Các quan chức Trung Quốc sắp mãn nhiệm chỉ ra 4 điểm yếu lớn của nền kinh tế
Sau đại hội đảng lần thứ 20 của Trung Quốc, một số quan chức cấp cao đã chia sẻ những đánh giá thẳng thắn về các rủi ro chính mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đối mặt.
Phó Thủ tướng Lưu Hạc, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) Dịch Cương, Bộ trưởng Tài chính Lưu Côn cùng Chủ tịch Uỷ ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Quách Thụ Thanh đã đề cập đến những nguy cơ đối với hệ thống tài chính Trung Quốc.
Cả 4 vị quan chức trên đều không có tên trong danh sách ủy viên của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 20. Đây là dấu hiệu cho thấy rất có thể họ sẽ kết thúc nhiệm kỳ trong năm tới.
Tuy nhiên, quan điểm của cả 4 vị quan chức này vẫn có sức nặng và được đưa ra trong bối cảnh công chúng đang ngày càng lo ngại về phương hướng chính sách của Bắc Kinh.
1. Biến động kinh tế
Trung Quốc thông báo GDP quý III tăng trưởng 3,9% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn dự đoán của thị trường cũng như tốc độ tăng trưởng khiêm tốn 0,4% trong quý II.
Song, ngân hàng Macquarie Group nói rằng nền kinh tế Trung Quốc đã lại giảm tốc trong tháng 10 đầu năm nay do việc siết chặt các hạn chế COVID và nhu cầu từ nước ngoài suy yếu.
Ông Lưu Hạc, cố vấn kinh tế hàng đầu cho Chủ tịch Tập Cận Bình, nói rằng nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với “áp lực nhân ba” từ cú sốc nguồn cung, nhu cầu sụt giảm và kỳ vọng suy yếu.
Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ không bơm tiền kích thích “ồ ạt như nước lũ”. Thay vào đó, chính sách nên tập trung vào việc phòng tránh biến động kinh tế và đồng thời nhắm đến tốc độ tăng trưởng “hợp lý”.
Ông Lưu nói: “Các yếu tố rủi ro trong một số lĩnh vực đang lớn dần, tốc độ già hóa gia tăng, các lợi thế truyền thống như chi phí lao động thì suy giảm, nguồn lực và các quy định về môi trường thì ngày càng bị thắt chặt.
Trong khi đó, năng lực sáng tạo đổi mới khoa học và công nghệ lại chưa đủ mạnh. Việc cấp thiết bây giờ là thực hiện các nỗ lực trong cả phía cung và phía cầu”.
Ông cho rằng Trung Quốc cần tiến hành các chính sách tài khóa và tiền tệ kịp thời. Mặt khác, chính phủ phải có hành động khi kỳ vọng của thị trường trở nên bất ổn, ông nhấn mạnh.
2. Tình hình tài chính của chính quyền địa phương
Nỗi lo về vấn đề tài chính của chính quyền các địa phương đang ngày càng lớn dần trong bối cảnh Zero COVID khiến chi phí tài khóa gia tăng.
Nhưng đồng thời, sự suy sụp của thị trường nhà đất lại gây tổn hại không nhỏ cho doanh thu của chính quyền địa phương, tờ South China Morning Post (SCMP) cho biết.
- TIN LIÊN QUAN
-
Chính quyền địa phương Trung Quốc tăng phạt hành chính, xử phạt giao thông để thúc đẩy doanh thu 18/09/2022 - 15:41
China Merchant Securities cho biết trong 9 tháng đầu năm 2022, nguồn thu ngân sách của các chính quyền địa phương đã giảm 6,6% so với một năm trước. Nhưng các khoản chi trong cùng giai đoạn lại tăng 6,2%.
Dự kiến khối nợ của chính quyền các địa phương sẽ tăng lên mức kỷ lục sau khi Bắc Kinh đẩy mạnh chi tiêu cho cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy nền kinh tế.
Bộ Tài chính Trung Quốc đã tăng cường giám sát các phương tiện tài chính của chính quyền địa phương (LGFV). LGFV là công cụ mà giới chức địa phương thường sử dụng để huy động tiền mà không phải ghi nhận vào bảng cân đối kế toán chính thức, nhưng lại thường gây ra vấn đề “nợ ẩn”.
Một số chuyên gia ước tính khối nợ ẩn của chính quyền địa phương tại Trung Quốc đã lên đến hơn 40.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 5.520 tỷ USD).
Bộ trưởng Tài chính Lưu Côn, người đã đảm nhận chức vụ này từ năm 2018, nói rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục giám sát rủi ro “nợ ẩn”. Nhưng ông cũng thừa nhận rằng chính phủ trung ương vẫn còn thiếu sót trong việc kiểm soát ngân sách và sử dụng nguồn lực tài chính.
3. Thiếu sót trong khâu quản lý
Ông Quách Thụ Thanh, Chủ tịchUỷ ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm, nhấn mạnh rằng sự khó lường của đại dịch hoặc suy thoái kinh tế toàn cầu có thể kích hoạt rủi ro tài chính tại Trung Quốc.
Ông nói rằng các ngân hàng và thị trường vốn của Trung Quốc chưa có đủ khả năng để hỗ trợ hoàn toàn cho nền kinh tế. Ngoài ra, lưu thông vốn yếu và mất kết nối cung-cầu là các rào cản tới sự phát triển chất lượng cao của hệ thống tài chính do nhà nước đóng vai trò chủ đạo.
Ông Quách nhận xét: “Sự phát triển của Trung Quốc đã bước vào thời kỳ mà các cơ hội chiến lược, rủi ro và thách thức cùng nhau tồn tại”.
Ông tin rằng Trung Quốc vẫn còn những thiếu sót trong việc quản lý các công ty công nghệ và tổ chức tài chính. Kể từ cuối năm 2020, Bắc Kinh đã áp đặt các quy định chặt chẽ hơn lên ngành công nghệ nhằm khống chế quyền lực của một số công ty lớn nhất đất nước.
Ông chỉ ra: “Các mối quan tâm mới trong thời đại ngày nay là bảo mật dữ liệu, chống độc quyền và hoạt động mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng tài chính. Khoảng cách giữa các công nghệ mà cơ quan quản lý và doanh nghiệp sử dụng là rất rõ ràng”.
Trong khi đó, vụ bê bối của các ngân hàng nhỏ tại tỉnh Hà Nam cũng đã làm dấy lên nhiều tiếng chuông cảnh báo.
Ông Quách không nhắc đến vụ việc cụ thể nào, nhưng nói rằng tính minh bạch kém trong cơ cấu cổ phần tại các tổ chức tài chính và quản trị doanh nghiệp yếu kém là những dấu hiệu cho thấy “sự suy yếu dần trong vai trò lãnh đạo của Đảng” ở lĩnh vực tài chính.
Do đó, ông Quách kêu gọi các đảng uỷ địa phương tăng cường vai trò lãnh đạo trong các tổ chức tài chính.
4. Các cuộc giải cứu doanh nghiệp
Theo ông Dịch Cương, Thống đốc PBoC, các tổ chức tài chính và cổ đông phải chịu trách nhiệm và có khả năng “tự giải cứu” chính mình trong thời điểm khó khăn.
Bắc Kinh đã tiến hành vài cuộc giải cứu lớn trong những năm vừa qua. Nhiều doanh nghiệp được cứu trợ thuộc diện nợ nần chồng chất, bao gồm China Huarong Asset Management, công ty quản lý tài sản do nhà nước sở hữu.
Theo SCMP, chính phủ Trung Quốc giải cứu công ty này vào năm 2021 nhằm tránh để xảy ra một vụ vỡ nợ trái phiếu quốc tế hàng tỷ USD. Cựu Chủ tịch của Huarong đã bị xử tử sau khi nhận tội hối lộ và tham nhũng.
Ông Dịch Cương cho rằng Trung Quốc cần xem xét vô cùng thận trọng trước khi quyết định cứu doanh nghiệp để ngăn ngừa rủi ro đạo đức. Theo ông, sự can thiệp của nhà nước chỉ nên được duy trì ở mức tối thiểu.
Ông nói: “Các tổ chức tài chính nên thành lập cơ chế bổ sung vốn theo định hướng thị trường, trích lập dự phòng theo đúng quy định, tăng cường nỗ lực xử lý nợ xấu và hình thành bảng cân đối kế toán lành mạnh.
Chúng ta phải cải thiện cơ chế khuyến khích và kiềm chế, tôn trọng quyền hoạt động độc lập của các tổ chức tài chính và giảm bớt sự can thiệp của chính quyền vào hoạt động kinh doanh của các tổ chức tài chính”.