|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

'Vua trái phiếu' cảnh báo nguy cơ thị trường tài chính hỗn loạn vì lãi suất tăng

12:33 | 23/12/2022
Chia sẻ
Nhà đầu tư nổi tiếng Bill Gross dự báo sẽ có rắc rối lớn xảy ra nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất.

 Ông  Bill Gross trong một buổi phỏng vấn. (Ảnh: Bloomberg)

Ông Gross còn được gọi là vua trái phiếu. Ông cũng là nhà đồng sáng lập Pimco, một trong những quỹ đầu tư trái phiếu lớn nhất thế giới.

Khi còn điều hành Pimco, ông Gross đã giúp đưa quỹ này trở thành quỹ tương hỗ lớn nhất thế giới. Sau đó, ông điều hành một quỹ tại Janus Henderson cho đến khi nghỉ hưu vào tháng 3/2019.

Trả lời phỏng vấn hãng CNBC mới đây, ông Gross nói: “Nền kinh tế đã nhận được hỗ trợ từ gói chi tiêu tài khóa trị giá hàng nghìn tỷ USD, nhưng khi số tiền này đã cạn kiệt, chúng ta sẽ đối mặt với một cuộc suy thoái nhẹ. Nếu lãi suất tiếp tục tăng, tình hình có thể tồi tệ hơn”.

Ông Gross cảnh báo: “Chúng ta có thể chứng kiến sự hỗn loạn trên thị trường tài chính”.

Theo nhà cựu lãnh đạo của Pimco, chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường vốn. Ông đã lấy ví dụ về biến động của lợi suất trái phiếu toàn cầu sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) nới lỏng chính sách lợi suất trái phiếu dài hạn.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản tăng sốc sau khi BoJ nâng biên độ biến động

Động thái gây sốc của BoJ

Các thị trường toàn cầu đã biến động mạnh sau khi BoJ ngày 20/12 bất ngờ tăng biên độ dao động đối với lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản (JGB) kỳ hạn 10 năm từ +/-25 điểm cơ bản lên +/-50 điểm cơ bản xung quanh lợi suất mục tiêu 0%. Động thái đã thúc đẩy làn sóng bán ra trái phiếu và cổ phiếu trên khắp thế giới.

Trong một tuyên bố, BoJ cho biết sự điều chỉnh trên nhằm “cải thiện hoạt động của thị trường và làm mượt toàn bộ đường cong lợi suất, trong khi vẫn duy trì các điều kiện tài chính phù hợp.”

Quyết định của BoJ đã khiến giá trị đồng yen và lợi suất trái phiếu toàn cầu gia tăng, trong khi chứng khoán ở châu Á-Thái Bình Dương đi xuống.

Chốt phiên 20/12, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đóng cửa giảm 2,5%. Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm tăng lên hơn 0,43%, mức cao nhất kể từ năm 2015.

Trên thị trường tiền tệ, đồng USD đã giảm 3,3% so với đồng yen. Theo dữ liệu của FactSet, đồng yen đã ghi nhận mức tăng trong một ngày so với đồng USD lớn nhất kể từ tháng 3 năm 1995 (27 năm, 8 tháng, 20 ngày).

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng khoảng 7 điểm cơ bản lên gần 3,66%; còn lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm tăng hơn 8 điểm cơ bản lên 3,7078%. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức cũng có lúc tăng gần 7 điểm cơ bản lên 2,2640%.

Bà Susannah Streeter, nhà phân tích thị trường tại công ty dịch vụ tài chính Hargreaves Lansdown cho rằng quyết định của BoJ được coi là một tín hiệu “thăm dò” cho khả năng rút lại gói kích thích đã được bơm vào nền kinh tế để cố gắng thúc đẩy nhu cầu và giá cả.

Hiện nay, BoJ vẫn là một ngoại lệ so với hầu hết các ngân hàng trung ương lớn khác khi duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, với việc giữ nguyên lãi suất ở mức -0,1% và cam kết tăng đáng kể tỷ lệ mua trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm.

Trong khi đó, các ngân hàng trung ương khác trên thế giới tiếp tục tăng lãi suất và thắt chặt chính sách tiền tệ trong nỗ lực kiềm chế lạm phát.

 

Tác động đến thị trường nhà đất

Bên cạnh mối lo ngại về những biến động trên thị trường tài chính, ông Gross còn lưu ý tới thị trường bất động sản. Ông nhận định nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất, nhà đầu tư cần thận trọng đối với thị trường nhà đất, song tình hình sẽ không tồi tệ như cuộc Đại Suy thoái năm 2007, 2008.

Theo thống kê, doanh số bán nhà đã qua người ở tại Mỹ giảm tháng thứ 10 liên tiếp trong tháng 11 vừa qua, ghi nhận chuỗi giảm dài nhất trong 23 năm. Hiệp hội Môi giới Bất động sản Quốc gia Mỹ (NAR) cho biết tốc độ bán nhà trong tháng 11 giảm 7,7% so với tháng 10 và 35,4% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh số bán nhà đã qua người ở (existing home sales) tại Mỹ giảm tháng thứ 10 liên tiếp 

Nhà kinh tế trưởng của NAR, ông Lawrence Yun, cho biết: “Thị trường bất động sản nhà ở đã đóng băng vào tháng 11, giống như đợt đóng cửa do dịch COVID-19 năm 2020. Nguyên nhân chính là do sự gia tăng nhanh chóng của lãi suất vay thế chấp, vốn đã ảnh hưởng đến khả năng chi trả của người mua”.

 

Trà My

Vì sao số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao trong khi các chỉ số vĩ mô tích cực?
Trong năm 2024, dù hầu hết chỉ số kinh tế vĩ mô đều tích cực nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng cao. Điều này cho thấy, tính bền vững trong phục hồi của doanh nghiệp vẫn còn yếu và cần có dư địa chính sách hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi này.