Người dân Trung Quốc vui buồn lẫn lộn khi chính phủ nới lỏng Zero COVID
Tâm trạng lẫn lộn của người dân
Zhang Ge, chủ một cửa hàng mặt nạ dưỡng da ở thành phố Thạch Gia Trang (tỉnh Hà Bắc), từng phàn nàn rằng các biện pháp kiểm soát COVID nghiêm ngặt đã ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của cửa hàng và buộc anh phải ở suốt trong căn hộ.
Tuy nhiên, khi các hạn chế đột ngột được nới lỏng vào cuối tuần trước, anh Zhang lại không cảm thấy vui mừng tột độ. Thay vào đó, anh lo lắng khi biết trường học sẽ mở cửa trở lại dù thành phố hiện báo cáo hàng trăm ca nhiễm mới mỗi ngày.
Chia sẻ với SCMP, Zhang bày tỏ: “Tôi chưa sẵn sàng đưa con mình đi học trở lại và tôi không nghĩ bọn trẻ nhà khác sẽ đến trường. Tôi sẽ theo dõi thêm một thời gian và chỉ để các con đi học khi chắc chắn nguy cơ lây nhiễm đã giảm bớt”.
Anh Zhang (38 tuổi) hiện có một cô con gái đang học mẫu giáo và một cậu con trai đang học lớp ba, SCMP cho biết.
Người dân Trung Quốc đã sống hơn ba năm sống dưới chính sách Zero COVID hà khắc. Giờ đây, khi chính quyền trung ương điều chỉnh các biện pháp chống dịch để giảm bớt sự gián đoạn đối với cuộc sống thường nhật, cảm xúc của họ khá lẫn lộn.
Họ vui vì Bắc Kinh đã hạ phân loại rủi ro xuống còn hai cấp là “rủi ro thấp” và “rủi ro cao”, loại bỏ “rủi ro trung bình”. Song, việc giảm xét nghiệm lại khiến cư dân lo lắng vì số ca nhiễm mới đã tăng mạnh trong tháng này.
Hội đồng Nhà nước Trung Quốc công bố những thay đổi trong chính sách chống COVID vào ngày 11/11. Các nhà hoạch định chính sách muốn theo đuổi một chiến lược “khoa học và chính xác” hơn.
Kể từ đó, các thành phố lớn như trung tâm tài chính Thượng Hải và các điểm nóng du lịch Tam Á, Diên Cát (tỉnh Cát Lâm) và Phúc Châu (tỉnh Phúc Kiến) đã ngừng xét nghiệm hàng loạt.
Đồng thời, Bắc Kinh và Quảng Châu cũng đã không còn xác định các khu vực có nguy cơ trung bình cũng như truy vết những người tiếp xúc gần với các ca bệnh.
Hôm 13/11, Thạch Gia Trang đã huỷ bỏ cuộc xét nghiệm diện rộng bắt buộc và cam kết sẽ chấn chỉnh các biện pháp “phi khoa học” như yêu cầu người dân phải xét nghiệm hai hoặc ba lần mỗi ngày.
Cùng ngày, thành phố này ghi nhận 544 ca nhiễm mới. Sang ngày 14/11, Thạch Gia Trang báo cáo thêm 440 ca bệnh khác.
Tàu điện ngầm và một số trung tâm mua sắm đã ngừng kiểm tra xem khách hàng có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ hay không.
Người dân bây giờ phải đăng ký sử dụng các dịch vụ trên nhưng miễn là nhãn của họ màu xanh thì tất cả đều có thể tự do đi tàu điện ngầm hay mua sắm. Nhãn xanh chứng tỏ người đó chưa đến bất kỳ khu vực có nguy cơ cao nào.
Zhang bày tỏ: “Việc nới lỏng chính sách chống dịch diễn ra quá đột ngột và bất ngờ. Tôi rất vui vì toà nhà của mình không bị phong toả nữa, nhưng phần nào đó tôi cảm thấy các trung tâm mua sắm hiện giờ có nguy cơ lây nhiễm cao hơn”.
Anh dự đoán lượng khách đến cửa hàng mặt nạ của mình sẽ không tăng lên ngay lập tức vì nhiều người có thể vẫn còn ngần ngại đi mua sắm.
Khó khăn của giới chức trách
Chính quyền các địa phương đang khá chật vật, bởi họ vừa được giao trọng trách phải dập tắt các đợt bùng phát vừa phải giữ các biện pháp kiểm soát ở mức tối thiểu. Hôm 14/11, Trung Quốc báo cáo gần 18.000 ca bệnh mới - mức cao nhất trong 6 tháng.
Hồi đầu tuần, ông Yin Li - Bí thư Đảng mới được bổ nhiệm, đã kêu gọi giới chức trách phải gắn bó với chiến lược Zero COVID linh động và “chạy đua với virus để ngăn chặn đợt bùng phát hiện tại”. Cùng ngày, thủ đô Bắc Kinh ghi nhận 462 ca nhiễm.
Quận Triều Dương - khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Bắc Kinh, đã dỡ bỏ các bốt xét nghiệm dọc đường, dẫn đến việc người dân phải xếp hàng dài trên phố vì các trung tâm thương mại và toà nhà văn phòng vẫn yêu cầu xét nghiệm PCR âm tính.
Các bốt này đã mở cửa trở lại vào ngày 15/11 khi cư dân trong thành phố lên tiếng phàn nàn, theo thông tin từ SCMP.
Các nhà chức trách nhấn mạnh rằng các biện pháp mới không giống như việc “nằm thẳng” (tức bỏ mặc dịch bệnh hoành hành) hay như việc nới lỏng chính sách Zero COVID.
Tuy nhiên, đối với một bộ phận cư dân, các biện pháp kiểm soát dịch dường như đã được nới lỏng và họ đang chuẩn bị cho những thay đổi mạnh mẽ hơn.
Một nhân viên công ty nội thất tư nhân ở Thạch Gia Trang đã dự trữ thuốc cổ truyền Liuhua Qingwen của Trung Quốc và mua thêm khẩu trang N95. Anh đã trải qua nhiều đợt phong toả và tin rằng chúng không phải là giải pháp.
“Chúng ta không nên phong toả. Mọi người phải sống chung với virus”, anh nói. Theo nhân viên này, công chúng nên để Thạch Gia Trang trở thành một “người đi trước” để tìm ra con đường tốt hơn cho Trung Quốc.
Một người phụ nữ ở Bắc Kinh cho biết cả 6 thành viên trong gia đình bạn cô ở Thạch Gia Trang đều đã bình phục trong vòng một tuần sau khi nhiễm COVID. Họ xuất hiện các triệu chứng nhẹ như sốt và ho, và muốn ở nhà hơn là đến bệnh viện dã chiến.
Trong khi một số người ca ngợi những thay đổi như trên, số khác lại lo lắng rằng chính phủ đã nới lỏng quá mức, đặc biệt là khi số ca bệnh mới tăng cao.
Muhan, sinh viên Đại học Sư phạm Hà Bắc ở Thạch Gia Trang, cho biết cô và các bạn để ý rằng số sinh viên có triệu chứng nhiễm bệnh cao hơn báo cáo chính thức.
Theo Muhan, mặc dù một số sinh viên đã phục hồi và trở lại lớp học, nhiều người khác lại gặp các triệu chứng như sốt và ho ra máu mà không được điều trị kịp thời hay cung cấp đủ thuốc men.
“Mọi người đang thèm muốn điều gì đây? Họ nghĩ đây là lúc nên mở cửa à?”, Muhan bình luận. “Bây giờ, nhiều trường đại học đang chuyển cả sinh viên âm tính và dương tính đến cùng một khu cách ly. Tình hình thực sự nghiêm trọng, chúng tôi rất lo lắng và bất lực”.