|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Fed loay hoay chèo lái nền kinh tế ‘khó chiều’

16:18 | 13/12/2022
Chia sẻ
Các điều kiện kinh tế tại Mỹ đang không ăn khớp với nhau. Do đó, ở cuộc họp tuần này, giới chức Fed sẽ phải đánh giá lại tình hình nhằm vạch ra lộ trình lãi suất phù hợp, tránh siết chặt chính sách quá mức khiến nền kinh tế sụp đổ.

Ông Jerome Powell, Chủ tịch Fed. (Ảnh: Reuters). 

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã dành cả năm 2022 để cố gắng bắt kịp lạm phát. Giờ đây, các nhà hoạch định chính sách sẽ phải phán đoán xem nền kinh tế Mỹ liệu có còn đủ mạnh để chống chịu mức lãi suất cao hơn, hay họ cần sớm ngừng tay để tránh một cuộc suy thoái. 

Thị trường tài chính và các chuyên gia dự báo có vẻ như đang chuẩn bị cho trường hợp xấu. Giới đầu tư Mỹ, từ những người hâm mộ tiền mã hóa cho đến những người trung thành với quỹ chỉ số, đã mất hơn 8.000 tỷ USD trong năm nay khi thị trường đổ rạp trước chiến dịch tăng lãi suất của Fed.

Thị trường trái phiếu có vẻ tin tưởng rằng suy thoái đang đến. Các nhà kinh tế do Reuters và nhiều tổ chức khác khảo sát cũng có chung nhận định.

Nhưng dù môi trường kinh tế hiện nay có vẻ rất căng thẳng, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm người Mỹ gốc Latin lại đang ở mức thấp kỷ lục. Tỷ lệ thất nghiệp của người da màu cũng gần với mức thấp nhất trong lịch sử.

Tiền lương tăng trưởng mạnh và tiêu dùng – trụ cột của tăng trưởng kinh tế Mỹ - vẫn tiếp tục đi lên ngay cả sau khi điều chỉnh cho lạm phát. 

Có nhiều yếu tố quyết định khi nào và liệu nền kinh tế có rơi vào suy thoái hay không, nhưng chắc chắn giai đoạn này sẽ bao gồm tình trạng thất nghiệp gia tăng và tiêu dùng suy giảm.

Ông Bob Schwartz, nhà kinh tế cấp cao về Mỹ tại Oxford Economics, nhận xét: “Chưa bao giờ nền kinh tế Mỹ lại khó chiều như bây giờ”. Gần đây ông đã công bố bài phân tích chỉ ra các tình huống “lưỡng cực” mà giới chức Fed có thể phải suy ngẫm trong cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày tuần này.

Tâm lý người tiêu dùng xuống dốc, tồi tệ hơn cả giai đoạn đại dịch, nhưng số dư ngân hàng và chi tiêu vẫn còn lành mạnh. Sản xuất sa sút nhưng ngành dịch vụ vẫn vững tiến, được chứng minh bởi số liệu tăng trưởng việc làm hàng tháng và tiền lương.

Một số dấu hiệu cho thấy lạm phát đang suy giảm, đặc biệt giá xăng đã quay trở về bằng mức một năm trước. Nhưng tỷ lệ lạm phát vẫn cao hơn nhiều mức ttrung bình trong hàng chục năm qua và tiếp tục gây áp lực lên ngân sách hộ gia đình.  

Những người bi quan có đủ bằng chứng về sự suy yếu của nền kinh tế để tin rằng suy thoái đã cận kề.

Bà Dana Peterson, nhà kinh tế trưởng tại tổ chức nghiên cứu Conference Board, đánh giá: “Có lẽ suy thoái đang bắt đầu ngay bây giờ”.

Bà chỉ ra rằng các chỉ báo kinh tế sớm của Conference Board đã suy giảm liên tục trong năm nay và cuộc khảo sát các CEO gần đây cho thấy hầu như tất cả đều đồng ý rằng suy thoái đang đến. 

 

"Không đổ vỡ" 

Nhưng những người lạc quan cũng có đủ bằng chứng về sức mạnh của nền kinh tế để dự báo tăng trưởng sẽ tiếp tục.

Ông Guy Berger, nhà kinh tế trưởng của LinkedIn, chỉ ra: “Chúng ta có dấu hiệu cho thấy thị trường lao động đang nguội bớt... Có hơn 250.000 việc làm được tạo ra mỗi tháng và một số ngành thiếu lao động triền miên. Rõ ràng tình hình hiện nay trông không giống suy thoái". 

Giới chức Fed đã thông báo ý định tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2023. Nhưng họ cũng dự định sẽ hành động với quy mô nhỏ hơn. Sau 4 đợt tăng lãi suất 75 điểm cơ bản liên tiếp, ngân hàng trung ương Mỹ được cho là sẽ giảm nhịp độ tăng lãi suất xuống 50 điểm cơ bản trong cuộc họp chính sách kết thúc vào ngày 14/12.

Quyết định hành động từ tốn hơn là sự thừa nhận của các quan chức rằng họ có thể đã đến gần điểm cần phải ngừng lại sau khi tăng mạnh lãi suất trong năm nay, và mỗi bước đi từ đây đều làm tăng rủi ro thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức. 

Cho đến nay, giới chức Fed chưa cảm thấy rằng họ đã đi quá giới hạn. Thống đốc Christopher Waller bình luận: “Bất chấp các cảnh báo rằng Fed sẽ làm sụp đổ nền kinh tế và phá vỡ thị trường tài chính, chúng tôi vẫn chưa gây ra thảm họa”.

 

Hạ cánh mềm

Nhưng Fed vẫn có nguy cơ gây ra suy thoái trong tương lai. Trong cuộc họp tuần này, Fed sẽ cung cấp dự báo mới về mức lãi suất cuối chu kỳ thắt chặt, thời gian duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt và khả năng phản ứng của nền kinh tế.

Bản cập nhật này sẽ cho nhà đầu tư thấy liệu Fed có còn tin tưởng rằng họ có thể khống chế lạm phát mà không gây thiệt hại lớn lên thị trường lao động hay không. 

Các nhà đầu tư trái phiếu có vẻ đã đưa ra nhận định của mình. Gần đây, đường cong lợi suất đã đảo ngược – dấu hiệu thường báo trước suy thoái đang đến.

Chủ tịch Fed Jerome Powell chỉ nói rằng một cuộc hạ cánh mềm là điều “khả dĩ” với nền kinh tế Mỹ, nhưng từ chối bình luận về việc kịch bản này có nhiều khả năng xảy ra đến mức nào.

Câu hỏi liệu Mỹ có tránh được suy thoái hay không phụ thuộc vào hướng đi của lạm phát. Các diễn biến như giá thuê nhà giảm đã đem đến hy vọng rằng lạm phát đang trên đà đi xuống.

Câu chuyện suy thoái cũng phụ thuộc vào cách thị trường lao động điều chỉnh. Liệu tăng trưởng tiền lương và hoạt động tuyển dụng sẽ chỉ chậm lại, hay nhân công sẽ bị sa thải nhiều đến mức tỷ lệ thất nghiệp tăng lên đáng kể?

Một số người tin rằng nền kinh tế Mỹ vẫn còn cơ hội để tránh được suy thoái, ví dụ như nhà kinh tế Berger của LinkedIn.

Ông khẳng định: “Nếu những người lạc quan đúng thì thị trường lao động sẽ điều chỉnh hợp lý, Fed vui vẻ với hướng đi của lạm phát và ngừng siết chặt nền kinh tế. Kịch bản này hoàn toàn có khả năng xảy ra”. 

Giang