|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Liệu Trung Quốc còn có thể duy trì Zero COVID khi số ca nhiễm hàng ngày lập kỷ lục hơn 40.000 người?

10:45 | 29/11/2022
Chia sẻ
Chuyên gia y tế cộng đồng cảnh báo rằng số ca tử vong vì COVID-19 ở Trung Quốc có thể sẽ gia tăng trong những ngày tới và hệ thống y tế có nguy cơ bị quá tải nếu xảy ra thêm đợt bùng phát vào mùa đông.

Nhân vien y tế giúp chuyển đồ cho người dân trong một tòa nhà bị phong tỏa ở Bắc Kinh. (Ảnh: AP). 

Kỷ lục đáng ngại

Làn sóng COVID mới nhất ở Trung Quốc cho thấy các biến thể mới của virus dễ lây lan nhưng cũng bớt nguy hiểm hơn trước. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cộng đồng cảnh báo rằng giờ vẫn còn quá sớm để lạc quan. 

Khoảng hai tuần sau khi Trung Quốc nới lỏng một số biện pháp chống dịch, số trường hợp nhiễm COVID-19 ở nước này đã lập kỷ lục 40.052 người vào ngày 28/11, trong đó có 36.304 ca không triệu chứng.

Trong đợt bùng phát hiện tại, Trung Quốc có 104 ca nhiễm được đánh giá là “nghiêm trọng” và 7 ca tử vong. Tất cả bệnh nhân qua đời đều trên 80 tuổi và có bệnh nền.

Theo tờ South China Morning Post (SCMP), số ca COVID ở Trung Quốc đã trên đà tăng kể từ đầu tháng 10. Nguyên nhân được cho là bởi các biến thể phụ mới của Omicron. Tuy nhiên, số trường hợp mắc bệnh nghiêm trọng lại tương đối thấp.

Giáo sư Benjamin Cowling, trưởng khoa dịch tễ và thống kê sinh học tại Đại học Hong Kong, chia sẻ quan điểm: “Chúng ta cần phải thận trọng trong việc diễn giải tỷ lệ tử vong thấp hiện nay bởi thời gian từ lúc mắc bệnh đến khi tử vong thường là hai tuần, và đợt bùng phát hiện tại vẫn chưa kết thúc. Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ ghi nhận thêm các ca tử vong trong vài tuần tới”.

Ông cảnh báo rằng hệ thống y tế của Trung Quốc có thể sẽ không đối phó nổi với COVID nếu có thêm một làn sóng dịch vào mùa đông. Ông cho rằng các nhà chức trách có thể sẽ cần xem xét lại chiến lược phòng dịch để giảm bớt tác động.

Các quan chức Trung Quốc vẫn đang tuân thủ nghiêm ngặt chính sách Zero COVID năng động, tức là cắt đứt chuỗi lây nhiễm sớm nhất có thể bằng xét nghiệm trên diện rộng và phong tỏa nhanh chóng.

Các quan chức nói rằng hệ thống y tế của Trung Quốc không thể “sống chung với virus” và để mặc bệnh dịch lây lan tại đất nước tỷ dân sẽ khiến số ca nhiễm nặng và tử vong tăng mạnh.

Năm 2021, hệ số giường hồi sức tích cực (ICU) của Trung Quốc là 4,53 trên 100.000 người và có sự chênh lệch đáng kể giữa các tỉnh thành.

Để so sánh, hệ số giường hồi sức tích cực của Đức là 33,9 trên 100.000 người, ở Australia và Mỹ lần lượt là 28,9 và 25,8. Trong khi đó, số bác sĩ chuyên khoa hồi sức tích cực của Trung Quốc chỉ đạt 0,8% tổng số bác sĩ đang hành nghề.

Giáo sư Cowling nhận định: “Tôi nghĩ hệ thống của Trung Quốc sẽ khó mà xoay xở nếu xảy ra làn sóng dịch lớn vào mùa đông năm nay. Omicron rất dễ lây lan và số ca nhiễm có thể tăng rất nhanh. Do vậy,  dù hầu hết bệnh nhân chỉ bị bệnh nhẹ, số người bị bệnh nặng có lẽ vẫn sẽ quá đông, vượt quá khả năng xử lý của hệ thống y tế”.

Ông nói rằng khi việc duy trì Zero COVID trở nên quá khó khăn bởi chiến dịch này đòi hỏi phải thực hiện thêm các biện pháp nghiêm ngặt, kéo dài thời gian phong tỏa và tiến hành thêm nhiều xét nghiệm, Trung Quốc sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc rời bỏ nó. Đó là chưa kể đến sự bất mãn của người dân và tác động lên xã hội và kinh tế của Zero COVID.

Ông nói: “Nếu các biện pháp nghiêm ngặt không thể được duy trì, số ca nhiễm sẽ tăng. Nếu việc đưa số ca nhiễm trên toàn quốc trở về 0 là bất khả thi dù giới chức trách tiến hành phong tỏa kéo dài và xét nghiệm hàng loạt lặp đi lặp lại, thì có thể Trung Quốc sẽ không còn cách nào khác ngoài việc từ bỏ các chính sách nghiêm ngặt đó”.

Khuyến nghị của chuyên gia y tế

Nếu viễn cảnh trên thực sự xảy ra, Trung Quốc sẽ cần thực hiện một số chuẩn bị. Ông Cowling đề xuất việc từ bỏ xét nghiệm PCR trên diện rộng và tập trung vào xét nghiệm nhanh, bởi phương pháp này có thể sẽ hiệu quả hơn trong việc chẩn đoán các ca nhiễm nhẹ.

Ông nói thêm rằng chính phủ nên đưa ra các chính sách cách ly tại nhà đối với các trường hợp nhẹ và những người tiếp xúc gần, từ bỏ ứng dụng theo dõi sức khỏe và nới lỏng hạn chế đi lại.

Theo tờ SCMP, từ lâu các chuyên gia đã kêu gọi tăng cường tỷ lệ tiêm vắc xin, đặc biệt là cho người cao tuổi. Họ coi đây là biện pháp khẩn cấp và quan trọng để bảo vệ nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất và ngăn hệ thống y tế khỏi bị quá tải một khi các hạn chế được nới lỏng.

Uỷ ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết tính đến ngày 11/11, khoảng 86% người trên 60 tuổi ở đại lục đã được tiêm phòng đủ hai mũi và 68% tiêm mũi tăng cường. Nhưng với những người trên 80 tuổi, các tỷ lệ này lần lượt là 66% và 40%.

Ông David Hui Shu-cheong, Giáo sư thuộc Đại học Trung Quốc Hong Kong, cũng ủng hộ việc tăng tỷ lệ tiêm vắc xin tại đại lục. Ông là nhà cố vấn cho chính quyền Hong Kong trong việc chống dịch.

Ông Hui đánh giá: “Các nhà chức trách ở đại lục cần tiêm phòng cho người dân - đặc biệt là nhóm có nguy cơ cao - bằng vắc xin của các nền tảng công nghệ khác như vắc xin mRNA nhằm tăng cường phản ứng kháng thể”.

Chiến dịch tiêm chủng hàng loạt của Trung Quốc chủ yếu dựa vào các loại vắc xin bất hoạt do doanh nghiệp trong nước phát triển.

Ông Hu kêu gọi: “Chính sách ngăn chặn không phải là giải pháp dài hạn để đối phó với đại dịch COVID-19. Trung Quốc đại lục cần sử dụng nhiều loại vắc xin khác nhau trong chiến dịch tiêm chủng thay vì chỉ dựa vào vắc xin bất hoạt”.

Giang