|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhiều doanh nghiệp lay lắt sống qua ngày, Trung Quốc có lẽ đã mở cửa quá muộn

14:43 | 22/11/2022
Chia sẻ
Trung Quốc đang đi từng bước chậm chạp để mở cửa nền kinh tế trở lại. Tuy nhiên, điều này có lẽ là quá muộn đối với nhiều doanh nghiệp trên khắp cả nước, đặc biệt là các công ty trong ngành dịch vụ.

Ai trụ được đến năm sau

Công ty du lịch ẩm thực của anh Brian Bergey và vợ Hu Ruixi đã trụ vững trong suốt ba năm Trung Quốc áp dụng chính sách chống dịch hà khắc.

Tuy nhiên, ngay khi tâm trạng phấn khích lan toả các thị trường tài chính toàn cầu bởi thông tin nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ từ bỏ chính sách Zero COVID trong năm tới, hai vợ chồng Bergey lại đang khăn gói rời đi.

Chia sẻ với Reuters, anh Bergey cho hay: “Tôi vẫn khá bi quan về tin đồn mở cửa trở lại của Trung Quốc”.

Công ty Lost Plate của cặp vợ chồng đã tổ chức các tour du lịch ẩm thực tại một số thành phố của Trung Quốc từ năm 2015. Giờ đây, họ sẽ đến khu vực Đông Nam Á để tìm kiếm cơ hội mới.

 

Cô Camden Hauge chụp ảnh bên trong quán cà phê của mình ở Thượng Hải. (Ảnh: Reuters). 

Đầu tháng 11, Trung Quốc, một trong những quốc gia cuối cùng vẫn chưa chịu sống chung với virus, đã công bố một văn bản gồm 20 điểm nhằm nới lỏng chiến lược Zero COVID.

Động thái đó đã thúc đẩy giá cổ phiếu, trái phiếu và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc lên cao hơn. Một loạt tài sản tại châu Á, châu Âu và châu Mỹ Latin cũng tăng giá, theo Reuters.

Theo nhận định của các nhà đầu tư, nếu Trung Quốc tái kết nối với thế giới vào năm tới, nền kinh tế tỷ dân sẽ phục hồi sau đợt suy giảm nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ.

Cùng với triển vọng bứt tốc của nền kinh tế Trung Quốc, nguy cơ suy thoái toàn cầu trong năm 2023 cũng có thể giảm bớt.

Tuy nhiên, sự lạc quan ở các thị trường quốc tế lại trái ngược với thực tế ảm đạm bên trong nền kinh tế Trung Quốc. Rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty trong lĩnh vực dịch vụ, lo sợ rằng họ có thể không trụ được cho đến năm sau.

Trung Quốc vẫn đang phải chiến đấu với đợt bùng phát dịch nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Giữa lúc đó, người tiêu dùng lại đang cố gắng tích trữ tiền mặt để phòng ngừa bất trắc xảy ra.

Nữ doanh nhân người Mỹ Camden Hauge hiện đang sở hữu một loạt quán cà phê, quán bar, quầy trà và một công ty tổ chức sự kiện tại Thượng Hải. Cô cho biết: “Điều quan trọng là đến tháng 2, tháng 3 năm sau chúng ta thấy ai thực sự sống sót qua mùa đông”.

Sau hai tháng bị phong toả hồi đầu năm và thường xuyên không thể tiếp cận các nhu yếu phẩm cơ bản, 25 triệu dân ở Thượng Hải sẽ tiếp tục tránh đến các địa điểm đông người trong một thời gian dài, bất kể chính phủ có nới lỏng quy định, Hauge dự đoán.

“Mọi người sẽ không thay đổi ngay và quay trở lại cuộc sống trước đây”, nữ doanh nhân nhấn mạnh với Reuters.

 

 

 

Người tiêu dùng không được ưu tiên

Nền kinh tế Trung Quốc được kỳ vọng sẽ tăng trưởng khoảng 3% trong năm nay, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu chính thức “khoảng 5,5%”. Loạt dữ liệu kinh tế tháng 10 đều thấp hơn dự báo vốn đã bi quan của các nhà phân tích.

Xuất khẩu đi xuống. Lạm phát chững lại. Các khoản cho vay mới của hệ thống ngân hàng lao dốc. Thị trường bất động sản chìm sâu vào khủng hoảng. Doanh số bán lẻ lần đầu sụt giảm kể từ khi Thượng Hải bị phong toả.

Trong bối cảnh đợt bùng phát lần này ngày càng trầm trọng, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khó có khả năng bật dậy trong ngắn hạn.

Đầu tháng này, JPMorgan ước tính các thành phố báo cáo hơn 10 ca nhiễm mới mỗi ngày hiện có tổng dân số vào khoảng 780 triệu người và đóng góp 62,2% GDP - gần gấp ba lần tỷ lệ ghi nhận hồi cuối tháng 9.

Trên toàn quốc, tỷ lệ tiêm chủng các mũi đầu và mũi tăng cường vẫn còn thấp, đặc biệt là ở những nhóm dân số dễ bị tổn thương như người già. Điều này khiến các nhà chức trách cảnh giác với việc nới lỏng chính sách Zero COVID.

Do đó, các quy định mới của chính quyền trung ương không được địa phương triển khai một cách đồng bộ. Chính quyền ở một số thành phố đã nới lỏng các hạn chế, trong khi những nơi khác thì thắt chặt.

Ở một số địa phương, giới chức phải đứng ra trấn an người dân rằng việc điều chỉnh các biện pháp COVID không có nghĩa là họ đang mất cảnh giác với dịch bệnh.

Nhân viên y tế đi quanh một khu chung cư đã bị phong toả ở Bắc Kinh. (Ảnh: Reuters).

Tiếp xúc với loạt thông điệp trái chiều như vậy, một số gia đình đã quyết định tự giải quyết vấn đề của mình, Reuters cho hay.

Các bài đăng trên mạng xã hội cho thấy nhiều bậc cha mẹ lo sợ con có thể bị nhiễm COVID, vì vậy họ đã sử dụng những lý do như đau răng hoặc nhiễm trùng tai để ngăn cản con đến trường.

Các nhà kinh tế cảnh báo rằng có thể phải mất một thời gian để các hộ gia đình này trở lại cuộc sống bình thường, như ra ngoài ăn tối hoặc đi mua sắm.

“Các biện pháp mới để ‘tối ưu hoá’ chính sách chống dịch dường như đang gây ra hỗn loạn, bởi chính quyền từng địa phương vẫn đang cố gắng diễn giải thông điệp của Bắc Kinh”, các nhà phân tích tại Gavekal Dragonomics nhận xét.

“Điều này cho thấy triển vọng kinh tế không thực sự vững chắc và có khả năng sẽ tiếp tục đè nặng lên hoạt động tiêu dùng lẫn doanh số bất động sản trong thời gian tới”, nhóm chuyên gia cảnh báo.

Theo Reuters, tình trạng bế tắc đó đang phản ánh một thực tế là các nhà chức trách hiện không ưu tiên lợi ích của người tiêu dùng. Đây rõ ràng là điềm báo xấu cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ.

Quán bar Union Trading Company của anh Yao Lu ở Thượng Hải từng chễm chệ trong danh sách “những quán bar tốt nhất” thế giới trong các năm trước. Còn trong năm nay, nó chỉ mở được 50 ngày.

“Những biến động trong năm nay dạy chúng tôi rằng bất kỳ kế hoạch nào cho tương lai đều không còn quan trọng. Chúng tôi chỉ biết cố gắng sống sót qua từng ngày”, Yao chia sẻ với Reuters.

Yên Khê

Chủ tịch Hồ Hùng Anh: Techcombank sẽ mở rộng thêm mảng SME, tín dụng tiêu dùng, mục tiêu vốn hoá 20 tỷ USD năm 2025
Techcombank dự kiến chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15% sau 10 năm liên tiếp giữ lại lợi nhuận. Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết Techcombank đang xây dựng chính sách để chia cổ tức một cách bền vững, trong dài hạn chứ không chỉ là một vài năm.