|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bức tranh u ám của Foxconn Trịnh Châu báo trước triển vọng xuất khẩu của Trung Quốc

15:36 | 25/11/2022
Chia sẻ
Triển vọng xuất khẩu của Trung Quốc trong năm tới đang xấu đi rõ rệt. Hoạt động lắp ráp iPhone tại nhà máy Foxconn Trịnh Châu bị gián đoạn và kim ngạch xuất khẩu tháng 10 tụt mạnh là một vài dẫn chứng cụ thể.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đang bị gián đoạn nghiêm trọng, bằng chứng rõ rệt là xuất khẩu điện thoại từ một trung tâm công nghiệp lớn đã giảm mạnh trong tháng 10.

Điều này đang làm gia tăng lo ngại rằng doanh nghiệp quốc tế sẽ đẩy mạnh quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng, ngay thời điểm triển vọng xuất khẩu của Trung Quốc ngày càng trở nên ảm đạm.

Xuất khẩu sa sút và làn sóng dịch chuyển

Tỉnh Hà Nam, nơi đặt nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới của Foxconn, đã lắp ráp và xuất khẩu 8,4 triệu chiếc điện thoại thông minh trong tháng 10 - giảm 16,9% so với con số 10,2 triệu của tháng trước, theo dữ liệu của hải quan Trung Quốc

Xuất khẩu của Hà Nam đi xuống bất chấp việc Apple vừa công bố các dòng iPhone 14 mới nhất hồi giữa tháng 9. Mức sụt giảm này đặc biệt đáng báo động đối với Trung Quốc, bởi các nhà sản xuất đang dần chuyển dây chuyền sang Ấn Độ và Việt Nam.

 

Trao đổi với SCMP, ông Zhang Zhiwei - kinh tế trưởng tại hãng phân tích tài chính Pinpoint Asset Management - nhận xét: “Foxconn là hình ảnh thu nhỏ của Trung Quốc”.

Các đơn hàng của Mỹ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Số lượng điện thoại xuất đi từ Hà Nam đã giảm hơn 1 triệu xuống còn 4,37 triệu chiếc, khiến giá trị xuất khẩu mất hơn 609 triệu USD, dữ liệu hải quan chỉ ra.

Trong 10 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu của Hà Nam đạt 67,15 tỷ USD - một nửa là từ gần 60 triệu chiếc điện thoại thông minh được lắp ráp trong khu vực và hơn 50% lượng thiết bị là dành cho thị trường Mỹ.

Cách đây không lâu, Trung Quốc xác nhận rằng kim ngạch xuất khẩu nói chung của nước này đã tăng trưởng âm lần đầu tiên trong hơn hai năm vào tháng 10. Trước đó một tháng, xuất khẩu vẫn ghi nhận mức tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các nhà phân tích cho biết, nhà máy của Foxconn ở thành phố Trịnh Châu có thể sử dụng cao nhất tới 350.000 công nhân. Đây là động lực chính cho nền kinh tế tỉnh Hà Nam, đồng thời là đại diện cho ngành sản xuất định hướng xuất khẩu của Trung Quốc.

Chi nhánh của Foxconn tại Trịnh Châu, có tên chính thức là Hong Fu Jin Precision Electronics, là nhà xuất khẩu lớn nhất Trung Quốc năm 2019, theo Hiệp hội Thống kê về Quan hệ Kinh tế Đối ngoại và Thương mại Trung Quốc.

Ông Zhang của Pinpoint Asset nói thêm: “Trong bối cảnh nhu cầu hàng hoá của thế giới sẽ tiếp tục sụt giảm trong năm tới, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thể làm gì để giảm bớt rủi ro đối với xuất khẩu? Đây sẽ là một bài toán lớn cho năm 2023”.

 

Hoạt động sản xuất tại nhà máy Foxconn Trịnh Châu gần đây đã bị gián đoạn sau khi hàng nghìn công nhân tháo chạy vào cuối tháng 10 để né tránh các biện pháp chống dịch COVID hà khắc.

Áp lực càng đè nặng lên chính quyền địa phương, khi mà giới chức vừa phải cố gắng duy trì hoạt động sản xuất công nghiệp một cách ổn định vừa phải theo đuổi chính sách Zero COVID của Bắc Kinh.

Alicia Garcia-Herrero, kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại ngân hàng Natixis, cho hay: “Trung Quốc sẽ không thể giải quyết những vấn đề như vậy trong tương lai gần”.

“Vì vậy, xuất khẩu sẽ tiếp tục sụt giảm mạnh. Doanh nghiệp sẽ cần phải tìm giải pháp thay thế. Giải pháp sẽ không xuất hiện một cách nhanh chóng, nhưng chắc chắn sẽ nhanh hơn nếu không có chính sách Zero COVID”, bà dự đoán.

“Chúng tôi cho rằng dòng vốn đầu tư sẽ tiếp tục chảy vào các nước như Việt Nam và Ấn Độ”, bà Garcia-Herrero nhấn mạnh.

Áp lực đè nặng chính quyền các địa phương

Theo ông Dan Wang, nhà kinh tế trưởng tại Hang Seng Bank, chính quyền tỉnh Hà Nam cũng sẽ phải đối mặt với áp lực tài khoá khổng lồ khi hoạt động sản xuất bị gián đoạn, bởi nhà máy Foxconn Trịnh Châu là công ty đóng thuế nhiều nhất ở đây.

Ông Wang cho biết, tác động trực tiếp đến nền kinh tế Trung Quốc có thể không đáng kể, nhưng các nhà cung cấp khác trong chuỗi cung ứng của Apple sẽ chịu thiệt hại nặng nề hơn bởi trục trặc của Foxconn, vì thanh khoản của họ có thể bị ảnh hưởng.

Vị chuyên gia cảnh báo thêm: “Trong quá trình Trung Quốc mở cửa trở lại, tình trạng gián đoạn sản xuất sẽ trở nên tồi tệ hơn, trước khi mọi thứ khởi sắc”.

Khách mua điện thoại iPhone tại một cửa hàng ở Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images).

Theo SCMP, Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ gắn bó với chiến lược Zero COVID bất chấp sự gián đoạn chuỗi cung ứng và dù chính phủ đã nới lỏng một số biện pháp chống dịch trong bản hướng dẫn 20 điểm hồi đầu tháng 11.

Chính quyền các địa phương vẫn đang tiếp tục thắt chặt chặt chiến lược kiểm soát dịch bệnh trong bối cảnh số trường hợp nhiễm mới đã vọt lên mức kỷ lục 31.444 ca vào ngày 24/11.

Sau sự cố gián đoạn tại nhà máy Trịnh Châu, bao gồm các cuộc đụng độ giữa công nhân và lực lượng an ninh trong hai ngày 22 và 23/11, Foxconn cho biết họ sẽ phối hợp sản xuất cùng các nhà máy khác.

Dữ liệu hải quan cho thấy, trong tháng 10, xuất khẩu điện thoại thông minh từ tỉnh Giang Tô, nơi đặt các nhà máy khác của Foxconn, đã tăng 31% về giá trị so với tháng 9.

Foxconn cũng được cho là sắp công bố kế hoạch tăng gấp 4 lần lực lượng lao động tại nhà máy lắp ráp iPhone ở Ấn Độ trong hai năm tới.

Khả Nhân