|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tại Bali, Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập sẽ cố ngăn quan hệ Mỹ-Trung sụp đổ?

11:41 | 14/11/2022
Chia sẻ
Bắc Kinh và Washington đang mâu thuẫn về nhiều vấn đề như thương mại, đảo Đài Loan, vũ khí hạt nhân và Nga. Cuộc gặp gỡ trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo cấp cao nhất có thể là cơ hội để Mỹ-Trung giải quyết một số bất đồng.

 

Lần cuối cùng Tổng thống Joe Biden gặp Chủ tịch Tập Cận Bình là vào năm 2015, khi ông còn là Phó Tổng thống trong chính quyền Barack Obama. (Ảnh: Paul J. Richards/AFP).

Theo Financial Times, cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bali (Indonesia) tuần này sẽ là bài kiểm tra xem liệu hai nhà lãnh đạo có thể cứu vãn mối quan hệ sa sút giữa Mỹ và Trung Quốc hay không. 

Sau 4 năm đầy chông gai dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Bắc Kinh đã từng kỳ vọng rằng ông Biden sẽ xoa dịu được căng thẳng. Tuy vậy, quan hệ Mỹ-Trung đã tụt xuống ngưỡng thấp nhất kể từ khi cả hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1979.

Ông Paul Haenle tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế cho biết: “Sau hơn 4 thập kỷ, trong bối cảnh hai nước không có đối thủ chiến lược chung, cuộc cạnh tranh gia tăng và leo thang ngày một nghiêm trọng về an ninh, công nghệ, ý thức hệ đang lấn át, có nguy cơ đưa quan hệ hai bên vào cảnh bế tắc”.

Mỹ lo ngại về hoạt động quân sự của Trung Quốc xung quanh đảo Đài Loan, kho vũ khí hạt nhân đang mở rộng nhanh chóng của nước này và việc Bắc Kinh từ chối lên án Nga trong xung đột Ukraine.

Bắc Kinh thì cáo buộc Mỹ khuyến khích các lực lượng ủng hộ độc lập trên đảo Đài Loan, tạo ra liên minh “Bộ Tứ” để chống lại Trung Quốc và cố gắng kiềm chế nước này bằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip bán dẫn tiên tiến.

Tổng thống Joe Biden đã 5 lần nói chuyện với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình qua điện thoại hoặc video kể từ khi nhậm chức vào tháng 1/2020. (Ảnh: Mandel Ngan/AFP).

Ông Biden cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ vạch ra “lằn ranh đỏ” để xem liệu chúng có thể giúp giải quyết những khác biệt hay không. Cả hai đã trò chuyện 5 lần kể từ khi ông Biden trở thành Tổng thống Mỹ, phần lớn đều không mang lại kết quả.

Các quan chức Mỹ hy vọng cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với tư cách là nguyên thủ quốc gia giữa hai nhà lãnh đạo sẽ giúp tháo gỡ những bế tắc này.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết: “Không có gì có thể thay thế được kiểu giao tiếp trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo trong việc định hướng và kiểm soát một mối quan hệ có tầm quan trọng lớn lao”.

Những rào cản lớn

Tuy vậy, vẫn còn nhiều rào cản lớn. Các quan chức Mỹ cho rằng ông Tập đã không giữ lời sau khi tuyên bố với ông Biden vào một năm trước rằng Trung Quốc sẽ tham gia đàm phán về vũ khí hạt nhân.

Cũng thật khó để tưởng tượng rằng hai bên sẽ đạt được bất cứ thỏa hiệp nào liên quan tới đảo Đài Loan, vốn là vấn đề gây tranh cãi nhất trong quan hệ Mỹ-Trung.

Trong tuần này, khi được hỏi liệu ông có dự định nói với Chủ tịch Tập rằng Mỹ sẽ bảo vệ đảo Đài Loan nếu Trung Quốc tấn công vô cớ hay không, Tổng thống Biden cho biết: “Tôi sẽ thảo luận câu chuyện này với ông ấy”. Theo Financial Times, Tổng thống Mỹ đã đưa ra tuyên bố tương tự 4 lần.

Ông Evan Medeiros, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Georgetown, cho biết ông Biden muốn ổn định quan hệ và đặc biệt muốn “ngăn chặn vòng xoáy” căng thẳng về vấn đề đảo Đài Loan. Vị chuyên gia cho rằng ông Biden sẽ cố gắng trấn an Chủ tịch Tập rằng Mỹ sẽ không thay đổi chính sách “một Trung Quốc”.

Ông Medeiros cũng cảnh báo rằng mối hiềm khích sâu sắc giữa hai quốc gia có thể làm giảm khả năng thành công của cuộc gặp. “Cuộc gặp gỡ duy nhất một lần này sẽ không giải cứu hay xác định lại các mối quan hệ. Trong trường hợp tốt đẹp nhất, cuộc gặp gỡ có thể làm chậm đà suy thoái của quan hệ Mỹ-Trung”.

Bà Bonnie Glaser, một chuyên gia về Trung Quốc tại Quỹ Marshall của Đức, cho biết Bắc Kinh đã phát đi tín hiệu rằng họ không muốn quan hệ xấu đi.

“Có lẽ những tín hiệu này đã khiến ông Biden hy vọng rằng các mục tiêu của Mỹ và Trung Quốc sẽ có sự tương đồng”, bà nói. “Vì vậy, có lẽ hai bên sẽ đạt được tiến bộ. Nhưng cũng có khả năng là cuộc gặp gỡ này sẽ có kết quả giống những cuộc họp trước đó”.

Một nhà ngoại giao Trung Quốc cho biết có khả năng cuộc gặp gỡ sẽ giúp ích cho mối quan hệ bởi “cả hai bên đều đang nỗ lực” và một số vấn đề có thể được giải quyết.

Ông cho biết Bắc Kinh hy vọng phía Mỹ sẽ nối lại việc cấp thị thực cho sinh viên Trung Quốc. Đổi lại, Bắc Kinh có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các học giả và doanh nhân nước ngoài tới thăm Trung Quốc.

Các nhà phân tích Trung Quốc cho biết những kênh liên lạc giữa các quan chức, vốn bị Bắc Kinh đình chỉ sau chuyến thăm đảo Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi vào hồi tháng 8, có thể sẽ được khởi động lại.

“Trung Quốc không muốn một cuộc chiến tranh Lạnh mới, nhưng chúng tôi có rất nhiều yêu cầu với Mỹ”, ông Zhu Feng, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Kinh, nói.

Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tiến hành các vụ thử tên lửa vào vùng biển ngoài khơi đảo Đài Loan vào ngày 4/8. (Ảnh: Bộ tư lệnh Mặt trận Phía Đông/Reuters).

Tuy vậy, ngoài một số kết quả nhỏ, các chuyên gia Trung Quốc đang tỏ ra rất bi quan. “Trước đây, các vấn đề an ninh và kinh tế là những trụ cột riêng biệt trong mối quan hệ song phương Mỹ-Trung”, ông Wu Xinbo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Phục Đán, cho biết. Ông Wu nói rằng các vấn đề kinh tế hiện nay phụ thuộc vào những mối quan tâm chính trị và an ninh.

Ông Wang Chong, một chuyên gia về Mỹ tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Chiết Giang, cho biết cuộc gặp gỡ có thể ổn định quan hệ giữa hai nước sau những sự kiện bầu cử quan trọng.

“Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc và cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ đều đã kết thúc. Cả hai bên đều đã có những nhận định chắc chắn hơn về các vấn đề trong nước. Một cuộc họp sẽ có hiệu ứng tích cực trong việc giảm căng thẳng”, ông Wong cho biết.

Tuy vậy, Đảng Cộng hòa nhiều khả năng sẽ nắm quyền kiểm soát Hạ viện Mỹ. Những người trong phe Cộng hòa đang mong muốn Washington sẽ cứng rắn hơn với Bắc Kinh. Cũng chưa rõ liệu ông Tập có niềm tin rằng Tổng thống Mỹ có thể giảm bớt căng thẳng hay không, ngay cả khi đó là mục tiêu mà ông Biden đã tuyên bố.

“Người Trung Quốc không coi ông Biden là một rổng thống mạnh mẽ. Họ nghĩ rằng ông ấy quan tâm quá mức đến Đảng Cộng hòa và lo sợ bị coi là mềm mỏng với Trung Quốc”, một chuyên gia về Mỹ-Trung cho biết.

“Cũng không có gì đảm bảo rằng ông Biden sẽ nắm quyền sau hai năm nữa. Vì vậy, việc Bắc Kinh có tiếp tục đổ công sức vào Tổng thống Biden hay không vẫn là một dấu hỏi”, vị chuyên gia này cho biết.

Minh Quang