Trung Quốc đẩy mạnh nới lỏng Zero COVID nhưng nền kinh tế sẽ phục hồi chậm
Sau hơn ba năm kể từ khi phát hiện trường hợp nhiễm COVID đầu tiên, Trung Quốc đang phát đi tín hiệu mạnh mẽ nhất cho thấy họ đã bắt đầu nới lỏng chính sách Zero COVID.
Từ lâu, giới chuyên gia đã coi việc từ bỏ các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt là chìa khoá để nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phục hồi hoàn toàn.
Song, các nhà phân tích cho rằng dù Bắc Kinh đã đạt được một số bước tiến trong việc mở cửa trở lại, con đường phục hồi sẽ diễn ra chậm chạp và gian nan khi số ca nhiễm tăng cao trong vài tháng tới.
Hôm 30/11, Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan - người lãnh đạo công tác ứng phó dịch bệnh của Trung Quốc trong ba năm qua - đã đưa ra một thông báo mới.
Bà nói chính sách chống dịch của Trung Quốc đang bước vào gia đoạn mới sau khi khả năng lây lan của virus suy yếu và việc tiêm chủng trở nên phổ biến hơn, tờ Xinhua đưa tin.
Theo SCMP, điểm đáng chú ý là thông báo của bà Tôn Xuân Lan không đề cập đến “chính sách Zero COVID linh động” - một nội dung cố định trong các báo cáo chính thức về dịch bệnh trong năm qua.
Quảng Châu là địa phương thực hiện những bước đầu tiên hướng tới việc nới lỏng Zero COVID vào ngày 30/11. Thành phố này đã dỡ bỏ các lệnh phong toả và nới lỏng các yêu cầu xét nghiệm bắt buộc.
Việc tìm kiếm vé máy bay và vé tàu từ Quảng Châu đã tăng vọt trên nhiều nền tảng sau thông báo của chính quyền địa phương.
Mặc dù thị trường ngay lập tức hoan nghênh tin tức trên, một số nhà phân tích đang tỏ ra thận trọng hơn.
Chia sẻ với SCMP, ông Lu Ting, kinh tế trưởng của Nomura về thị trường Trung Quốc, cho hay: “Chúng tôi e rằng con đường để Trung Quốc tiến tới ‘sống chung với virus’ vẫn sẽ diễn ra chậm chạp, tốn kém và gập ghềnh”.
“COVID có thể dễ lây lan hơn vào mùa đông, chính phủ cần thời gian để thay đổi thông điệp về dịch bệnh và việc số ca nhiễm gia tăng cũng như hoạt động kinh tế - xã hội bị gián đoạn là điều không thể tránh khỏi”, ông nói thêm.
Vị chuyên gia cho rằng quá trình phục hồi kinh tế thực sự, dự kiến được dẫn dắt bởi sự khởi sắc trong lĩnh vực tiêu dùng, chỉ có thể xảy ra khi số trường hợp nhiễm COVID bắt đầu giảm mạnh.
Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc (EuroCham) cho biết chính phủ Trung Quốc đã lãng phí “ít nhất một năm qua để chuẩn bị nền tảng cho miễn dịch cộng đồng”.
“Nếu các hạn chế được dỡ bỏ trước khi Trung Quốc đạt được trạng thái miễn dịch cộng đồng, các bệnh liên quan đến COVID sẽ có nguy cơ gia tăng đáng kể”, EuroCham cảnh báo trong một văn bản gửi đến SCMP.
EuroCham cũng lưu ý thêm rằng chính quyền Bắc Kinh cần triển khai một chương trình tiêm chủng cho toàn bộ người dân trong nước.
“Điều này sẽ gây căng thẳng rất lớn cho hệ thống y tế và có thể buộc chính quyền các địa phương siết chặt chính sách chống dịch. Chuỗi cung ứng sẽ bị bóp nghẹt như trong nửa đầu năm 2022”, EuroCham viết thêm.
“Tác động đến hoạt động kinh doanh và thiệt hại tiềm tàng đến nền kinh tế sẽ rất đáng ngại. Chúng tôi hy vọng...chính phủ Trung Quốc sẽ lắng nghe thị trường”, tuyên bố có đoạn.
Thông báo của Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan đã ngay lập tức kích hoạt một cuộc phục hồi của cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Mỹ. Đồng nhân dân tệ cũng mạnh lên so với đồng USD.
Đà tăng tiếp nối sang phiên giao dịch 1/12 trên cả thị trường chứng khoán đại lục và Hong Kong, dẫn đầu là lĩnh vực tiêu dùng.
Trong khi đó, lĩnh vực dịch vụ hiện là nạn nhân lớn nhất của chính sách Zero COVID. Lĩnh vực sản xuất, vốn được hưởng lợi từ việc nhu cầu quốc tế bùng nổ trong giai đoạn đầu của đại dịch, cũng bắt đầu gặp khó khăn trong năm nay.
Trong bối cảnh virus trở nên dễ lây lan hơn, các ngành công nghiệp chế tạo của Trung Quốc đã lao đao khi hoạt động xuất khẩu suy yếu và chuỗi cung ứng gián đoạn nghiêm trọng.
Các cố vấn của chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh rằng nền kinh tế phải trở lại quỹ đạo bình thường càng sớm càng tốt để tránh tình trạng suy giảm kéo dài.
Goldman Sachs và UBS dự đoán tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc sẽ tăng khoảng 4,5% vào năm 2023. Trong khi đó, Morgan Stanley dự đoán mức tăng trưởng năm tới là 5%, còn Nomura lại thận trọng hơn với dự báo là 4%.