|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục nới lỏng tiền tệ trong năm 2023 để nâng đỡ nền kinh tế

08:22 | 28/11/2022
Chia sẻ
Các nhà phân tích Trung Quốc nhận định, áp lực kinh tế không dứt có thể buộc Bắc Kinh tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm tới.

Theo đưa tin từ SCMP, các nhà phân tích Trung Quốc tin rằng áp lực kinh tế không dứt có thể khuyến khích Bắc Kinh tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm 2023.

Cụ thể, nhà kinh tế nổi tiếng Lian Ping cho biết dư địa chính sách tiền tệ của Trung Quốc sẽ tăng lên khi những thách thức đặt ra từ chu kỳ thắt chặt chính sách của Mỹ kết thúc trong năm tới.

Từ đầu năm 2022 cho đến nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất 6 lần liên tiếp để khống chế lạm phát, trong đó có 4 lần tăng 0,75 điểm %.

Ông Lian, Giám đốc Viện Nghiên cứu Đầu tư Zhixin, cho hay: “Nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục đi xuống trong năm 2023 vì châu Âu, Nhật bản và một số nước đang phát triển có thể sẽ tăng trưởng âm. Tình hình này sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Trung Quốc”.

Theo vị chuyên gia, Trung Quốc cần các trụ cột kinh tế chính là xuất khẩu, bất động sản và tiêu dùng tăng trưởng ổn định. Do đó, khả năng Trung Quốc siết chặt chính sách tiền tệ có thể loại ra. Mặt khác, nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ bơm thêm kích thích tài khoá.

Khi nới lỏng chính sách tiền tệ, Trung Quốc thường sẽ mở rộng cung tiền hoặc giảm lãi suất ngắn hạn để bơm thanh khoản, thúc đẩy người tiêu dùng và doanh nghiệp chi tiêu nhiều hơn.

Hôm 25/11, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với hầu hết ngân hàng thương mại để thúc đẩy tăng trưởng. Theo SCMP, đây lần thứ hai trong năm nay PBoC thực hiện bước đi này.

Động thái chính sách mới của PBoC diễn ra trong bối cảnh các biện pháp kiểm soát dịch bệnh hà khắc và thị trường bất động sản lao dốc, đè nặng lên tâm lý người tiêu dùng và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Cụ thể, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã hạ tỷ lệ RRR 0,25 điểm % xuống còn 7,8%, quyết định có hiệu lực từ ngày 5/12. Đồng thời, PBoC còn bơm thêm khoảng 500 tỷ nhân dân tệ (tương đương 70 tỷ USD) thanh khoản dài hạn.

Trung tâm thương mại vắng lặng ở Bắc Kinh. (Ảnh: Bloomberg).

Ông Sheng Songcheng, giáo sư thỉnh giảng về kinh tế và tài chính tại Trường Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc châu Âu ở Thượng Hải, cho biết: “Lần điều chỉnh tỷ lệ RRR mới nhất có vẻ khá nhỏ so với thông lệ trước đây là 0,5 điểm %”.

Vị giáo sư nói lần này PBoC điều chỉnh giảm RRR thay vì lãi suất cơ bản (LPR) do lo ngại về tính thanh khoản, phản ánh sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và tài khoá.

Áp lực kinh tế gia tăng đã khiến một số chính quyền địa phương tại Trung Quốc phải chật vật tìm nguồn thu mới và ra lệnh cắt giảm chi tiêu.

“Ai là người mua các lô trái phiếu do chính quyền các địa phương mới phát hành? Chủ yếu là các tổ chức tài chính và họ cần tiền để mua. Đó là lý do tại sao lần này PBoC chỉ hạ tỷ lệ RRR”, giáo sư Sheng giải thích thêm.

Thông tin mới nhất từ Cục Thống kê Quốc gia cho thấy các công ty công nghiệp đang phải chịu thiệt hại đáng kể khi số ca nhiễm COVID gia tăng trên cả nước và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu càng lớn dần.

“Chúng ta cần phải đồng bộ hoá việc triển khai các biện pháp kiểm soát COVID với phát triển kinh tế theo hướng có hiệu quả cao”, CCTV dẫn lời ông Zhu Hong, một quan chức tại Cục Thống kê Quốc gia, nhấn mạnh.

Nền kinh tế tỷ dân đã phải chịu áp lực lớn kể từ tháng 10 khi xuất khẩu và doanh số bán lẻ sụt giảm mạnh trong bối cảnh niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp yếu đi thấy rõ.

Ông Lian cảnh báo rằng tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục gây ra bất ổn, khiến tiêu dùng khó có thể phục hồi mạnh mẽ và ổn định.

Ông He Xiaobing, nhà kinh tế cấp cao tại China Fortune Securities, cũng cho biết thách thức trước mắt đối với nền kinh tế Trung Quốc là sự thiếu ổn định.

“Chúng ta cần phải có một biện pháp cụ thể để lấy lại niềm tin của người dân và duy trì các khoản đầu tư”, ông He nhấn mạnh.

Khả Nhân