|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thị trường dầu mỏ bắt sai tín hiệu từ Trung Quốc

15:14 | 23/11/2022
Chia sẻ
Chính phủ Trung Quốc vẫn chưa thực sự nới lỏng chính sách Zero COVID. Cho nên, thị trường không nên kỳ vọng rằng nhu cầu dầu thô sẽ bật tăng trở lại, các nhà phân tích của oilprice.com cho hay.

Khi có thông tin Trung Quốc bắt đầu nới lỏng chính sách Zero COVID, các thị trường chứng khoán hàng đầu thế giới đã phản ứng rất tích cực. Tuy nhiên, nhà đầu tư có thể đã đặt niềm tin sai chỗ.

Nhìn rộng ra, điều đầu tiên có thể thấy là Trung Quốc không hề nới lỏng các biện pháp chống COVID, mà chỉ thực hiện một số điều chỉnh nhỏ.

Thứ hai, những điều chỉnh nhỏ này sẽ khiến cho tác động thực của chính sách Zero COVID trở nên tồi tệ hơn. Số ca bệnh sẽ gia tăng bởi Trung Quốc vẫn chưa thực sự có một loại vắc xin hoặc thuốc điều trị hiệu quả nào.

Thứ ba, nền kinh tế Trung Quốc đang tiếp tục chững lại. Xét về phương diện nhu cầu năng lượng, sự suy yếu của nền kinh tế sẽ kìm hãm nhu cầu dầu khí khổng lồ của Trung Quốc.

Mặt khác, nếu nhu cầu của Trung Quốc khởi sắc, giá năng lượng sẽ đi lên. Cho nên, khi Trung Quốc không nhập khẩu nhiều dầu thô như các năm trước, giá của “vàng đen” sẽ hạ nhiệt.

Trong năm qua, đà tăng của giá năng lượng là một trong những nguyên nhân tạo ra “bộ đôi” độc hại đang đe doạ đẩy các nền kinh tế hàng đầu thế giới vào suy thoái: lạm phát dai dẳng và lãi suất tăng cao.

Người dân Thượng Hải xếp hàng chờ xét nghiệm COVID, tháng 5/2022. (Ảnh: Reuters).

Lực cản từ chính sách Zero COVID

Hôm 11/11, chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình đã công bố 20 thay đổi nhỏ đối với chính sách Zero COVID mà giới chức địa phương đã áp dụng trong khoảng ba năm qua.

Giờ đây, hành khách sẽ được phép nhập cảnh vào Trung Quốc sau khi cung cấp một kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 48 giờ, thay vì hai xét nghiệm như trước.

Một điểm khác nữa là du khách nước ngoài sẽ chỉ phải cách ly bắt buộc trong 8 ngày, thay vì 10 ngày. Ngoài ra, những người được coi là “có tiếp xúc gần với người tiếp xúc gần” với người bệnh sẽ không phải cách ly nữa.

Hướng dẫn mới cũng cấm xét nghiệm diện rộng trừ khi các quan chức y tế không xác định được COVID lây nhiễm trong một khu vực như thế nào.

Tuy nhiên, cùng ngày chính phủ công bố các điều chỉnh, giới chức thủ đô Bắc Kinh lại yêu cầu nhiều cư dân của thành phố phải xét nghiệm hàng ngày, thường xuyên hơn so với những tuần gần đây.

 

Theo oilprice.com, vất đề cốt lõi trong chiến lược mới nhất của Trung Quốc là các chính sách này chỉ mang tính thoả hiệp và nửa vời: chúng chỉ làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn.

Bất kỳ động thái nới lỏng Zero COVID nào cũng sẽ dẫn đến sự gia tăng đáng kể các trường hợp nhiễm mới, bởi Trung Quốc vẫn chưa có vắc xin hiệu quả chống lại virus SARS-CoV-2 và các biến thể.

Trung Quốc bị thiếu hụt vắc xin bất chấp việc nhiều nước sản xuất vắc xin lớn đã từng đề nghị cung cấp nguồn hàng đều đặn cho họ. Giới chức địa phương dường như ưu tiên vắc xin do nhà sản xuất nội địa điều chế hơn.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã từng đích thân ủng hộ các biện pháp chống dịch của đất nước, nhiều lần mô tả Zero COVID như một chính sách mang tính dân tộc.

Chẳng hạn, hồi tháng 4 năm nay, ông Tập kêu gọi: “Chúng ta phải tuân thủ sự chính xác của khoa học, của chiến lược Zero COVID linh động... Kiên trì là chiến thắng. Zero COVID là cuộc chiến của tất cả mọi người nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan”.

Chưa kể, số ca nhiễm tăng cao còn dẫn đến nhiều ca tử vong hơn, vì Trung Quốc cũng chưa có thuốc điều trị hiệu quả. Đồng thời, Bắc Kinh vẫn từ chối mua thuốc từ các nhà cung ứng nước ngoài, mặc dù một số quốc gia phương Tây liên tục đưa ra lời đề nghị.

Lập trường của Chủ tịch Tập tại đảng hội đảng lần thứ 20 cho thấy gần như chắc chắn là cách tiếp cận của Trung Quốc đối với đại dịch COVID-19 sẽ không sớm thay đổi theo chiều hướng có ý nghĩa.

Bà Eugenia Fabon Victorino - người đứng đầu mảng chiến lược châu Á tại công ty dịch vụ tài chính SEB (Thuỵ Điển) - nhận định: “Cam kết của Trung Quốc với chiến lược Zero COVID vẫn là thách thức lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế...”

“Các tuyên bố chính thức trước và trong đại hội đảng mới đây càng [giúp Bắc Kinh] khẳng định đây là chính sách phù hợp nhất cho đất nước”, bà Victornio nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với oilprice.com.

Theo vị chuyên gia, vào năm 2020, nền kinh tế Trung Quốc đã phục hồi nhanh chóng từ làn sóng COVID thứ nhất khi việc hạn chế di chuyển đã thành công ngăn chặn dịch bệnh lan rộng.

Song, các biến chủng dễ lây lan sau này đã khiến số ca nhiễm mới gia tăng đáng kể ở nhiều khu vực, bà Victorino lưu ý.

Chỉ khoảng một tháng qua, ngay trước khi Bắc Kinh điều chỉnh chiến lược Zero COVID, 26 trong số 31 khu vực cấp tỉnh trên toàn quốc đã chứng kiến dịch bệnh bùng phát mạnh. Cuối tuần trước, Uỷ ban Y tế Quốc gia báo cáo hơn 23.200 ca nhiễm mới trong một ngày.

Tác động đến nhu cầu dầu thô

Zero COVID đã tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Chẳng hạn, chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) sản xuất đã bất ngờ sụt giảm trong tháng 10 xuống 49,2 điểm - mất 0,9 điểm so với tháng trước.

Cùng với đó, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong ba quý đầu năm nay đã tụt 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên nhập khẩu dầu thô của đất nước tỷ dân sụt giảm trong cùng giai đoạn, ít nhất là kể từ năm 2014.

Kết thúc nửa đầu năm 2022, triển vọng kinh tế của Trung Quốc đã xấu đi nhiều so với dự kiến trước đó. Bà Victorino của SEB đã hạ dự báo tăng trưởng GDP cả năm nay xuống còn 3,5%.

Tương lai của nền kinh tế Trung Quốc trở nên ảm đạm đã đẩy nhu cầu năng lượng của nước này cùng giá dầu thô thế giới đi xuống.

Giá dầu giảm có thể không phải là điều mà các công ty năng lượng mong muốn, nhưng chắc chắn là thứ mà nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các nền kinh tế phát triển ở phương Tây, đang rất cần.

 

Kể từ cuối quý III năm ngoái, các nhà đầu tư trên mọi loại tài sản, bao gồm cả hàng hoá, đã chú ý đến sự kết hợp độc hại giữa áp lực lạm phát phình to do chí phí năng lượng leo thang và lãi suất liên tục tăng mạnh để chống lại xu hướng này.

Đồng thời, ngày càng nhiều nhà phân tích e ngại rằng lãi suất lên cao hơn trong thời gian dài có thể đẩy các nền kinh tế phát triển vào suy thoái.

Bởi vậy, nếu nhu cầu năng lượng của Trung Quốc giảm đi dưới tác động của chính sách Zero COVID, giá dầu sẽ có thể đi xuống. Điều này rõ ràng sẽ giúp ích cho cuộc chiến chống lạm phát của các ngân hàng trung ương lớn.

Khả Nhân

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.