|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

NHTW Trung Quốc tung khoản vay giá rẻ, cắt giảm dự trữ bắt buộc để cứu bất động sản, hỗ trợ nền kinh tế

21:31 | 25/11/2022
Chia sẻ
Ngân hàng trung ương Trung Quốc liên tục có các động thái mạnh mẽ nhằm thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tung ra khoản vay giá rẻ

Theo nguồn tin của Reuters, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) sẽ tung ra các khoản vay lãi suất thấp cho các định chế tài chính để mua trái phiếu do các nhà phát triển bất động sản phát hành.

Động thái trên là sự hỗ trợ chính sách mạnh nhất cho tới nay của PBoC dành cho lĩnh vực bất động sản. PBoC kỳ vọng các khoản vay sẽ thúc đẩy tâm lý thị trường đối với lĩnh vực địa ốc, và giải cứu một số nhà phát triển tư nhân.

Trong những tuần gần đây, Bắc Kinh đã tăng cường hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản, trụ cột đóng góp 1/4 nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Những ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc trong tuần này đã cam kết ít nhất 162 tỷ USD cho các chủ đầu tư.

Trụ sở Ngân hàng trung ương Trung Quốc. (Ảnh: Jason Lee/Reuters).

Hai nguồn tin cho biết khoản vay từ PBoC dự kiến sẽ có lãi suất thấp hơn nhiều so với lãi suất chuẩn, và được thực hiện trong tuần tới, giúp các tổ chức tài chính có động lực để đầu tư vào trái phiếu của các công ty bất động sản tư nhân.

Nguồn tin của Reuters cho biết, PBoC cũng đang soạn thảo một “danh sách trắng” những nhà phát triển BĐS quan trọng, có hệ thống và chất lượng tốt, để nhận được sự hỗ trợ rộng rãi hơn từ Bắc Kinh.

Ít nhất ba nhà phát triển tư nhân, bao gồm Longfor Group Holdings, Midea Real Estate Holding và Seazen Holdings, đã được bật đèn xanh trong tháng này để huy động tổng cộng 50 tỷ nhân dân tệ (7 tỷ USD).

Trong trường hợp không có đủ nhu cầu từ các nhà đầu tư đối với trái phiếu, PBoC có thể can thiệp trực tiếp thông qua việc hỗ trợ cho vay lại, theo nguồn tin của Reuters.

Cho vay lại là một công cụ chính sách có mục tiêu mà PBoC thường sử dụng để cho các ngân hàng vay với chi phí thấp nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Ngân hàng trung ương Trung Quốc muốn tránh cắt giảm lãi suất cơ bản do lo ngại tình trạng tháo chạy vốn.

Trong những tháng qua, PBoC đã sử dụng cho vay lại để hỗ trợ các lĩnh vực như vận tải, logistics, đổi mới công nghệ, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID hoặc được ưu ái bởi các chính sách dài hạn của nhà nước.

Hai nguồn tin của Reuters cho biết, PBoC cũng có kế hoạch cung cấp 100 tỷ nhân dân tệ (14 tỷ USD) hỗ trợ các cơ quan quản lý tài sản nhà nước mua lại dự án bất động sản từ những nhà phát triển gặp khó khăn.

Hôm 21/11, truyền thông Trung Quốc cho biết, PBoC đã lên kế hoạch cung cấp khoản vay 200 tỷ nhân dân tệ không lãi suất cho các ngân hàng thương mại cho đến cuối tháng 3 để hỗ trợ việc hoàn thiện nhà ở.

Trong số các hỗ trợ chính thức khác gần đây, cơ quan quản lý thị trường trái phiếu liên ngân hàng của Trung Quốc cho biết sẽ mở rộng chương trình hỗ trợ khoảng 250 tỷ nhân dân tệ (35 tỷ USD) tới các khoản nợ của doanh nghiệp tư nhân. Trước đây, phần lớn sự hỗ trợ từ Bắc Kinh nhắm tới các nhà phát triển thuộc sở hữu nhà nước.

Ông Yi Huiman, Chủ tịch cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc, cho biết rằng Trung Quốc phải cải thiện bảng cân đối kế toán của các nhà phát triển "chất lượng tốt".

Cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc

Theo Bloomberg, vào ngày 25/11, PBoC đã giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) 25 điểm cơ bản đối với hầu hết các ngân hàng. Điều chỉnh này có hiệu lực vào ngày 5/12, và dự kiến sẽ bơm thêm 500 tỷ nhân dân tệ (70 tỷ USD) vào nền kinh tế.

PBoC cho biết việc cắt giảm nhằm mục đích “giữ thanh khoản dồi dào, hợp lý” và “tăng cường hỗ trợ cho nền kinh tế thực”, cũng như giúp các ngành bị thiệt hại bởi COVID.

 

Động thái cắt giảm RRR lần đầu tiên kể từ tháng 4 này đã được Hội đồng Nhà nước gợi ý vào đầu tuần này, thông qua việc kêu gọi nỗ lực nhiều hơn để củng cố sự phục hồi kinh tế. PBoC cũng đã cắt giảm lãi suất cơ bản hai lần trong năm 2022, lần gần đây nhất vào tháng 8.

Tuy vậy, triển vọng tăng trưởng vẫn còn nhiều thách thức. Sự phục hồi của thị trường nhà ở có thể sẽ chậm lại, trong khi các ca nhiễm COVID đã lên mức cao kỷ lục, khiến các thành phố lớn như Bắc Kinh phải hạn chế đi lại.

Các nhà kinh tế cho biết Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với một quá trình mở cửa trở lại chậm chạp và đau đớn. Ngân hàng Nomura trong tuần này đã cắt giảm dự báo tăng trưởng vào năm 2023 xuống còn 4%.

Ông David Qu, nhà kinh tế học của Bloomberg, cho biết: “Với sự bùng phát COVID, dẫn đến những hạn chế mới, và tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại, nền kinh tế [Trung Quốc] sẽ gặp khó khăn. Với triển vọng trên, chúng tôi kỳ vọng PBoC sẽ duy trì lập trường nới lỏng dần dần vào năm 2023”.

“Tới năm sau, chúng tôi kỳ vọng PBoC cắt giảm RRR thêm 50 điểm cơ bản. Cơ quan này cũng có thể cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn một năm thêm 20 điểm cơ bản. Chúng tôi nghĩ rằng PBoC sẽ thực hiện động thái này trong hai lần, với lần cắt giảm 10 điểm cơ bản đầu tiên vào quý I/2023”, ông nói thêm.

RRR là một cách để giải phóng thanh khoản dài hạn giá rẻ cho các ngân hàng, cho phép gia hạn các khoản vay tới doanh nghiệp và người tiêu dùng. Theo PBoC, động thái trên sẽ tiết kiệm 5,6 tỷ nhân dân tệ cho các cơ quan tài chính đủ điều kiện hưởng lợi.

Ông Bruce Pang, chuyên gia kinh tế và trưởng bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc Đại lục tại Jones Lang LaSalle, cho biết: “Động thái trên sẽ làm giảm tương đối chi phí vốn cho các bên cho vay thương mại và khuyến khích gia hạn tín dụng, giúp giảm chi phí đi vay của các công ty và người tiêu dùng”.

Minh Quang

Dòng tiền vẫn dồi dào trên TTCK, song cần chắt lọc lựa chọn cổ phiếu
Theo các chuyên gia, thị trường chứng khoán đang tiếp tục tăng trưởng tích cực nhờ dòng tiền dồi dào. Tuy nhiên, ở mức định giá cao, cơ hội sẽ trở nên khó hơn, nhà đầu tư nên cân nhắc lựa chọn các cổ phiếu có mức định giá vẫn hấp dẫn.