|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc đã không thể quay đầu để trở lại chiến lược Zero COVID?

15:02 | 24/11/2022
Chia sẻ
Giới chức Trung Quốc đang phải tìm cách mở cửa nền kinh tế mà không để COVID-19 bùng phát. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng số ca nhiễm tăng vọt trong những ngày qua khiến Trung Quốc chỉ còn con đường duy nhất để khống chế dịch là tái áp dụng các hạn chế hà khắc.

 

Trẻ em xét nghiệm COVID-19 tại Trung Quốc. (Ảnh: AP). 

Không thể quay đầu?

Ông Larry Hu, kinh tế trưởng về thị trường Trung Quốc của ngân hàng Macquarie, nhận định rằng số ca nhiễm tăng vọt tại đại lục trong những ngày qua khiến cho chính phủ khó có thể dập tắt COVID-19. Theo ông, cách duy nhất để Trung Quốc giảm số ca nhiễm là tái áp đặt các lệnh phong tỏa hà khắc.

CNBC cho biết trong vài ngày qua, số trường hợp mắc COVID-19 tại Trung Quốc thường xuyên vượt ngưỡng 28.000 người – gần mức từng ghi nhận khi Thượng Hải bị phong tỏa nghiêm ngặt hồi tháng 4.

Dữ liệu từ Wind Information cho thấy lần cuối cùng Trung Quốc chỉ ghi nhận dưới 10 ca nhiễm mỗi ngày là trong tháng 6, sau khi Thượng Hải dỡ bỏ phong tỏa.

Làn sóng COVID mới nhất đang đổ bộ vào Quảng Châu, Bắc Kinh và nhiều khu vực quan trọng khác của Trung Quốc. Các quan chức địa phương đã nhanh chóng siết chặt hạn chế lên hoạt động kinh doanh và xã hội trong tháng này.

Trong báo cáo mới, ông Hu viết: “Trung Quốc nhiều khả năng đã không thể quay đầu, vì nước này khó có thể đưa số ca nhiễm xuống mức thấp lần nữa nếu không có một đợt phong tỏa cứng rắn kiểu Thượng Hải.

Tạm thời, các nhà hoạch định chính sách có thể làm chậm sự lây lan của virus bằng cách thắt chặt các biện pháp kiểm soát COVID”.

Ông Hu chỉ ra rằng những thay đổi chính sách trong tháng này là dấu hiệu cho thấy chính phủ Trung Quốc đang chuyển bị để mở cửa trong 6 đến 9 tháng tới. Nhưng ông lưu ý “con đường mở cửa kinh tế trở lại sẽ bao gồm rất nhiều bước tiến và lùi”.

Thị trường đã đồn đoán trong suốt nhiều tháng về thời điểm Trung Quốc rời bỏ chính sách Zero COVID. Các hạn chế phòng dịch nghiêm ngặt đã đè nặng lên nền kinh tế, đặc biệt là trong giai đoạn Thượng Hải bị phong tỏa. Trong 9 tháng đầu năm nay, nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 3% so với cùng kỳ năm trước.

Mô hình của ngân hàng Nomura cho thấy tính đến ngày 21/11, gần 20% GDP Trung Quốc đã chịu tác động tiêu cực bởi các biện pháp kiểm soát COVID-19, gần với mức kỷ lục 21,2% ghi nhận vào giữa tháng 4.

Ông Ting Lu, nhà kinh tế trưởng của Nomura, viết trong báo cáo: “Gần đây Bắc Kinh đã cho thấy một số dấu hiệu rằng họ sẵn sàng mở cửa nền kinh tế trở lại và triển khai một số biện pháp tinh chỉnh. Nhưng quá trình mở cửa có thể sẽ kéo dài và đi kèm nhiều khó chịu”.  

Ông nói rằng Trung Quốc có thể tham khảo kinh nghiệm mở cửa nền kinh tế của Việt Nam. Ông chỉ ra rằng Việt Nam “không phải chứng kiến số ca bệnh gia tăng đột biến sau khi chuyển hưởng chính sách” và GDP cũng phục hồi.

Bắc Kinh siết chặt kiểm soát

Giới chức địa phương ở Trung Quốc đang được giao nhiệm vụ khó khăn là nới lỏng các biện pháp kiểm soát COVID và đồng thời kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.

Tính đến ngày 21/11, Nomura ước tính có khoảng 412 triệu người ở Trung Quốc đại lục bị ảnh hưởng bởi các hạn chế phòng dịch, tăng mạnh từ con số 340 triệu tuần trước.

Các nhà phân tích của Nomura cho rằng nhiều cuộc phong tỏa hoặc quy định kiểm soát đang được triển khai mà không có thông báo công khai. Báo cáo viết: “Sau khi quan sát nhiều chỉ số di chuyển, chúng tôi tin rằng thành phố Trùng Khánh đang trải qua một trong những đợt phong tỏa nghiêm ngặt nhất ở Trung Quốc”.

Các biện pháp phòng COVID đã được siết chặt lại, bắt đầu từ ngày 22/11. Các quan chức đã công bố các yêu cầu xét nghiệm virus thường xuyên hơn và yêu cầu nhiều nhà hàng tạm dừng dịch vụ ăn uống tại chỗ. Thêm nhiều trung tâm mua sắm và các công viên lớn bị đóng cửa. Nhiều tòa nhà chung cư khác nhau bị phong tỏa.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc thông báo rằng hội thảo công nghệ Zhongguancun - dự kiến diễn ra trong tuần này - sẽ bị hoãn đến năm sau. Trước đó, hội thảo đã bị hoãn lại một lần từ tháng 9.

Giang