASCLET/Airbus).

Một số chuyên gia pháp lý cho biết công ty nước ngoài lo sợ nguy cơ các chủ nợ Nga lạm dụng quy trình này để thay máu lãnh đạo doanh nghiệp. Những lãnh đạo mới sẽ bán tài sản cho đối thủ cạnh tranh hoặc những doanh nghiệp có liên hệ với chính phủ.

Ông Paul Stephan, giáo sư tại Đại học Luật Virginia, chuyên gia về hệ thống pháp luật thời Liên Xô và Liên bang Nga, cho biết: “Vào cuối những năm 90 đầu những năm 2000, Luật phá sản thường được dùng như một công cụ để tấn công doanh nghiệp”.

Đối mặt với án hình sự

Tại Mỹ, đa số các trường hợp phá sản đều là dân sự. Tuy nhiên, các tòa án tại Nga sẵn sàng đưa ra những bản án hình sự cho một số tội liên quan đến phá sản, ví dụ như cất giấu tài sản.

Hãng sản xuất thuốc lá British American Tobacco đã bày tỏ lo ngại rằng việc rời khỏi Nga có thể bị coi là một hành động tội phạm dẫn đến các cáo buộc liên quan đến phá sản.

Đây không phải là lần đầu tiên chính phủ Nga đe dọa tội phá sản đối với các công ty và nhà đầu tư nước ngoài. Nga đã nhiều lần yêu cầu Interpol bắt giữ nhà đầu tư Bill Browder, với cáo buộc cố ý phá sản và trốn thuế.

Ông Browder cho biết những lời đe dọa trên là một phần chiêu trò của các quan chức Nga. Interpol đã không chấp nhận yêu cầu bắt giữ của Nga.

Doanh nghiệp từng vướng vòng lao lý

Theo một tòa án trọng tài quốc tế, nợ thuế đã từng được sử dụng để làm cớ bắt phạt nhiều công ty nước ngoài tại Nga.

Vào năm 2006, Yukos Oil từng bị ép phải phá sản sau khi cựu lãnh đạo Mikhail Khodorkovsky bị bắt và kết án với tội danh lừa đảo. Chính phủ Nga đã yêu cầu công ty này phải bồi thường hàng tỷ USD tiền thuế.

Nhà đầu tư lo sợ Nga có thể sử dụng Luật phá sản để trừng phạt công ty nước ngoài - Ảnh 2.

Cựu lãnh đạo của Yukos Oil ông Mikhail Khodorkovsky (giữa) và Platon Lebedev (phải) trong phiên tòa xét xử tại Moscow vào năm 2004. (Ảnh: AP).

Đa số tài sản thuộc Yukos sau đó được chuyển cho Rosneft - công ty có phần lớn vốn thuộc sở hữu của Điện Kremlin.

Các cổ đông quốc tế cho rằng yêu cầu về thuế của phía Nga là không hợp pháp. Năm 2014, Tòa án trọng tài thường trực tại The Hague đồng ý với quan điểm của các nhà đầu tư, kết luận Điện Kremlin đã thao túng hệ thống pháp luật để phá sản công ty và lấy tài sản của ông Khodorkovsky.

Các chuyên gia cho biết, vì chính phủ Nga sở hữu các công ty năng lượng lớn, họ có thể sử dụng các hóa đơn năng lượng cũng như thuế để buộc một công ty phá sản.

Ông Jason Kilborn, một giáo sư luật tại Đại học Illinois Chicago cho biết: "Nếu Nga sử dụng luật phá sản và các hóa đơn năng lượng một cách chiến lược, Moscow có khả năng tác động đến các tòa án địa phương, các nhà quản lý, ép buộc bán tài sản và đuổi các nhà đầu tư nước ngoài”.

Nhà đầu tư lo sợ Nga dùng luật phá sản để trừng phạt công ty nước ngoài - Ảnh 4.

Lối thoát nào cho doanh nghiệp nước ngoài?

Đối với các công ty muốn rời khỏi Nga, các quan chức Moscow đã đề xuất một thủ tục phá sản "nhanh chóng" để chuyển giao quyền quản lý tài sản và hoạt động.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, một số doanh nghiệp lo ngại rằng luật phá sản sẽ được Moscow sử dụng để trả đũa hành động rời bỏ thị trường Nga.

Giáo sư Stephan nói: “Nếu chiếc búa thẩm phán được đập xuống, bạn chỉ có thể hi vọng rằng đã đưa được nhiều người nhất ra khỏi Nga, và giảm thiểu rủi ro tài sản”.

Đảng cầm quyền của Nga gần đây đã đề xuất luật cho phép chính phủ quốc hữu hóa tài sản của một số công ty có ý định rời khỏi Nga. Các chuyên gia cho biết đề xuất trên sẽ dựa theo thủ tục của luật phá sản để lựa chọn các nhà quản lý thay thế cho doanh nghiệp bị quốc hữu hóa.

Tuy nhiên, vào ngày 16/3, Tổng thống Putin trong một bài phát biểu đã khẳng định rằng Nga sẽ tôn trọng quyền tài sản của các công ty nước ngoài.

Ông Putin nói: "Chúng tôi trân trọng những doanh nghiệp đã lựa chọn ở lại, mặc cho những áp lực từ Phương Tây và đồng minh, tiếp tục làm việc tại Nga. Trong tương lại, những doanh nghiệp này sẽ có nhiều cơ hội phát triển".

"Không như các quốc gia Phương Tây, chúng tôi coi trọng quyền tài sản", Tổng thống Nga nói thêm.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Minh Quang

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.