|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Fed từng đưa nền kinh tế Mỹ 'hạ cánh mềm' nhờ hành động sớm, quyết liệt và may mắn

17:46 | 16/12/2022
Chia sẻ
Vào năm 1994, Fed dưới sự lãnh đạo của cựu Chủ tịch Alan Greenpan đã quyết liệt thắt chặt chính sách, giúp ổn định lạm phát, đồng thời tránh được suy thoái kinh tế.

Nửa sau năm 2022, giá cả bắt đầu tăng chậm lại, làm dấy lên hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể thực hiện một cú “hạ cánh mềm”, tức là nâng lãi suất, làm suy yếu nền kinh tế để hạ nhiệt lạm phát nhưng tránh được suy thoái.

Hạ cánh mềm là điều rất hiếm thấy. Lần gần đây nhất Fed thành công là vào năm 1994, với một cú hạ cánh được nhiều nhà kinh tế cho là “hoàn hảo”.

Cựu Chủ tịch Fed Alan Greenpan nhận Huân chương Tự do từ cựu Tổng thống George W. Bush. (Ảnh: Nhà Trắng).

Lạm phát lúc bấy giờ ở mức 3%, và Fed, do Chủ tịch Alan Greenspan đứng đầu, đã cố gắng ổn định giá cả từ sớm. Trong 7 lần thắt chặt từ tháng 2/1994 đến 2/1995, các nhà hoạch định chính sách đã đưa lãi suất lên 6%.

Kết quả là nền kinh tế Mỹ đã chặn được suy thoái, lạm phát ổn định ở mức 3% sau đó giảm dần. Tỷ lệ thất nghiệm tiếp tục giảm trong hầu hết những năm cuối thập niên 90. 

Tăng trưởng kinh tế đã suy yếu trong nửa đầu năm 1995, nhưng nhanh chóng phục hồi trở lại, và mở ra một giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Fed sau đó đã đưa lãi suất xuống 5,25% vào tháng 1/1996, rồi lại lên 5,5% vào tháng 3/1997.

Fed cũng tưungf tăng lãi suất với tốc độ chóng mặt vào năm 1994.

Fed đã làm thế nào?

Những năm 1990 bắt đầu với một cuộc suy thoái ngắn khi giá dầu tăng vọt do chiến tranh Kuwait và nỗ lực của Fed nhằm giảm lạm phát cũng như nợ tích tụ từ thập niên 80. Đến năm 1994, nền kinh tế đã tăng trưởng, thị trường lao động mạnh hơn. Tuy vậy, các nhà dự báo lại lo lắng rằng lạm phát sẽ sớm tăng lên. 

Vào năm 1990, Iraq đã đốt cháy 600 giếng dầu của Kuwait. (Ảnh: Jonas Jordan).

Theo ông Alan Blinder, Phó chủ tịch Hội đồng Thống đốc Fed từ tháng 6/1994 đến tháng 1/1996, cú hạ cánh mềm vào thời điểm đó nhờ cả vào “may mắn và kỹ năng”. Ông Blinder, hiện là giáo sư kinh tế tại Đại học Princeton, cho biết vào thời điểm đó, các nhà hoạch định chính sách lo lắng về lạm phát tăng cao vì nền kinh tế đang mạnh. 

Chủ tịch Greenspan và các thành viên khác của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), đã quyết định bắt đầu tăng lãi suất lần đầu tiên sau 5 năm.

Ông Blinder cho rằng Fed đã gặp may khi không có “cú sốc nghiêm trọng” làm rung chuyển nền kinh tế vào thời điểm đó. Hiện tại, đại dịch COVID làm gián đoạn hoạt động sản xuất trên toàn cầu, xung đột Ukraine khiến giá lương thực và năng lượng tăng đột biến.

Giáo sư Blinder nói rằng Fed đã thành công vì các quan chức đã tăng lãi suất “trước khi quá muộn”. Ông tiết lộ rằng đã xảy ra một cuộc tranh luận gay gắt giữa các thành viên FOMC về thời điểm ngừng tăng lãi suất, cũng như mức lãi suất phù hợp.

Ông cho biết các ngân hàng trung ương thường hay phạm “sai lầm kinh điển” trong việc thắt chặt quá mức, bởi tác động từ lãi suất cao sẽ không xuất hiện ngay lập tức trong nền kinh tế.

Vào năm 1994-1995, Fed cũng chưa thể khẳng định chắc chắn về việc có thể đưa nền kinh tế Mỹ hạ cánh mềm hay không, do luôn có những rủi ro trong mô hình kinh tế, cũng như cú sốc bên ngoài làm lạm phát nhảy vọt.

 

Một điểm khác biệt với 2022 là các nhà hoạch định chính sách thời đó không có một mục tiêu rõ ràng. Kể từ năm 2012, Fed chính thức đặt mục tiêu duy trì lạm phát hàng năm 2%. Vào những năm 1990, Fed không đặt mục tiêu lạm cố định, mà thay đổi từ 0 đến 3%.

Ông Blinder tiết lộ rằng Chủ tịch Greenspan đã không muốn đi quá đà trong việc tăng lãi suất. “Con bồ câu bí mật là Alan Greenspan”, ông Blinder nói. “Ông ấy thích đóng vai diều hâu và tuyên bố mục tiêu lạm phát bằng 0. Nhưng ông ấy khá hài lòng với mức lạm phát 3%”.

Ông Vincent Reinhart, người đứng đầu bộ phận phân tích thị trường tiền tệ và ngân hàng của Fed năm 1994, cho biết Fed của những năm 1990 nâng lãi suất rất quyết liệt giống như năm 2022.

Nhưng ông Reinhart cũng lưu ý rằng, cuộc hạ cánh mềm năm 1994 xảy ra khi Fed hành động từ sớm, đánh phủ đầu lạm phát. Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách hiện tại “đang đuổi theo lạm phát đã tăng lên”.

Ông Reinhart cho biết: “Chủ tịch Powell và các đồng nghiệp đã phản ứng bị động với lạm phát cao tới 9%".

Hạ cánh mềm năm 2022 khó hơn, nhưng vẫn khả thi

Ông Reinhart cho biết Fed khó lòng đưa nền kinh tế tránh khỏi suy thoái trong 12 tháng tới. Các ngân hàng trung ương khác cũng đang tăng lãi suất, và làm chậm lại tốc độ tăng trưởng toàn cầu. Các thách thức chẳng hạn như xung đột Ukraine vẫn tồn tại. Tuy vậy, ông Reinhart kỳ vọng vào một cuộc suy thoái tương đối nhẹ. 

Ông Blinder lại tin rằng Fed có thể đạt được một cú hạ cánh “tương đối mềm”, hoặc một cuộc suy thoái nhẹ vào năm tới. Ông cho biết FOMC hiện tại có vẻ ôn hòa hơn, và không muốn “làm sụp đổ nền kinh tế” bằng việc nâng lãi suất.

Ông cũng nhận định rằng nhiều yếu tố đẩy lạm phát lên cao dường như đang tiêu biến khi chuỗi cung ứng được giải tỏa và giá dầu đi xuống. Tỷ lệ thất nghiệp đang ở 3,7%, gần mức thấp nhất trong nửa thế kỷ và thị trường lao động vẫn mạnh, đồng nghĩa vẫn có thêm nhiều cơ hội để chậm lại.

 

Cựu Phó Chủ tịch FOMC Alan Blinder cho biết Fed đã đưa nền kinh tế hạ cánh mềm khá nhiều lần. Trong tổng số 11 giai đoạn Fed chống lạm phát trong 60 năm, ngân hàng trung ương này đã đạt được cú hạ cánh mềm, hoặc suýt soát 6 lần. 

5 lần còn lại, Fed không cố gắng đạt được một cú hạ cánh mềm, vì phải “đánh mạnh vào nền kinh tế” để hạ lạm phát, hoặc xảy ra những sự kiện nằm ngoài tầm kiểm soát.

Theo ông Blinder, vào những năm 1970 và đầu những năm 1980, Chủ tịch Fed khi đó là Paul Volcker đã quyết tâm hạ lạm phát ở mức hai con số và tạo ra hai cuộc suy thoái. Vào năm 1988, Fed có thể đã hạ cánh nhẹ nhàng nếu không có cú sốc dầu mỏ lớn xảy ra sau cuộc chiến tranh Kuwait. Ông cho rằng Fed đã đạt được cú hạ cánh “tương đối mềm” vào năm 1965.

Tuy vậy, ông Blinder cũng cảnh báo rằng hiện nay, Fed đang cố gắng giảm lạm phát vốn đã cao, đồng nghĩa với việc “phải tấn công nền kinh tế mạnh hơn một chút bằng lãi suất”.

Ông Bill English, cựu Giám đốc các vấn đề tiền tệ của Fed, cho rằng việc kìm hãm đà tăng giá cả lần này là một thách thức lớn hơn, bởi nền kinh tế đang không theo khuôn mẫu nào. Các quan chức Fed ban đầu tuyên bố rằng lạm phát chỉ là “tạm thời”. Tuy vậy, họ đã bị sốc bởi mức độ dai dẳng của lạm phát. 

Ông English cho biết độ trễ của chính sách tiền tệ đang làm phức tạp thêm nỗ lực hạ cánh mềm của Fed. Nếu các quan chức không hành động đủ, người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ kỳ vọng lạm phát cao hơn, và sẽ càng đẩy giá cả lên cao trong tương lai.

Tuy vậy, theo ông, triển vọng lạm phát đã được cải thiện trong những tháng gần đây, và có khả năng Fed đã làm chậm nền kinh tế, tăng tỷ lệ thất nghiệp mà không gây suy thoái. “Điều này có thể xảy ra, nhưng sẽ rất khó”, ông nhận định.

Ông Joseph Gagnon, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho rằng có “cơ sở để lạc quan hơn”. Tiết kiệm của hộ gia đình vẫn còn khá mạnh, dù những người có thu nhập thấp đã đốt hết số tiền này. “Nói một cách tương đối, hộ gia đình đang ở trong tình trạng tốt. Chúng ta đang có tỷ lệ thất nghiệp rất thấp, vì vậy mức tăng khiêm tốn sẽ không quá nguy hiểm”. 

Minh Quang