Phố Wall mong mỏi 'phép màu' Trung Quốc quay trở lại
Theo Bloomberg, hơn hai năm áp dụng các chính sách kìm hãm tăng trưởng đã khiến nhà đầu tư tháo chạy khỏi Trung Quốc. Tuy vậy, Bắc Kinh chỉ cần hai tuần để mời gọi những nhà đầu tư này trở lại.
Những cái tên lớn nhất trên thị trường toàn cầu như Morgan Stanley, Bank of America, TCW, Fidelity International và Franklin Templeton, đang ngày một tin tưởng vào Trung Quốc.
Chỉ một tháng trước đó, doanh nghiệp nước ngoài đã rút khoảng 8,8 tỷ USD khỏi thị trường cổ phiếu và trái phiếu của Trung Quốc, đồng thời các nhà phân tích dự đoán tình hình sẽ vẫn tiếp tục ảm đạm.
Sự thay đổi kịch tính sau đó diễn ra khi Bắc Kinh dường như có những động thái chuyển sang hướng ủng hộ tăng trưởng, điều chỉnh chính sách Zero COVID nhằm giảm thiểu tác động đến kinh tế và xã hội, đưa ra một kế hoạch để cứu thị trường bất động sản cũng như hạ nhiệt căng thẳng với phương Tây.
Kết quả là, cổ phiếu tại Trung Quốc đại lục đã tăng 8% vào tháng 11. Đồng nhân dân tệ cũng đã đảo chiều suy giảm, lần đầu tiên trong vòng 9 tháng.
Với những lo ngại về việc thắt chặt tiền tệ tại Mỹ và châu Âu có thể sớm đẩy các nước phát triển vào suy thoái, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang tìm đến Trung Quốc như một giải pháp phòng hộ cho danh mục đầu tư.
Ông David Loevinger, một nhà phân tích tại TCW, cho rằng các nhà đầu tư đang suy nghĩ về cơ hội khi Trung Quốc mở cửa trở lại. “Phương hướng cho chính sách COVID của Trung Quốc đã rõ ràng, rủi ro đi kèm đã thấp hơn, và sẽ không có chuyện phong tỏa mãi mãi”, ông nói.
Tất nhiên, các nhà đầu tư quốc tế vẫn sẽ cẩn trọng. Nhiều doanh nghiệp có động thái giảm các khoản đầu tư vào Trung Quốc trong những tháng gần đây vẫn bày tỏ rất ít mong muốn quay trở lại.
Có nhiều lo ngại rằng giới lãnh đạo Trung Quốc đang trở nên ít thực dụng hơn trong việc điều hành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, thay vào đó sẽ theo đuổi các chính sách mang tính ý thức hệ. Đồng thời quan hệ với phương Tây vẫn còn khó khăn.
Cần thêm hành động
Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư nước ngoài hàng năm suy giảm lần đầu tiên trong hai thập kỷ và một trong những đợt thoái vốn lớn nhất trên thị trường chứng khoán, giới lãnh đạo Trung Quốc dường như đã chú ý đến những lo ngại của các nhà đầu tư toàn cầu.
Bà Winnie Wu, đồng trưởng bộ phận nghiên cứu tài sản Trung Quốc tại Bank of America, cho biết: “Miễn là cơ hội kiếm tiền vẫn còn đó, các nhà đầu tư sẽ trở lại".
Vốn nước ngoài đổ xô tới Trung Quốc trong hơn một thập kỷ qua do các đợt cải cách mở cửa thị trường nội địa cho các nhà quản lý tài sản quốc tế.
Các nhà đầu tư toàn cầu đã tích lũy 3.380 tỷ nhân dân tệ (475 tỷ USD) trái phiếu tại thị trường liên ngân hàng của Trung Quốc, theo dữ liệu chính thức vào tháng 10. Trong khi đó, theo JPMorgan, 11% cổ phiếu tại Trung Quốc đang được khối ngoại nắm giữ.
Trong năm nay, theo Morgan Stanley, dòng vốn chảy khỏi đại lục đã vượt quá 100 tỷ USD, khi Bắc Kinh sẵn sàng kiềm chế các doanh nghiệp lớn nhất và hi sinh tăng trưởng để giải quyết vấn đề nợ, giảm bất bình đẳng thu nhập và bảo vệ quốc gia trước đại dịch COVID.
Ông Guan Tao, nhà kinh tế trưởng tại BOC Securities, cho biết: “Không nên hy sinh lợi ích trong nước vì lợi ích quốc tế. Khi mở cửa thị trường tài chính, Trung Quốc sẽ tuân theo nguyên tắc chủ động, tiến bộ dần dần và có sự kiểm soát”.
Nỗi đau kinh tế của Trung Quốc khi theo đuổi một số chính sách của Chủ tịch Tập Cận Bình đã khiến chỉ số CSI 300 sụt giảm 30% tính đến tháng 10/2022. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng China Enterprises, bao gồm các công ty đại lục được niêm yết trên sàn Hong Kong, đã mất đi 40%.
“Nếu bạn là một nhà đầu tư quốc tế, việc cố gắng suy đoán các nhà quản lý sẽ làm gì đang trở nên khó khăn hơn trong môi trường mà [Bắc Kinh] không còn chỉ ưu tiên tăng trưởng kinh tế”, ông Vivek Paul, một chiến lược gia danh mục đầu tư kỳ cựu của BlackRock Investment Institute, cho hay.
“Những động thái gần đây là cần thiết, nhưng chưa chắc đã đủ cho một sự phục hồi mạnh mẽ”, ông nói.
“Cơ hội lớn”
Tuy vậy, giá tài sản tại Trung Quốc đang thấp tới mức nhiều doanh nghiệp tại Phố Wall cho rằng cơ hội tăng trưởng là chắc chắn.
Morgan Stanley gần đây đã dự báo chỉ số MSCI China sẽ tăng 14% vào cuối năm sau. Trong khi đó, Bank of America cũng có cái nhìn tích cực hơn với cổ phiếu của Trung Quốc.
“Chúng ta đều biết rằng Trung Quốc không thể bị cô lập mãi mãi”, bà Catherine Yeung, một Giám đốc đầu tư tại Fidelity International, cho biết. “Dòng chảy những tin tức xấu cho đến nay đã được tính vào giá. Cảm giác như thể Trung Quốc nhiều khả năng đã qua những gì tồi tệ nhất”, bà nói.
Trung Quốc khó theo chia tách đột ngột với thế giới nhưng nước này đang ngày càng lo lắng về rủi ro của đầu tư nước ngoài, Giáo sư Victor Gao của Đại học Soochow, Phó Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, cho biết.
“Có nhiều mối lo về những toan tính của Mỹ hiện nay”, ông Gao, người đã từng làm phiên dịch viên cho nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình vào những năm 1980, nói. “Bởi vậy, Trung Quốc đang xây dựng một bức tường”.
Bất chấp những mối lo trên, Bắc Kinh nhiều khả năng vẫn sẽ chào đón vốn đầu tư nước ngoài trong những năm tới.
Tài khoản vãng lai giảm đi sẽ khiến Trung Quốc “thèm khát vốn toàn cầu” cho tới cuối thập kỷ này, theo Morgan Stanley. Ngân hàng này dự đoán rằng Bắc Kinh sẽ cần ít nhất 150 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài mỗi năm để lấp đầy lỗ hổng tài chính.
“Chúng tôi kỳ vọng chính phủ Trung Quốc sẽ sẵn sàng chấp nhận đầu tư nước ngoài và cho phép thị trường hoạt động”, ông Raphael Arndt, Giám đốc điều hành của Future Fund - quỹ tài sản quốc gia của Australia, cho biết. “Chúng tôi nghĩ rằng vẫn còn một cơ hội lớn”.