|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tổng thống Putin hết lời khen ngợi tên lửa mới thử nghiệm: Mang đầu đạn hạt nhân vượt qua mọi lá chắn phòng thủ

12:17 | 21/04/2022
Chia sẻ
Vào ngày 20/4, giữa lúc căng thẳng lên cao tại Ukraine, Nga tuyên bố phóng thành công tên lửa RS-28 Sarmat có khả năng mang đầu đạn hạt nhân vượt qua mọi hệ thống phòng thủ.

Nga phóng thành công tên lửa mới

Theo Reuters, nhằm phô diễn sức mạnh quân sự, Nga đã phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Tổng thống Vladimir Putin phát biểu rằng loại vũ khí này sẽ khiến kẻ thù của Moscow phải chùn bước và suy nghĩ kỹ mọi hành động.

Tên lửa RS-28 Sarmat được thử nghiệm lần đầu tiên từ Plesetsk, thuộc phía tây bắc Nga và bắn trúng mục tiêu tại bán đảo Kamchatka, cách gần 6.000 km.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat được phóng từ sân bay vũ trụ Plesetsk ở vùng Arkhangelsk ngày 20/4/2022. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga).

Cuộc thử nghiệm tên lửa Sarmat tuy không làm Phương Tây ngạc nhiên, những lại diễn ra vào lúc khủng hoảng địa chính trị căng thẳng. Bộ Quốc phòng Ukraine chưa phản hồi yêu cầu bình luận của Reuters.

Tổng thống Putin nói: “Hệ thống vũ khí mới có tính năng kỹ thuật và chiến thuật cao nhất và có khả năng vượt mọi phương pháp phòng thủ tên lửa hiện đại. Tên lửa Sarmat trong hiện tại và nhiều năm nữa sẽ không có đối thủ trên thế giới”.

“Hệ thống vũ khí độc đáo này sẽ gia tăng tiềm lực chiến đấu của lực lượng quân đội, đảm bảo chắc chắn an ninh của Nga khỏi những mối đe dọa bên ngoài và khiến những kẻ dám đe dọa nước Nga phải suy nghĩ lại”.

Vào ngày 20/4, Bộ Quốc phòng Nga cho biết tên lửa RS-28 Sarmat đã được phóng từ silo vào lúc 15:12 giờ Moscow (19:12 theo giờ Việt Nam).

Hãng thông tấn TASS trích lời ông Dmitry Rogozin, người đứng đầu Cơ quan vũ trụ Liên Bang Nga rằng lực lượng hạt nhân của Nga sẽ nhận được tên lửa mới “vào mùa thu năm nay” khi thử nghiệm hoàn tất.

Tên lửa RS-28 Sarmat trong một buổi diễu hành tại Nga. (Ảnh: The National Interest).

Khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào ngày 24/2, Tổng thống Putin nhắc đến lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga và cảnh báo Phương Tây tất cả những nỗ lực cản đường Nga đều “dẫn đến hậu quả chưa từng có trong lịch sử”. Vài ngày sau, ông đã yêu cầu lực lượng hạt nhân của Nga đặt trong tình trạng báo động cao. 

"Viễn cảnh xung đột hạt nhân, từng là điều không tưởng, giờ đây đã trở lại trong phạm vi có thể xảy ra", Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết.

RS-28 Sarmat

Sarmat là hệ thống tên lửa hạng nặng với khối lượng hơn 200 tấn. Hệ thống này nhằm thay thế tên lửa R-36 Voevoda (Satan) trong lực lượng tên lửa chiến lược của Nga.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, tên lửa Sarmat có khả năng tấn công các mục tiêu ở khoảng cách xa bằng cách sử dụng các loại quỹ đạo bay khác nhau, giúp tránh tất cả những hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại và trong tương lai.

RS-28 là loại tên lửa xuyên lục địa có tầm bắn xa nhất trong lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga, đạt 18.000 km. Tên lửa mang 180 tấn nhiên liệu lỏng và đầu đạn nặng 10 tấn.

Bộ Quốc phòng cho biết, so với hệ thống trước đây, Sarmat có thể mang nhiều vũ khí hơn, cũng như được trang bị các loại đầu đạn mới, bao gồm "thiết bị lướt siêu thanh".

Theo truyền thông Nga, khi đạt độ cao thiết kế, phần đầu đạn mẹ trên Sarmat sẽ giải phóng 10-15 MIRV (công nghệ đầu đạn đa phân hướng) mang theo đầu đạn hạt nhân hoặc thiết bị lướt siêu vượt âm Avangard có tốc độ Mach 27 (gấp 27 lần tốc độ âm thanh).

Hình ảnh đồ họa của thiết bị lướt vượt siêu âm Avangard. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga).

Để so sánh, tên lửa siêu vượt âm Kh-47M2 Kinzhal mà Nga phóng vào mục tiêu ở Ukraine hôm 19/3, được Tổng thống Biden thừa nhận là “không thể bị đánh chặn” mới đạt tốc độ Mach 5. 

Chưa rõ sức công phá của đầu đạn trên Sarmat, song nó được cho là rất uy lực, có thể xóa sổ một quốc gia nhỏ chỉ với một quả tên lửa duy nhất. 

Thế hệ tên lửa tiền nhiệm R-36 Satan có thể mang 10 MIRV sức công phá từ 800 kiloton mỗi đầu đạn (gấp khoảng 50 lần quả bom thả xuống Hirosima). Những loại đầu đạn khác đã cũng được thiết kế cho tên lửa, bao gồm đầu đạn đơn hạng nhẹ có sức công phá 8 megaton và đầu đạn hạng nặng 20 megaton.

Theo tờ Daily Express, vào năm 2019, Điện Kremlin đã báo cáo rằng tên lửa Sarmat có thể phá hủy một lãnh thổ có kích thước tương đương nước Anh hoặc bang Texas của Mỹ.

Thời điểm nhạy cảm

Ông Jack Watling của viện nghiên cứu RUSI ở London cho biết: “Thời điểm vụ thử tên lửa phản ánh việc Nga muốn phô diễn thành tựu khoa học công nghệ trước Ngày Chiến thắng (9/5), khi mà nhiều công nghệ của họ không mang lại kết quả như mong đợi”.

Ông Douglas Barrie, một nhà nghiên cứu hàng không vũ trụ quân sự tại Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho biết vụ phóng tên lửa là cột mốc quan trọng sau nhiều năm trì hoãn do thiếu kinh phí và thách thức trong thiết kế.

Ông cho rằng nhiều cuộc thử nghiệm sẽ phải diễn ra trước khi Nga có thể triển khai hệ thống mới thay thế cho tên lửa R-36 đã quá cũ kĩ.

Ông Barrie cho biết Sarmat có khả năng mang 10 đầu đạn và mồi nhử trở lên, đồng thời Nga có thể lựa chọn phóng tên lửa bay xuyên qua Bắc Cực hoặc Nam Cực. Những tính năng này sẽ đặt ra thách thức đối với các hệ thống theo dõi, radar trên mặt đất cũng như vệ tinh.

Ông Igor Korotchenko, tổng biên tập tạp chí Quốc phòng của Nga, nói với hãng tin RIA rằng vụ thử nghiệm là một tín hiệu tới Phương Tây rằng Moscow có khả năng "đập nát bất kỳ quốc gia nào xâm phạm an ninh của đất nước và con người Nga ”.

Minh Quang