|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc lại phong tỏa diện rộng sau hai tuần nới lỏng, khó dẫn dắt tăng trưởng kinh tế toàn cầu

08:38 | 25/11/2022
Chia sẻ
Các đợt phong toả trên diện rộng trên khắp Trung Quốc đang đe doạ một lần nữa gây ra bất trắc cho chuỗi cung ứng toàn cầu và làm mờ đi triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới.

Cuộc chiến căng như dây đàn

Trong tuần này, để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, các nhà chức trách trên khắp Trung Quốc đã phải áp đặt phong toả trên diện rộng.

Theo Wall Street Journal (WSJ), hôm 23/11, Trung Quốc báo cáo gần 30.000 ca nhiễm mới - mức cao nhất từng được ghi nhận. Đại dịch COVID-19 lan rộng tại hầu khắp các khu vực trên cả nước.

Các biện pháp hạn chế mới đối với cuộc sống thường nhật và hoạt động kinh tế được áp dụng ở nhiều tỉnh thành lớn gồm Bắc Kinh, Quảng Châu và Thiên Tân.

Thạch Gia Trang - thành phố có 11 triệu dân ở phía tây nam thủ đô Bắc Kinh - từng cố gắng nỏi lỏng một số quy định chống dịch nhưng đã đảo ngược quyết định trong vài ngày sau khi số ca bệnh tăng đột biến.

Thượng Hải cũng thắt chặt các hạn chế với du khách, dù các nhà chức trách hiện vẫn đang kiểm soát được đợt bùng phát mới. Hôm 24/11, trung tâm tài chính của Trung Quốc báo cáo thêm 68 ca nhiễm mới.

Theo Capital Economics, hơn 80 thành phố của Trung Quốc đang phải chống chọi với mức độ lây nhiễm cao. (Ảnh minh hoạ: Bloomberg).

Báo cáo mới của hãng tư vấn Capital Economics cho biết, hơn 80 thành phố của Trung Quốc đang phải chống chọi với mức độ lây nhiễm cao. Thời điểm Thượng Hải bị phong toả hồi đầu năm nay, chỉ có khoảng 50 thành phố được xếp vào diện này.

Hơn 80 thành phố nói trên hiện tạo ra khoảng một nửa tổng sản phẩm quốc nội hàng năm của Trung Quốc và cung ứng hơn 90% nguồn hàng xuất khẩu của đất nước tỷ dân, báo cáo nêu rõ.

Không thể làm đầu tàu

Cuộc chiến chống dịch của Trung Quốc diễn ra ngay tại thời điểm các nền kinh tế ở những khu vực khác giảm tốc trong bối cảnh các ngân hàng trung ương (NHTW) tăng mạnh lãi suất để đẩy lùi lạm phát.

Theo WSJ, các bước đi mạnh tay và được áp dụng rộng rãi của Bắc Kinh đang phát đi một tín hiệu rõ ràng rằng Trung Quốc chưa sẵn sàng mở cửa hoàn toàn nền kinh tế, dù các nước lớn khác đã chuyển sang sống chung với dịch bệnh từ lâu.

Cách tiếp cận không khoan nhượng của Bắc Kinh đối với COVID cho thấy thế giới không thể dựa vào Trung Quốc như một đầu tàu tăng trưởng trong lúc nền kinh tế Mỹ và châu Âu chững lại. Mỹ hiện được dự đoán sẽ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới.

Ông Shuang Ding - kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc và Bắc Á của Standard Chartered - nhận xét: “Một số người kỳ vọng rằng khi thế giới chậm lại, Trung Quốc sẽ tiến lên”. Tuy nhiên, ông nói điều đó khó có thể xảy ra trong nửa đầu năm tới.

Theo các nhà phân tích, nếu Trung Quốc tăng trưởng yếu ớt trong năm 2023, nhu cầu năng lượng và hàng hoá của nước này sẽ giảm bớt, qua đó hạn chế áp lực lạm phát trên toàn cầu. Các NHTW, người tiêu dùng và doanh nghiệp quốc tế sẽ được hưởng lợi.

Tuy nhiên, nếu chuỗi cung ứng rơi vào tình trạng gián đoạn nghiêm trọng tương tự như khi trung tâm tài chính Thượng Hải bị phong toả hai tháng hồi mùa xuân năm nay, áp lực giá cả ngược lại sẽ đi lên.

 

Sau đại hội đảng lần thứ 20 mới đây, các nhà đầu tư đã kỳ vọng rằng Bắc Kinh có thể sẽ nhanh chóng từ bỏ chiến lược Zero COVID.

Giữa tháng 11, chính phủ đã công bố một bản kế hoạch 20 điểm nhằm điều chỉnh một số biện pháp kiểm soát dịch bệnh, chẳng hạn như giảm thời gian cách ly bắt buộc và nới lỏng các hạn chế đối với trường hợp tiếp xúc gần.

Động thái bất ngờ của Bắc Kinh khiến nhiều người nuôi hy vọng rằng nền kinh tế tỷ dân sẽ sớm mở cửa và phục hồi trở lại.

Song, việc nới lỏng các biện pháp chống COVID theo hướng bền vững khó có thể xảy ra cho đến khi chính phủ Trung Quốc có thể tăng tỷ lệ tiêm chủng, đặc biệt là ở nhóm dân số lớn tuổi và dễ bị tổn thương, đồng thời mở rộng công suất bệnh viện.

Công chúng có thể thấy hậu quả kinh tế tiềm tàng của chính sách chống dịch tại nhà máy lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới của Foxconn ở thành phố Trịnh Châu. Tuần này, công nhân đã tổ chức biểu tình và đụng độ với cảnh sát sau nhiều tuần bị kiểm soát hà khắc.

Trước đó, hàng nghìn công nhân đã tháo chạy khỏi nhà máy trên, trong khi việc cách ly hàng loạt nhân viên khiến công suất lắp ráp giảm mạnh và Apple đã cảnh báo rằng các lô hàng iPhone cao cấp sẽ thấp hơn dự kiến vì những gián đoạn đó.

Chia sẻ với WSJ, các nhà kinh tế và chuyên gia về chuỗi cung ứng cho biết họ lạc quan thận trọng rằng sự gián đoạn tương tự như ở Thượng Hải khó có thể xảy ra, bởi người tiêu dùng phương Tây đang thắt lưng buộc bụng.

Song, họ lưu ý rằng vấn đề vẫn có thể phát sinh, đặc biệt là nếu các đợt phong toả ảnh hưởng đến hệ thống cảng hoặc sân bay hoặc các hạn chế vẫn tiếp diễn trong năm tới.

“Mọi chuyện có trở nên tồi tệ như trước? Quan điểm chung của chúng tôi là không”, ông Glenn Koepke, quản lý cấp cao tại nền tảng FourKites, cho hay. Tuy nhiên, ông nói nếu dịch bùng mạnh ở các thành phố cảng lớn, “đó sẽ là một mối quan ngại”.

Dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đã chậm lại trước khi chính quyền địa phương tái áp đặt các hạn chế mới. Chỉ số PMI sản xuất và dịch vụ đều thu hẹp trong tháng 10, trong khi xuất khẩu giảm so với một năm trước.

Một số nhà kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc. Ông Ting Lu, kinh tế trưởng của Nomura ở thị trường Trung Quốc, dự kiến GDP quý IV sẽ giảm 0,3% so với quý III và tăng trưởng cả năm 2022 chỉ đạt 2,8%.

Hôm 23/11, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã cam kết sẽ nỗ lực hỗ trợ cho nền kinh tế. Hội đồng thông báo rằng NHTW Trung Quốc sẽ sớm hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại, cho phép họ tăng cường hoạt động cho vay.

Trao đổi với WSJ, các chuyên gia kinh tế cho rằng khả năng phục hồi của Trung Quốc trong năm tới sẽ phụ thuộc vào việc Bắc Kinh có tìm ra lối thoát khả thi khỏi chiến lược Zero COVID hay không.

Hầu hết các nhà kinh tế đều không tin Trung Quốc sẽ hành động đặc biệt nhanh chóng, thay vào đó các nhà chức trách sẽ điều chỉnh chính sách theo từng bước chậm.

Ông Lu và những người khác nói rằng quá trình mở cửa hoàn toàn khó có thể bắt đầu trước quý II năm sau và giới chức sẽ thường xuyên đảo ngược chính sách khi COVID-19 bùng phát nhiều lần.

Yên Khê