|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Những lý do nào khiến chặng đường nới lỏng Zero COVID của Trung Quốc trở nên gập ghềnh?

18:43 | 27/11/2022
Chia sẻ
Thiệt hại mà chính sách Zero COVID gây ra cho xã hội lẫn nền kinh tế Trung Quốc đang ngày càng chồng chất. Tuy nhiên, do một vài thách thức mà chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình chưa thể nới lỏng các biện pháp chống dịch một cách suôn sẻ.

Tháng 9/2020, Chủ tịch Tập Cận Bình trao tặng huân chương cho những anh hùng trong cuộc chiến chống COVID của Trung Quốc và tuyên bố rằng cách xử lý dịch bệnh của nước này đã một lần nữa chứng minh được sự ưu việt của hệ thống chính trị.

Hơn hai năm sau, Trung Quốc lại đang phải xoay xở với số ca nhiễm kỷ lục và các đợt phong toả trên khắp cả nước. Chính sách Zero COVID hà khắc của chính phủ khiến công chúng hoang mang.

Nhiều người không biết khi nào Trung Quốc sẽ từ bỏ chiến lược gây tranh cãi nói trên, khi mà tỷ lệ tiêm chủng ở nhóm người cao tuổi của nước này quá thấp và hệ thống y tế bộc lộ nhiều lỗ hổng.

Theo nhà nghiên cứu Yu Jie của hãng tư vấn Chatham House, trong bối cảnh các chỉ thị chống dịch ngày càng gây thiệt hại lớn về kinh tế và xã hội, Bắc Kinh cần đặt ra các tiêu chí rõ ràng để mở cửa trở lại dựa trên tỷ lệ tiêm chủng và số lượng phòng bệnh ICU.

Bà Yu nhấn mạnh rằng chính phủ Trung Quốc nhất định phải lập ra các tiêu chí đó, “bởi vì COVID bây giờ không chỉ là một bài toán về sức khoẻ cộng đồng nữa, mà nó đã trở thành một thách thức về kinh tế”.

Một khu vực bị phong toả tại Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images).

Chương trình tiêm ngừa COVID sẽ là một trong những thách thức chính của chính quyền ông Tập. Theo dữ liệu chính thức mới nhất, hơn 30% trong khoảng 267 triệu người trên 60 tuổi của Trung Quốc vẫn chưa tiêm mũi thứ ba.

Ông Xinran Andy Chen, nhà phân tích cấp cao tại công ty tư vấn Trivium, cho biết văn hoá của Trung Quốc là một trở ngại lớn. Công chúng nước này thường e ngại rủi ro khi đề cập đến dịch bệnh và tiêm ngừa vắc xin.

Thái độ dè dặt của người dân Trung Quốc đối với vắc xin càng trở nên trầm trọng hơn bởi thông điệp chính thức mà Bắc Kinh truyền tải về sự nguy hiểm của COVID trong hai năm rưỡi qua, Financial Times cho hay.

Bắc Kinh và ngay cả Chủ tịch Tập Cận Bình cũng không thể yêu cầu tiêm chủng bắt buộc đối với người cao tuổi, vì động thái đó có thể gây ra “sự phản kháng mạnh mẽ trong xã hội”, ông Chen nhận định.

“Trung Quốc không thể bắt buộc người dân tiêm ngừa COVID nhưng cũng không thể để mặc người lớn tuổi chết vì dịch bệnh. Vì vậy, đó là lý do tại sao chính phủ vẫn duy trì các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt”, vị chuyên gia nói.

Đầu tháng 11 này, ông Tập đã cố gắng làm dịu các hạn chế COVID. Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã ban hành 20 điều chỉnh mới, trong đó có việc giảm thời gian cách ly bắt buộc và hạn chế xét nghiệm diện rộng.

Bước đi trên còn nhằm làm giảm bớt áp lực lên hệ thống cách ly tập trung hiện đang phải gồng gánh hơn 1 triệu người của Trung Quốc.

 

Tuy nhiên, ông Ernan Cui - một nhà phân tích tại hãng Gavekal - cho rằng nỗ lực ổn định nền kinh tế của Bắc Kinh chỉ gây ra “bất ổn về chính sách trên diện rộng” và khiến “đại dịch càng khó kiểm soát hơn”.

Chia sẻ với Financial Times, một vị cố vấn thân thuộc với Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc cho biết thời điểm “mở cửa” phụ thuộc vào việc sản xuất vắc xin chất lượng cao hơn và phổ biến chúng rộng rãi hơn.

Ông cho biết các nhà khoa học Trung Quốc đang nghiên cứu hơn chục loại vắc xin mới, trong đó có 6 loại sử dụng công nghệ mRNA.

Song, Bắc Kinh không thể chấp nhận tỷ lệ tử vong là 0,2% như ở Đài Loan và các quan chức cũng không loại trừ sẽ áp đặt phong toả nghiêm ngặt như tại Thượng Hải hồi mùa xuân năm nay nếu dịch bệnh vượt ngoài tầm kiểm soát.

Vị cố vấn trên nhấn mạnh: “Trung Quốc không thể nào mở cửa ngay bây giờ”.

Các chuyên gia tin rằng vắc xin do Trung Quốc sản xuất có thể bảo vệ người dân khỏi các biến chứng nặng và tử vong nếu tiêm đủ ba liều.

Tuy nhiên, chúng lại kém hiệu quả và nhanh mất tác dụng hơn so với công nghệ mRNA mà BioNTech, Pfizer và Moderna sử dụng.

 

Ngoài ra, Trung Quốc cũng chưa bao giờ trải qua một đợt bùng phát lớn như ở phương Tây. Ông Chen của Trivium nói thêm rằng chính phủ sẽ ưu tiên lợi ích kinh tế và chính trị trong nước hơn là lợi ích mà vắc xin ngoại mang lại.

Theo quan điểm của Bắc Kinh, “cái giá phải trả cho việc đánh mất niềm tự hào dân tộc, cái giá khi mất thị phần vào tay một đối thủ nước ngoài, lớn hơn nhiều so với việc sử dụng một loại vắc xin tốt hơn nhưng không có hiệu quả 100% trong ngăn ngừa COVID”, ông Chen nói rõ.

Bắc Kinh tin như vậy, bất chấp thiệt hại kinh tế to lớn. Nền kinh tế tỷ dân đang chững lại đáng kể so với nhiều thập kỷ trước. Cùng lúc, tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ đã vọt lên mức kỷ lục 20% do phong toả làm suy giảm nhu cầu của người tiêu dùng và làm gián đoạn hoạt động sản xuất.

Khi số ca bệnh tăng cao, ngày càng có nhiều dấu hiệu về sự can thiệp của chính quyền trung ương tại các thành phố trên cả nước. Điều này đồng nghĩa rằng nhiều địa phương đang phải tái áp dụng các biện pháp như xét nghiệm diện rộng và cách ly tập trung.

Chẳng hạn, trong chuyến thị sát siêu đô thị Trùng Khánh hồi đầu tuần này, Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan đã ra lệnh cho các quan chức thành phố phải loại bỏ tất cả các chuỗi lây nhiễm cộng đồng trong 8 ngày.

Một quan chức cho biết mục tiêu đó là “không thể” đạt được. Có khả năng Trùng Khánh cùng nhiều địa phương khác sẽ phải tái diễn hình ảnh của Thượng Hải hồi đầu năm, khi một cuộc phong toả hai ngày bỗng kéo dài đến hai tháng.

Một thách thức khác đối với việc nới lỏng Zero COVID của Trung Quốc là chính phủ sẽ truyền tải thông điệp ra sao. Giới chức cần một thông điệp khác để thuyết phục công chúng đang trong tâm trạng lo sợ rằng họ có thể sống chung với virus.

Ông Hồ Tích Tiến, cựu tổng biên tập tờ Global Times, nói với Financial Times rằng người dân Trung Quốc vẫn “rất lo lắng” về nguy cơ lây nhiễm, đặc biệt là rủi ro đối với trẻ em và người già.

Ông cho biết truyền thông nhà nước không cố tình tuyên truyền về sự nguy hiểm của virus. “Tôi chưa bao giờ nhận được chỉ thị như vậy trong suốt hai năm cuối cùng ở vị trí tổng biên tập Global Times”.

Tuy nhiên, ông nói sau khi quan sát cách xử lý dịch bệnh cùng với tỷ lệ tử vong cao ở Mỹ và phương Tây, nhiều người Trung Quốc đã sinh ra “cảm giác tự hào” về chính sách Zero COVID của đất nước.

Bà Liqian Ren, quản lý cấp cao tại WisdomTree Asset Management, tin rằng việc từ bỏ chiến lược chống COVID hà khắc phải bắt đầu từ sự thay đổi trong thông điệp của cấp cao nhất: ông Tập. 

Khả Nhân