|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nước nào được lợi từ rạn nứt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc?

08:31 | 14/11/2022
Chia sẻ
Kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nổ ra năm 2018, kim ngạch xuất khẩu từ các nước châu Á khác sang Mỹ tăng mạnh. Trung Quốc và châu Âu cũng tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ phần còn lại của châu Á.

 

Người lao động làm việc tại nhà máy may mặc xuất khẩu ở tỉnh Hưng Yên, Việt Nam tháng 12/2020. (Ảnh: Reuters). 

Hình hài mới của thương mại quốc tế

Tờ Economist cho rằng có một chuyển biến lớn đang diễn ra trong các mô hình thương mại toàn cầu. Giờ đây, nhiều doanh nghiệp đang cân nhắc lại về quyết định sản xuất và nhiều chính phủ cũng thúc đẩy quá trình này.

Khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc hồi năm 2018, chuyển biến đó khiến không ít người bị sốc. Nhưng chính quyền kế nhiệm của Tổng thống Joe Biden cũng tiếp nối đường lối cứng rắn với Trung Quốc.

Gần đây, Mỹ ra lệnh cấm xuất khẩu công nghệ bán dẫn tiên tiến sang Trung Quốc và dự định triển khai các khoản trợ cấp trị giá hàng trăm tỷ USD để hỗ trợ ngành bán dẫn trong nước.

Hiện giờ, sự thay đổi của dòng chảy thương mại có vẻ là điều không thể tránh khỏi – và hình hài mới của thương mại quốc tế cũng ngày càng trở nên rõ ràng.

Thương mại hàng hóa toàn cầu đã phục hồi ngoạn mục sau giai đoạn suy yếu đầu đại dịch. Năm ngoái, tỷ trọng thương mại hàng hóa trong GDP thế giới đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2014, tờ Economist cho biết. Nhưng không phải tuyến đường thương mại nào cũng phồn thịnh.

Khi ông Trump chuyển sang chủ nghĩa bảo hộ, một số người hy vọng rằng các nền kinh tế ở châu Phi và Mỹ Latinh có thể sẽ thu hút được một số dây chuyền mà thông thường sẽ đặt tại Trung Quốc. Song, điều này đã không xảy ra. Các nước được hưởng lợi nhiều nhất từ việc các mô hình thương mại thay đổi lại đến từ châu Á.

Dữ liệu thương mại toàn cầu được cập nhật rất chậm chạp, do đó cách tốt nhất để hiểu được những gì đang diễn ra là phân tích số liệu nhập khẩu của các nền kinh tế lớn. Theo dữ liệu Mỹ công bố ngày 3/11, kim ngạch nhập khẩu của Mỹ đã tăng 1/3 kể từ năm 2018. Tuy nhiên, lợi ích mà các đối tác thương mại của Mỹ được hưởng thì không giống nhau.

Nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ nhỉnh hơn 6% so với 4 năm trước, cho thấy sự sụt giảm đáng kể của thị phần Trung Quốc tại Mỹ kể từ khi cuộc chiến thương mại giữa hai nước bắt đầu.

Nhập khẩu của Mỹ từ Liên minh châu Âu (EU) cũng tăng trưởng một cách mờ nhạt, chỉ cao hơn 12% so với năm 2018. Xu hướng friendshoring – chuyển sản xuất sang các nước bằng hữu – đang diễn ra, nhưng không quá ấn tượng. Nhập khẩu của Mỹ từ Canada và Mexico tăng lần lượt 39% và 34%.

Quán quân trong 4 năm qua là châu Á. Xuất khẩu từ Bangladesh và Thái Lan sang Mỹ nhảy vọt 80% kể từ năm 2018, còn xuất khẩu từ Việt Nam tăng tới 170%. Ấn Độ và Indonesia cũng chứng kiến xuất khẩu sang Mỹ tăng trưởng hơn 60%.

Diễn biến trên đồng nghĩa với việc tỷ trọng của Trung Quốc trong nhập khẩu hàng hoá của Mỹ đã giảm từ 21% xuống 17% trong giai đoạn 2018-2022. Trung Quốc từng chiếm gần một nửa xuất khẩu của châu Á đến Mỹ, nhưng giờ con số này chỉ còn khoảng hơn 1/3.

 

Lợi đôi đường

Mỹ không phải nước duy nhất đẩy mạnh thương mại với các nước châu Á. Trung Quốc cũng mua nhiều hàng hơn từ các nước trong khu vực.

Trong 9 tháng đầu năm nay, tỷ trọng hàng Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ đã giảm 2 điểm % so với cùng kỳ năm 2018. Kim ngạch hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu từ EU cũng giảm tương tự. Mặt khác, tỷ trọng của các nước thuộc ASEAN trong nhập khẩu của Trung Quốc lại tăng 2 điểm %.

Số liệu thương mại của EU được cập nhật chậm hơn, nhưng chúng vẫn thể hiện rõ sự trỗi dậy của châu Á. Tỷ trọng hàng hóa mà EU nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng trong năm ngoái, nhưng tỷ trọng nhập khẩu từ Nam Á và Đông Nam Á cũng vậy.

Cả Trung Quốc lẫn châu Âu đều không ghi nhận mức tăng trưởng nhập khẩu tương tự từ những khu vực khác trên thế giới.

Theo tờ Economist, phát triển các nguồn hàng hóa hay linh kiện mới là công việc tốn nhiều thời gian và công sức.

Bởi vậy, chuyển biến trong các mô hình thương mại được thể hiện trong các dữ liệu trên hầu hết đang phản ánh lựa chọn mà giới doanh nghiệp đã đưa ra từ trước khi các rắc rối địa chính trị năm 2022 xảy ra.

Có vẻ các đòn thuế quan của ông Trump vẫn có vai trò nhất định. Theo phân tích ngành gần đây của ông Chad Bown, chuyên gia thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, thị phần của Trung Quốc trong các mặt hàng Mỹ nhập khẩu không bị áp thuế quan đã tăng từ 36% lên 39% trong năm nay.

Nhưng đối với những hàng hóa chịu thuế 7,5%, thị phần của Trung Quốc giảm từ 24% xuống 18%. Và đối với những mặt hàng bị áp thuế lên đến 25%, thị phần của Trung Quốc rớt từ 16% xuống 10%. Nhìn chung, Mỹ đã giảm đáng kể sự phụ thuộc vào hàng hóa của Trung Quốc, từ đồ nội thất cho đến chip bán dẫn.

Nhiều người từng kỳ vọng rằng khi chuyển biến xảy ra, chuỗi cung ứng sẽ trải dài từ Mỹ Latin đến châu Phi và giúp định hình lại bối cảnh kinh tế thế giới, nhưng giấc mơ vẫn sẽ chỉ là giấc mơ.

Tuy nhiên, hướng đi mới của thương mại toàn cầu sẽ đem lại lợi ích lớn cho các quốc gia từ Ấn Độ cho đến Philippines. Theo thời gian, khi căng thẳng địa chính trị bùng nổ, ngày càng nhiều giá trị của các chuỗi cung ứng có thể sẽ được chuyển dịch khỏi Trung Quốc và tập trung tại các quốc gia châu Á khác.

Giang