Vì sao Tổng thống Putin chỉ đạo không tấn công vào nhà máy thép ở Mariupol?
Tổng thống Putin chỉ đạo không tấn công
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố vào hôm 21/4 rằng thành phố Mariupol đã được phía Nga kiểm soát hoàn toàn. Tuy nhiên, ông cũng cho biết rằng vẫn còn lực lượng lính Ukraine bị bao vây tại nhà máy thép Azovstal.
Ông Shoigu cho biết: “Trong cuộc giải phóng thành phố, hơn 4.000 binh sĩ đã bị tiêu diệt, 1.478 đã đầu hàng. Nhóm còn lại, khoảng hơn 2.000 người, đang bị chặn tại khu công nghiệp của nhà máy Azovstal”. Theo ông, chiến dịch tấn công vào nhà máy sẽ mất từ 3 đến 4 ngày.
Bộ trưởng Shoigu cũng cho biết thêm rằng 140.000 người dân đã được sơ tán khỏi Mariupol, và những con tin tại khu vực cảng, bao gồm cả thủy thủ đoàn của các con tàu đang neo đậu, đã được lực lượng Nga và Donbass giải cứu.
Tổng thống Vladimir Putin chúc mừng quân đội Nga, nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh rằng việc tấn công nhà máy và đường hầm là không hợp lý. Ông Putin gợi ý rằng lực lượng Nga nên bao vây thật chặt khu công nghiệp này.
Trong quá trình tấn công thành phố Mariupol, Nga nhiều lần lên tiếng tố cáo các tội ác chiến tranh của lực lượng Ukraine tại thành phố, bao gồm bắt cóc con tin và sử dụng dân thường làm lá chắn sống. Ngược lại, Ukraine cáo buộc Nga bắn phá ồ ạt vào Mariupol, khiến thành phố này bị phá hủy gần như hoàn toàn.
Vì sao không tấn công
Theo tờ Telegraph, nhà máy Azovstal là một khu công nghiệp phức hợp từ thời Liên Xô, được miêu tả như một “thành phố trong thành phố” bởi hệ thống đường hầm và nơi trú ẩn khổng lồ dưới mặt đất.
Khu phức hợp có diện tích 11 km2 và từ xa nhìn như một con rồng đang ngủ, với những ống khói khổng lồ, xưởng sản xuất và lò luyện sắt.
Theo tờ Telegraph, ít nhất có khoảng 1.000 dân thường đang trú ẩn tại đây khi lực lượng Nga tấn công vào “thành trì cuối cùng" của lực lượng Ukraine tại thành phố Mariupol.
Các quan chức Phương Tây lo sợ cuộc tấn công sẽ “tồi tệ hơn Bucha”. Bucha là thị trấn ngoại ô thuộc thành phố Kiev, nơi mà Ukraine và Phương Tây tố cáo Nga đã phạm tội ác chiến tranh và sát hại hàng trăm thường dân. Phía Nga đã phủ nhận những cáo buộc trên.
Nhà máy được xây dựng lại bởi Liên Xô sau khi Phát xít Đức phá hủy hoàn toàn, với mục tiêu tạo nên một hầm trú bom sâu tới mức có thể chịu được một vụ nổ hạt nhân.
Ông Yan Gagin, cố vấn của nước cộng hòa ly khai Donetsk, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với truyền thông nhà nước Nga: “Về cơ bản hệ thống hầm ngầm của Azovstal là một thành phố thu nhỏ”.
Những hình ảnh từ máy bay không người lái giải thích vì sao việc tấn công Azovstal lại trở thành một thách thức lớn như vậy đối với Nga. Cây cầu kết nối tới nhà máy đã bị phá hủy, trong khi đường đi đầy các phương tiện bị phá hủy.
Khu công nghiệp có mật độ xây dựng cao với hàng chục tòa nhà có thể trở thành địa điểm phục kích của phía Ukraine. Nhiều khu nhà đã bị phá hủy bởi đạn pháo và bom.
Đường hầm khổng lồ
Các nhà phân tích cho biết, hệ thống đường hầm khổng lồ nằm phía dưới Azovstal mới thực sự là cơn ác mộng dành cho quân đội Nga.
Ông Alexander Grinberg, một nhà phân tích tại viện Chiến lược và An ninh Jerusalem cảnh báo: “Nga có thể thử, nhưng họ sẽ bị tàn sát bởi những người Ukraine phía trong hầm có lợi thế tuyệt đối về mặt chiến thuật”.
Các quan chức Ukraine cho biết Nga đang tính tới việc sử dụng bom phá boongke, loại vũ khí thường được sử dụng để tấn công các cơ sở quân sự nằm sâu trong lòng đất.
Trận chiến cuối cùng giữa Ukraine và Nga tại Azovstal đã được so sánh với cuộc đụng độ tại nhà máy Máy kéo Stalingrad trong Thế chiến thứ II. Hàng nghìn binh sĩ Đức Quốc xã và Liên Xô đã thiệt mạng trong nỗ lực giành quyền kiểm soát nhà máy bên bờ sông Volga này.
Chiếm được Azovstal và kiểm soát hoàn toàn Mariupol sẽ là một chiến thắng quan trọng với Moscow bởi thành phố này nằm giữa hành lang trên bộ từ vùng Donbass tới bán đảo Crimea.