|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lãnh đạo Trung Quốc báo hiệu giai đoạn chống dịch mới

16:57 | 01/12/2022
Chia sẻ
Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan cho biết Trung Quốc đang đối mặt với "tình hình và nhiệm vụ mới" và những biện pháp kiểm soát và phòng dịch sẽ phải được "tối ưu".

Giai đoạn chống dịch mới

Theo South China Morning Post (SCMP), quan chức hàng đầu chịu trách nhiệm về chống COVID của Trung Quốc đã phát đi tín hiệu về việc thay đổi chính sách đối phó với đại dịch. 

Tân Hoa Xã cho biết, trong một cuộc họp với các chuyên gia từ Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) hôm 30/11, Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan, người đã dẫn dắt Trung Quốc trong cuộc chiến chống COVID suốt ba năm qua, đã thừa nhận rằng biến thể Omicron dễ truyền nhiễm nhưng ít gây chết người hơn.

Bà Tôn cho biết Trung Quốc “đang đối mặt với tình hình và nhiệm vụ mới, khi khả năng gây bệnh của Omicron giảm dần, vắc xin trở nên phổ biến hơn và kinh nghiệm trong ngăn ngừa và kiểm soát [được cải thiện]”. 

Phát biểu của bà Tôn là lần đầu tiên một quan chức cao cấp của Trung Quốc thừa nhận sự thay đổi trong bản chất của virus. Thông thường, Bắc Kinh cho rằng Omicron vẫn có thể dẫn đến nhiều cái chết do dân số Trung Quốc đông.

Bài báo của Tân Hoa Xã cũng không đề cập tới “zero linh hoạt” - chiến lược chung để loại bỏ mọi chuỗi di truyền thông xét nghiệm thường xuyên, cách ly và phong tỏa mà không quan tâm đến tác động lên nền kinh tế và cuộc sống. 

Thay vào đó, bà Tôn cho biết những biện pháp kiểm soát COVID được “tối ưu” sẽ tiếp tục. “Lấy con người làm trung tâm, công việc ngăn ngừa và kiểm soát phải tiến triển đều đặn, chính sách tiếp tục được tối ưu theo từng bước nhỏ, nhưng không được dừng”, bà nói.

“Các biện pháp chẩn đoán, xét nghiệm, thu dung và cách ly phải liên tục được cải thiện; miễn dịch toàn cộng đồng, đặc biệt là người già, phải được tăng cường; việc chuẩn bị thuốc điều trị, nguồn lực y tế phải được đẩy nhanh”, bà nói.

Trung Quốc đang đối mặt với đợt bùng phát COVID tồi tệ nhất trong ba năm qua.

Phát biểu của bà Tôn là tín hiệu mới nhất cho thấy giới lãnh đạo Trung Quốc đang chuẩn bị từ bỏ chính sách Zero COVID. Trước đó, các biện pháp kiểm soát dịch chặt chẽ đã được thay thế bởi “20 giải pháp” nhẹ nhàng hơn.

Đầu tuần này, Trung Quốc công bố chiến dịch tiêm chủng tập trung vào người già, đặc biệt là những người trên 80 tuổi. Động thái này được xem như một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đã sẵn sàng đối đầu với một cản trở lớn để mở cửa an toàn.

Ủy ban Y tế Quốc gia cũng đã yêu cầu chính quyền địa phương xây thêm nhiều bệnh viện, có khả năng điều trị bệnh nhân ở nhiều mức độ nghiêm trọng, bao gồm cả những người cần chăm sóc đặc biệt. Ở cấp cơ sở, các chính quyền cũng đang dần nới lỏng kiểm soát, tuân theo “20 biện pháp” phòng dịch mới.

Hệ thống y tế Trung Quốc đang kém hơn so với các quốc gia phát triển.

Thủ phủ Quảng Châu của tỉnh Quảng Đông đã nới lỏng kiểm soát và dỡ bỏ phong tỏa tại nhiều quận. Cơ quan y tế của thành phố này thậm chí còn cho phép những người tiếp xúc gần cách ly tại nhà, thay vì phải ở trong khu cách ly 5 ngày. 

Những thành phố khác, bao gồm thủ đô Bắc Kinh và Thạch Gia Trang, đã yêu cầu những người không có tiếp xúc xã hội thường xuyên, chẳng hạn như học sinh học online ở nhà, bỏ qua việc xét nghiệm PCR.

Gần đây, nhiều vụ biểu tình hiếm thấy đã nổ ra tại Trung Quốc nhằm phản đối chính sách Zero COVID. 

Tiêm mũi 4

Theo nguồn tin của Bloomberg, Trung Quốc đang xem xét tiêm vắc xin COVID liều thứ 4. Nguồn tin này cho biết, các quan chức đang lên kế hoạch tiêm chủng. Tuy vậy thời điểm và những người được tiêm chủng hiện vẫn chưa được quyết định. Người già, vốn có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất tại Trung Quốc, sẽ được ưu tiên.

Động thái trên nhằm nâng mức độ miễn dịch của dân số Trung Quốc, đa số chưa từng nhiễm COVID. Mũi tiêm thứ 4, vốn đã phổ biến tại nhiều quốc gia, có thể hỗ trợ quá trình mở cửa của Trung Quốc. Một người phát ngôn của NHC tuyên bố không biết gì về kế hoạch trên. 

Hiện các quan chức đang đối mặt với thách thức thuyết phục người dân, đặc biệt là người cao tuổi, tiêm chủng bổ sung. Tại Trung Quốc, chỉ có 69% người trên 60 và 40% người trên 80 tuổi đã tiêm mũi bổ sung. Ở Mỹ, 70% người trên 65 tuổi đã có mũi bổ sung đầu tiên, 44% đã có mũi thứ hai.

Hiện tại Bắc Kinh vẫn không thực hiện chế độ tiêm chủng bắt buộc như tại nhiều quốc gia khác. Trung Quốc đã khẳng định rằng miễn dịch phải hoàn toàn tự nguyện, và việc di chuyển của những người chưa tiêm chủng sẽ không bị hạn chế.

Minh Quang