|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Mỹ xem xét đưa Nga vào danh sách quốc gia tài trợ khủng bố

14:17 | 20/04/2022
Chia sẻ
Đáp lại lời yêu cầu của Tổng thống Zelensky, Mỹ đang xem xét việc đưa Nga vào danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố mặc dù theo các chuyên gia, động thái này sẽ không mang lại nhiều sự khác biệt.

Quốc gia tài trợ khủng bố

Trong một cuộc điện đàm, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã yêu cầu Tổng thống Joe Biden đưa Nga vào danh sách quốc gia tài trợ khủng bố. Theo The Washington Post, ông Biden không chấp nhận yêu cầu của Tổng thống Zelensky nhưng cũng không gạt bỏ.

Cả Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng đều đã công khai tuyên bố rằng Mỹ đang xem xét những quy tắc liên quan tới việc đưa Nga vào danh sách quốc gia tài trợ khủng bố.

Tuy nhiên, giới chức Mỹ cũng nhấn mạnh rằng các biện pháp trừng phạt dành cho quốc gia tài trợ khủng bố như cấm vận vũ khí, hạn chế thương mại và ngừng viện trợ nước ngoài đã được áp dụng lên Nga.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price phát biểu vào hôm 18/4: “Những biện pháp trừng phạt đã được áp đặt tương tự như dành cho các quốc gia tài trợ khủng bố”.

“Chúng tôi vẫn sẽ xem xét tất cả biện pháp khả thi. Đưa Nga vào danh sách tài trợ khủng bố là một trong những biện pháp đó”.

Vào hôm 19/4, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby hạ thấp việc xem xét ý tưởng đưa Nga vào danh sách tài trợ khủng bố. Ông Kirby nói: “Theo tôi được biết, hiện giờ không có bất cứ thảo luận nào về vấn đề này”.

Không nhiều sự khác biệt

“Quốc gia tài trợ khủng bố” là một trong những biện pháp trừng phạt sâu rộng nhất trong kho vũ khí ngoại giao của Mỹ. Biện pháp này được dành cho những quốc gia mà Washington cho rằng đã tài trợ cho khủng bố bên ngoài lãnh thổ chống lại dân thường.

Theo định nghĩa của Bộ Ngoại giao Mỹ, để bị đưa vào danh sách “quốc gia tài trợ khủng bố”, đất nước đó phải “liên tục hỗ trợ hành động khủng bố quốc tế”.

Hiện tại, chỉ có Triều Tiên, Cuba, Syria và Iran nằm trong danh sách này. Ngoài ra, còn 4 quốc gia khác đã từng nằm trong danh sách, tuy nhiên đã được loại bỏ sau khi có sự thay đổi chế độ là Iraq, Libya, Nam Yemen (hiện thuộc Yemen) và Sudan. 

 

Tuy nhiên, chiến dịch hiện tại của Nga ở Ukraine gần như chắc chắn không bị coi là hành động của quốc gia tài trợ khủng bố theo định nghĩa của Mỹ.

Theo ông Alexander Motyl, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Rutgers và tác giả của 10 cuốn sách về lịch sử Nga - Ukraine, “quốc gia tài trợ khủng bố là khi đất nước đó hỗ trợ tổ chức nằm ngoài lãnh thổ tham gia vào hoạt động khủng bố”.

“Định nghĩa trên chắc chắn có thể được áp dụng cho Nga vào năm 2014, khi Điện Kremlin ủng hộ lực lượng ly khai tại vùng Donbass tham gia vào các hành động bạo lực”, ông Motyl phát biểu trong cuộc phỏng vấn hôm 19/4.

“Tuy nhiên, người chiến đấu trực tiếp tại chiến trường là quân lính Nga mặc quân phục”. Điều này không phù hợp với đinh nghĩa “tổ chức nằm ngoài lãnh thổ”.

Ông Motyl lưu ý rằng, các nhà ngoại giao Mỹ sẽ dễ dàng chỉ ra được những trường hợp nhà nước Nga tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố. Giáo sư Motyl chỉ ra những vụ đầu độc công khai các nhà bất đồng chính kiến bên ngoài nước Nga. Moscow đã phủ nhận liên quan đến các vụ đầu độc.

Trong trường hợp Mỹ chính thức đưa Nga vào danh sách quốc gia tài trợ khủng bố, “thì giá trị lớn nhất là ở khả năng thương lượng”. Việc loại Nga ra khỏi danh sách tài trợ khủng bố có thể được sử dụng như “một con bài thương lượng”.

Tuy nhiên, với những cuộc đàm phán bế tắc, việc thêm Nga vào danh sách nhà nước tài trợ khủng bố vào thời điểm này sẽ không thực sự mang lại kết quả gì.

“Bây giờ Nga đã bị buộc tội diệt chủng và tội ác chiến tranh, Tổng thống Putin bị cáo buộc là tội phạm chiến tranh nên việc buộc tội ông ấy [tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố] sẽ không tạo ra nhiều sự khác biệt”, ông Motyl nói.

Mỹ gửi thêm gói viện trợ khổng lồ

Theo NBC News, chính quyền Tổng thống Biden dự kiến sẽ công bố một gói viện trợ an ninh nữa cho Ukraine vào trong tuần này.

Gói hỗ trợ lần này tương đương gói hỗ trợ quân sự trị giá 800 triệu USD mà Tổng thống Biden công bố tuần trước. Trước đó, Tổng thống Biden đã xác nhận rằng Mỹ sẽ gửi thêm các loại pháo tới Ukraine.

Mỹ đã cung cấp hơn 50 triệu viên đạn cho lực lượng Ukraine. Nhu cầu viện trợ là rất cấp thiết khi quân đội Kiev sử dụng tới hàng chục nghìn viên đạn mỗi ngày và giao tranh ác liệt hơn dự kiến sẽ diễn ra trong những tuần tới.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby từ chối tiết lộ chi tiết các hạng mục trong gói vũ khí sắp tới trong cuộc họp giao ban tại Bộ Quốc phòng, với lý do lo ngại về an ninh.

Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2, chính quyền Tổng thống Biden đã triển khai hơn 100.000 quân tới các nước NATO và chi 2,6 tỷ USD viện trợ an ninh.

Hệ thống lựu pháo trọng lượng nhẹ M777 cỡ nòng 155 mm thuộc quân đội Mỹ. (Ảnh: Lục quân Mỹ). 

Kể từ đầu nhiệm kỳ Tổng thống của ông Biden, theo thông tin từ Nhà Trắng, Mỹ đã hỗ trợ Ukraine số tiền tổng cộng là 3,2 tỷ USD.

Trong những tuần đầu của cuộc xung đột, các đồng minh Phương Tây đã tìm cách phân biệt giữa vũ khí "phòng thủ" và "tấn công". Các nước thích viện trợ Ukraine tên lửa chống tăng và tên lửa phòng không hơn là các loại pháo hạng nặng.

Tuy nhiên, sau nhiều tuần giao tranh, các lãnh đạo Phương Tây đã từ bỏ ranh giới giữa hai khái niệm "phòng thủ" và "tấn công", đồng thời ngày càng tăng cường viện trợ cho Ukraine các vũ khí có sức công phá lớn như xe tăng, hệ thống tên lửa phòng không, lựu pháo hay trực thăng.

Minh Quang

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.