|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Người trẻ Trung Quốc quay lưng với các nhà máy, 'công xưởng của thế giới' nguy cơ thiếu 30 triệu công nhân

11:00 | 22/11/2022
Chia sẻ
"Công xưởng của thế giới" Trung Quốc gặp rắc rối khi người trẻ không chịu làm việc trong nhà máy, dù nhu cầu lao động ở những lĩnh vực khác không thực sự khả quan.

 

"Công xưởng thế giới" Trung Quốc gặp rắc rối khi người trẻ không chịu làm việc trong nhà máy. (Ảnh: Reuters). 

Việc nặng lương thấp

Sinh ra và lớn lên tại một ngôi làng ở Trung Quốc, anh Julian Zhu chỉ gặp mặt cha vài lần mỗi năm. Cha anh phải làm việc quần quật mỗi ngày tại nhà máy dệt ở tỉnh Quảng Đông và chỉ về nhà vào những dịp nghỉ lễ.

Đối với thế hệ trước, việc làm ở nhà máy là cách để thoát khỏi cảnh nghèo khó ở nông thôn. Nhưng anh Zhu và hàng triệu người lao động trẻ ở Trung Quốc không nhìn thấy sự hấp dẫn của một công việc lương thấp, nặng nhọc, giờ làm việc dài và đi kèm với rủi ro chấn thương.

Anh Zhu, nay 32 tuổi, đã nghỉ làm ở một dây chuyền sản xuất vài năm trước. Anh kiếm sống bằng cách bán sữa trẻ em và giao hàng cho một siêu thị ở Thâm Quyến.

Anh chia sẻ với tờ Reuters: “Sau một khoảng thời gian, công việc ở nhà máy sẽ khiến đầu óc bạn bị tê liệt. Tôi không thể chịu nổi sự lặp lại liên tục ngày này qua ngày khác”.

Mỗi tháng anh Zhu kiếm được ít nhất 10.000 nhân dân tệ (tương đương 1.421 USD), tùy vào số giờ làm việc. Mức thu nhập này cao gần hai lần tiền lương ở nhà máy, nhưng anh phải tốn thêm một khoản cho nhà ở vì nhiều nhà máy có ký túc xá riêng.

Người trẻ ở độ tuổi 20-30 từ chối việc làm ở nhà máy đang góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nhân lực trong ngành sản xuất của Trung Quốc – nơi xuất xưởng 1/3 lượng hàng hóa được tiêu thụ trên toàn cầu.

Các chủ nhà máy cho biết họ sẽ sản xuất được nhiều hơn và nhanh hơn nếu lớp trẻ thay thế lực lượng lao động già cỗi hiện tại. Nhưng họ khó có thể tăng lương và cải thiện điều kiện lao động như mong muốn của người trẻ, bởi làm vậy có nguy cơ khiến lợi thế cạnh tranh suy giảm.

Theo khảo sát của CIIC Consulting, hơn 80% nhà sản xuất của Trung Quốc thiếu hụt từ hàng trăm đến hàng nghìn công nhân trong năm nay, tương đương 10-30% toàn bộ lực lượng lao động của họ. Bộ Giáo dục Trung Quốc dự báo đến năm 2025 nước này sẽ thiếu gần 30 triệu công nhân sản xuất, lớn hơn cả dân số Australia.

Trên giấy tờ, nguồn cung lao động của Trung Quốc đang rất dư dả. Khoảng 18% người trong độ tuổi 16-24 đang thất nghiệp. Riêng năm 2022 có đến 10,8 triệu sinh viên tốt nghiệp bước vào thị trường lao động ảm đạm, ngoại trừ ngành sản xuất.

Nền kinh tế Trung Quốc vẫn bị bủa vây bởi các hạn chế COVID-19, khủng hoảng thị trường nhà đất và loạt chính sách kiểm soát khu vực tư nhân. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đang đối mặt với mức tăng trưởng chậm nhất trong nhiều thập kỷ.

Ông Klaus Zenkel, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu ở miền nam Trung Quốc, chuyển đến khu vực này khoảng hai thập kỷ trước.

Khi đó, số sinh viên tốt nghiệp còn chưa bằng 1/10 năm nay và GDP (tính theo tỷ giá USD hiện tại) chỉ bằng 1/15 bây giờ. Ông điều hành một nhà máy ở Thâm Quyến có 50 công nhân, chuyên sản xuất phòng chắn từ tính dùng trong bệnh viện.

Ông cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế chóng mặt của Trung Quốc trong những năm gần đây đã nâng cao nguyện vọng của người trẻ và khiến công việc nhà máy ngày càng bị “mất giá” trong mắt thế hệ mới.

Ông chia sẻ: “Chẳng sớm thì muộn chúng tôi cũng cần thêm người trẻ, nhưng việc tuyển dụng rất khó khăn. Các ứng viên nhìn lướt qua rồi nói ‘Cám ơn nhưng công việc này không hợp với tôi’”.

Lời giải ở Việt Nam?

Các nhà sản xuất cho biết họ có ba giải pháp chính để giải quyết tình trạng chênh lệch cung-cầu lao động: hy sinh biên lợi nhuận để tăng lương cho công nhân; đầu tư thêm cho tự động hóa; hoặc chuyển cơ sở sang các địa điểm rẻ hơn như Việt Nam hoặc Ấn Độ. Nhưng cả ba lựa chọn này đều khó để thực hiện.

Ông Liu, chủ nhà máy trong chuỗi cung ứng pin xe điện, đã đầu tư vào các thiết bị sản xuất tiên tiến hơn. Nhưng các công nhân lớn tuổi lại gặp khó khăn trong việc sử dụng thiết bị. Ông đã cố gắng thu hút người trẻ bằng cách tăng lương 5% nhưng vẫn thất bại.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc nhấn mạnh rằng tự động hóa và nâng cấp công nghiệp là giải pháp cho lực lượng lao động già hóa. Nhưng tự động hóa cũng chỉ có giới hạn.

Bà Dotty, quản lý tại một nhà máy xử lý thép không gỉ ở thành phố Phật Sơn, đã tự động hóa hoạt động đóng gói sản phẩm và làm sạch bề mặt sản phẩm. Nhưng bà nói rằng việc cải tiến các quy trình khác là quá đắt đỏ và công ty vẫn cần lao động trẻ để duy trì việc sản xuất.

Bà giải thích: “Sản phẩm của chúng tôi rất nặng. Chúng tôi cần người để chuyển chúng giữa các quy trình xử lý khác nhau. Hoạt động này cần nhiều lao động làm việc trong nhiệt độ cao và chúng tôi gặp khó khăn trong việc tuyển dụng”.

Ông Brett, quản lý tại một nhà máy sản xuất bàn phím và tay cầm chơi game ở thành phố Đông Hoản, cho biết số đơn đặt hàng đã giảm một nửa trong những tháng gần đây. Nhiều đồng nghiệp của ông đã chuyển sang Việt Nam và Thái Lan.

Ông đang đặt ưu tiên hàng đầu cho việc “sống sót” và dự định sa thải 15% trong số 200 công nhân hiện tại. Nhưng ông vẫn muốn có thêm sức trẻ ở dây chuyền lắp ráp.

Mâu thuẫn

Theo tờ Reuters, trong vài thập kỷ qua, ngành chế tạo Trung Quốc đã xây dựng được tính cạnh tranh so với các nước khác nhờ vào chi phí lao động thấp.

Nhưng mong muốn duy trì hiện trạng đó đang xung đột với nguyện vọng của thế hệ mới. Người trẻ được giáo dục tốt hơn và không muốn sống trong vòng lặp ngủ-làm-ngủ để kiếm sống như cha mẹ họ.

Thay vì chấp nhận công việc dưới trình độ học vấn của mình, khoảng 4,6 triệu người Trung Quốc đã đăng ký hệ sau đại học trong năm nay – con số cao nhất từ trước đến nay. Truyền thông nhà nước cho biết mỗi vị trí công chức nhận được đến 6.000 đơn ứng tuyển.

Nhiều thanh niên Trung Quốc khác đang lựa chọn lối sống tối giản gọi là "nằm thẳng", chỉ làm đủ sống thay vì làm việc đến kiệt sức để cố gắng mua nhà, tậu xe.

Các nhà kinh tế cho rằng các lực lượng thị trường có thể buộc cả giới trẻ Trung Quốc và các nhà sản xuất phải hạ thấp nguyện vọng.

Ông Zhiwu Chen, giáo sư tài chính tại Đại học Hong Kong, dự đoán: “Có lẽ tình hình thất nghiệp trong giới trẻ phải tệ đi nhiều thì chênh lệch cung-cầu nhân lực trong các nhà máy mới được giải quyết”.

Giang

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định sẽ không buông bỏ VinFast và tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.