|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Sau khi gặp ông Tập, ông Biden tuyên bố: ‘Mỹ-Trung không cần Chiến tranh Lạnh’

10:31 | 15/11/2022
Chia sẻ
Sau cuộc gặp mặt kéo dài ba giờ với ông Tập, ông Biden đánh giá rằng Trung Quốc không có ý định sẽ sớm tấn công Đài Loan. Bắc Kinh cho biết hai vị nguyên thủ sẵn sàng “thực hiện các hành động cụ thể để đưa quan hệ Mỹ-Trung trở lại con đường phát triển ổn định".

 

Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt tay Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bali, Indonesia ngày 14/11/2022. (Ảnh: AFP). 

Sau cuộc gặp kéo dài ba giờ với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Indonesia hôm 14/11, Tổng thống Joe Biden khẳng định Mỹ và Trung Quốc “không cần một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”.

Ông Biden cũng nói: “Tôi không cho là Trung Quốc sắp bắt đầu nỗ lực tấn công Đài Loan”. Song, tờ CNBC cho biết gần đây thái độ của Trung Quốc đang trở nên mạnh bạo hơn và quân đội nước này cũng tiến hành những động thái gần eo biển Đài Loan.

Cuộc gặp mặt của hai vị nguyên thủ diễn ra tại Bali (Indonesia), một ngày trước khi hội nghị thượng đỉnh G20 khai mạc.

Tổng thống Biden cho biết ông và Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói chuyện thẳng thắn. Hai người đồng ý cử các nhà ngoại giao và thành viên trong nội các gặp nhau trực tiếp để giải quyết các vấn đề cấp bách.

Hai ông đã có 5 lần hội đàm qua video. Nhưng đây là lần đầu tiên hai người gặp mặt trực tiếp kể từ khi ông Biden đắc cử vào năm 2020. Cử chỉ giữa hai người thân thiện, hai người bắt tay nhau và ông Biden nói “Thật tuyệt khi được gặp ông”.

Tuy nhiên, công chúng vẫn sẽ phải chờ đợi để xem liệu cuộc gặp có tạo ra thay đổi thực sự trong mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh hay không.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhận xét cuộc đối thoại diễn ra “sâu sắc, thẳng thắn và mang tính xây dựng”. Hai nhà lãnh đạo đã đạt được “những hiểu biết chung quan trọng”, và họ sẵn sàng “thực hiện các hành động cụ thể để đưa quan hệ Mỹ-Trung trở lại con đường phát triển ổn định". 

Cạnh tranh gay gắt

Căng thẳng giữa hai nước đã âm ỉ trong hàng chục năm và bùng lên khi cựu Tổng thống Donald Trump phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc.

Sau khi lên nắm quyền vào năm 2021, ông Biden hầu như không thay đổi các chính sách thương mại của người tiền nhiệm. Thay vào đó, căng thẳng giữa hai nước càng gia tăng với lập trường chính sách đối ngoại của ông.

Theo tài liệu mà Nhà Trắng công bố, ông Biden đã nhắc đến “lo ngại về các hành động của Trung Quốc tại Tân Cương, Tây Tạng và Hong Kong, hay nói chung là vấn đề nhân quyền”.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc viết rằng ông Tập đã bác bỏ những lời than phiền của ông Biden và khẳng định Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn “kiên định theo đuổi tự do, dân chủ và nhân quyền”.

Ông Biden cũng nêu ra các hoạt động kinh tế của Trung Quốc mà ông cho là mang tính phi cạnh tranh, bao gồm sự can thiệp đáng kể của nhà nước vào thị trường tư nhân và các quy định yêu cầu doanh nghiệp quốc tế phải hợp tác với công ty Trung Quốc để được phép hoạt động tại nước này.

Chính quyền ông Biden đã phản ứng bằng một loạt các quy định nghiêm ngặt nhằm hạn chế hoặc thậm chí là ngăn cấm sự tham gia của doanh nghiệp Trung Quốc vào một số bộ phận của nền kinh tế Mỹ, đặc biệt là trong những lĩnh vực trọng yếu đối với quốc phòng.

Ranh giới đỏ về Đài Loan

Cả hai nhà lãnh đạo đều lặp lại “ranh giới đỏ” của hai nước về vấn đề chủ quyền của Trung Quốc đối với đảo Đài Loan.

Bắc Kinh vẫn còn tức giận về chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đến Đài Bắc trong năm nay. Vào thời điểm chuyến thăm diễn ra, Trung Quốc đã cử máy bay chiến đấu bay qua eo biển Đài Loan và sau đó ra lệnh trừng phạt bà Pelosi.

Tại Bali hôm 14/11, ông Biden khẳng định Mỹ vẫn giữ nguyên chính sách với hòn đảo. Ông bày tỏ: “Tôi đã làm rõ rằng Mỹ muốn các vấn đề liên quan đến eo biển Đài Loan được giải quyết một cách hòa bình, để mọi chuyện không bao giờ vượt quá giới hạn. Tôi tin ông Tập hoàn toàn hiểu những gì tôi nói”.

Nga và Ukraine

Ông Biden cho biết hai nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận về cuộc tấn công của Nga vào Ukraine. Chủ đề này khá nhạy cảm do Trung Quốc đã trở thành “phao cứu sinh kinh tế” cho Nga sau khi Moscow bị phương Tây trừng phạt.

Washington đã kiên quyết yêu cầu Bắc Kinh kiềm chế không bán vũ khí cho Nga để quân đội nước này sử dụng ở Ukraine, và cho tới nay chưa có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đã làm điều này.

Tại cuộc họp báo ngắn sau cuộc gặp, ông Biden phát biểu: “Chúng tôi đã tái khẳng định niềm tin chung rằng những lời đe dọa hoặc việc sử dụng vũ khí hạt nhân là hoàn toàn không thể chấp nhận được”. Tổng thống Vladimir Putin đã nhiều lần ngụ ý rằng Nga hoàn toàn có quyền triển khai vũ khí hạt nhân tại Ukraine.

Ông Biden cho biết màn thể hiện mạnh mẽ của các thành viên Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ đã giúp ông có thêm sức mạnh khi bước vào cuộc gặp mặt.

Ông nói: “Tôi nghĩ cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đã phát đi thông điệp rất mạnh mẽ rằng nước Mỹ sẵn sàng tham gia cuộc chơi. Nước Mỹ - bao gồm cả các đảng viên Cộng hòa lẫn Dân chủ -  có quan điểm thống nhất rằng chúng ta sẽ tiếp tục gắn kết với thế giới và chúng tôi biết rõ mình đang làm gì”.

Ông Biden sẽ dành hai ngày kế tiếp tại Bali để gặp mặt nguyên thủ các nước G20. Dự kiến chiến sự Nga-Ukraine sẽ là một trong những chủ đề nổi trội nhất.

Cảnh báo về Triều Tiên

Chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và các vụ phóng tên lửa gần đây là một trong những chủ đề mà ông Biden và ông Tập thảo luận. Trung Quốc vẫn là nước có nhiều ảnh hưởng nhất đối với Triều Tiên. Nhưng ông Biden không rõ Bắc Kinh có sức tác động cỡ nào đến các kế hoạch thử nghiệm vũ khí của Triều Tiên.

Ông Biden nói: “Tôi không dám chắc rằng Trung Quốc có thể kiểm soát Triều Tiên. Nhưng tôi đã nói rõ với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng tôi nghĩ Trung Quốc có nghĩa vụ phải cố gắng giúp Triều Tiên để họ hiểu là họ không nên tiến hành các cuộc thử nghiệm”.

Đáng chú ý, ông Biden nói thêm rằng nếu Trung Quốc không thể thuyết phục Triều Tiên dừng các vụ thử, Mỹ sẽ buộc phải “thực hiện những hành động mang tính phòng thủ hơn” để bảo vệ các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản.

Thông điệp ngầm của ông Biden là nếu Trung Quốc không thể kiềm chế các hành động khiêu khích của Triều Tiên, Bắc Kinh sẽ phải chứng kiến Mỹ chuyển thêm nhiều khí tài quân sự sang Tây Thái Bình Dương và tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực này.

Giang