|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Biểu tình, bạo lực nổ ra tại nhà máy iPhone lớn nhất Trung Quốc

17:45 | 23/11/2022
Chia sẻ
Hàng trăm công nhân đã đụng độ với nhân viên an ninh tại nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất của Foxconn ở thành phố Trịnh Châu, Trung Quốc.

Ảnh chụp màn hình từ video công nhân Foxconn đụng độ với cảnh sát bên ngoài ký túc xá vào sáng sớm ngày 23/11. (Ảnh: Bloomberg).  

Theo Bloomberg, hàng trăm công nhân đã đụng độ với các nhân viên an ninh tại nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất Trung Quốc. Căng thẳng tại nhà máy này đã tăng lên sau gần một tháng kiểm soát chặt chẽ nhằm ngăn chặn dịch COVID bùng phát.

Theo một video, công nhân tại nhà máy của Foxconn ở thành phố Trịnh Châu đã ra khỏi ký túc xá vào sớm ngày 23/11, chen lấn và đẩy những người bảo vệ mặc áo bảo hộ màu trắng.

Trong một video khác, nhiều người mặc đồ trắng dùng gậy đã lao vào một người nằm dưới đất. Những người xem đã hét lên “đánh, đánh” khi đám đông người vượt qua các chướng ngại vật. Nhóm người khác còn vây quanh và lắc mạnh một chiếc xe cảnh sát, đồng thời la hét.

Theo các nhân chứng, cuộc biểu tình bắt đầu vào buổi đêm vì vấn đề nợ lương và nỗi lo lây nhiễm COVID. Một vài công nhân đã bị thương, và cảnh sát chống bạo động đã tới hiện trường vào hôm 23/11 để thiết lập lại trật tự.

Trong một video khác, những công nhân đang giận giữ đã bao vây một người quản lý trầm lặng, ủ rũ trong phòng họp để bày tỏ sự bất bình và đặt câu hỏi về kết quả xét nghiệm COVID. Bloomberg không thể xác nhận thời điểm diễn ra cuộc nói chuyện này.

“Tôi rất sợ nơi này, tất cả chúng tôi đều có thể đã dương tính với COVID”, một công nhân nam trong đoạn video nói. “Chúng tôi đang bị đẩy vào chỗ chết”, một người khác nói. Đại diện của Foxconn đã từ chối đưa ra bình luận.

Số ca nhiễm mới ghi nhận những ngày gần đây là cao nhất trong năm 2022.

Những trường hợp bạo lực hiếm thấy tại một nhà máy ở trung tâm thành phố Trịnh Châu đã phản mức độ gia tăng căng thẳng kể từ khi có lệnh phong tỏa vào tháng 10. Nhiều người trong số 200.000 lao động tại “thành phố iPhone” đã bị cô lập, buộc phải sống bằng những bữa ăn tạm bợ và tranh giành thuốc men.

Cuối tháng trước, nhiều người đã chạy khỏi nhà máy. Foxconn và chính quyền địa phương dường như đã kiểm soát được tình hình trong những tuần gần đây bằng cách hứa hẹn mức lương cao nhằm thu hút nhân viên mới, cũng như cam kết điều kiện làm việc tốt hơn.

Cuộc biểu tình hôm 23/11 hàm ý rằng những biện pháp trên đã không còn hiệu quả. Vụ việc cũng cho thấy chính sách Zero COVID đang ngày càng trở thành gánh nặng cho nền kinh tế và gây hỗn loạn cho chuỗi cung ứng toàn cầu.

Gần đây, Bắc Kinh đã đưa ra một những chỉ thị nhằm giảm thiểu sự gián đoạn và sử dụng các biện pháp kiểm soát có mục tiêu hơn. Tuy vậy, các đợt bùng phát ngày càng nhiều tại những thành phố lớn đã buộc quan chức địa phương phải kiểm soát mạnh tay hơn. 

Ảnh chụp màn hình cho thấy cảnh sát đứng ngoài khu ký túc xá hôm 23/11. (Ảnh: Bloomberg).

Các vụ bạo lực đã nổ ra lẻ tẻ khắp Trung Quốc do phong tỏa COVID. Vào tháng 5, sau khi bị cấm tiếp xúc với bên ngoài trong nhiều tháng, hàng trăm công nhân đã đụng độ với nhân viên an ninh tại nhà máy của Quanta Computer ở Thượng Hải. Các vụ biểu tình cũng đã xảy ra tại tỉnh Quảng Đông, trung tâm sản xuất ở phía nam Trung Quốc.

Tình hình tại Foxconn một lần nữa là lời nhắc nhở với Apple về những nguy cơ khi dựa quá nhiều vào sản xuất tại Trung Quốc trong thời điểm chính sách khó đoán và thương mại toàn cầu đầy những điều không chắc chắn.

Trịnh Châu là địa điểm sản xuất quan trọng nhất của Apple, ước tính cho ra lò 4/5 điện thoại mới nhất của hãng cũng như phần lớn những chiếc iPhone 14 Pro cao cấp. Apple đã cảnh báo rằng các đơn hàng của dòng iPhone cao cấp sẽ thấp hơn so với dự kiến, ngay trước kỳ mua sắm dịp nghỉ lễ.

Những khu công nghiệp tại Trịnh Châu đã phải hoạt động trong một “vòng tròn khép kín”, hạn chế tiếp xúc với bên ngoài, nhằm giữ hoạt động sản xuất được tiếp tục. Apple và Foxconn tuyên bố sẽ thay thế những nhân viên đã rời đi và khôi phục hoàn toàn hoạt động sản xuất trong thời gian ngắn nhất.

Minh Quang

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.